CƠ CẤU DÂN SỐ VÀNG Ở VIỆT NAM
Lượt xem: 207
Cơ cấu dân số "vàng" tức là số người trong độ tuổi lao động cao hơn số người phụ thuộc (cứ 2 người trong độ tuổi lao động mới phải “gánh” một người ngoài độ tuổi lao động). Giai đoạn cơ cấu dân số vàng là một giai đoạn của quá trình chuyển đổi nhân khẩu học gọi là giai đoạn “dư lợi dân số” hay “cửa sổ cơ hội dân số” và chỉ xuất hiện duy nhất 1 lần đối với mỗi quốc gia.
Việt Nam đã chính thức bước vào thời kỳ cơ cấu dân số "vàng" từ năm 2007 với lực lượng lao động trẻ dồi dào với khoảng 53 triệu người trong độ tuổi lao động và mỗi năm lại được bổ sung khoảng 1,5 triệu người nữa. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, thời kỳ dân số "vàng" sẽ kéo dài khoảng 34 năm và kết thúc vào khoảng năm 2041.

Cơ hội của thời kỳ dân số "vàng"

Dân số trong độ tuổi lao động tăng nhanh giúp cho thị trường tiêu thụ được mở rộng vì họ vừa là lực lượng sản xuất chủ lực vừa là lực lượng tiêu dùng chính. Đồng thời, lực lượng lao động tăng tức là năng suất lao động và khối lượng sản phẩm được tạo ra cũng tăng lên, tài sản xã hội và gia đình được đảm bảo.

Dân số trong độ tuổi lao động lớn, cùng với sự phát triển của khu vực công nghiệp và dịch vụ tạo nhu cầu lớn về đào tạo nghề. Chi tiêu y tế trong độ tuổi lao động giảm sẽ tiết kiệm được y tế.
Dân số nhóm tuổi từ 0-15 tuổi giảm sẽ điều kiện tốt hơn cho công tác phòng chống suy dinh dưỡng, khám chữa bệnh, qua đó nâng cao chất lượng chăm sóc y tế cho trẻ em, cải thiện chất lượng sức khỏe dân số tương lai. Vì vậy, đây là cơ hội để cải thiện sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản cho thanh niên, vị thành niên. Mặt khác, dân số dưới 15 tuổi giảm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục thông qua việc giảm tỷ số giữa học sinh và giáo viên.

Cơ cấu dân số “vàng” cũng là cơ hội dịch chuyển lao động thông qua di cư, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững.
Lợi thế của cơ cấu dân số vàng là chúng ta có nguồn lao động dồi dào, đặc biệt là lao động trẻ có khả năng sáng tạo lao động làm ra của cải vật chất. Tuy nhiên, bản thân giai đoạn cơ cấu dân số vàng không trực tiếp mang lại của cải vật chất cho xã hội mà chỉ là cơ hội để xã hội phát triển. Nếu tận dụng được tối đa trí tuệ, sức lao động của lực lượng lao động trẻ thì sẽ tạo ra khối lượng của cải vật chất khổng lồ, tạo ra giá trị tích lũy lớn cho tương lai, đảm bảo an sinh xã hội khi đất nước bước vào giai đoạn “dân số già”. Do vậy, việc đầu tư cho chất lượng nguồn nhân lực và tạo các ngành nghề để sử dụng nguồn lao động là hết sức cần thiết.

Thách thức của thời kỳ dân số "vàng"

Cơ cấu “dân số vàng” tạo ra nhiều thuận lợi, thế mạnh song cũng đặt ra không ít những khó khăn thách thức cần phải giải quyết. Thu nhập thấp, thiếu việc làm, chất lượng sống và chất lượng dân số chưa cao, tốc độ già hóa nhanh, chi phí an sinh xã hội lớn cũng là những thách thức đặt ra với Việt Nam.
Tốc độ tăng nhanh của dân số trong độ tuổi lao động sẽ là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế nhưng sẽ trở thành gánh nặng cho đất nước nếu tỷ lệ thất nghiệp cao và năng suất lao động thấp. Nước ta, đông về số lượng lực lượng lao động nhưng chất lượng chưa cao do thiếu lao động có tay nghề cao, sức bền còn hạn chế, kỹ năng quản lý còn nhiều bất cập.
Cơ cấu “dân số vàng” tạo ra nhiều thuận lợi, thế mạnh cho Việt Nam với lực lượng lao động trẻ, dồi dào nhưng lại là thách thức lớn. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê đến 6 tháng đầu năm 2017, lao động có việc làm qua đào tạo từ trình độ “Sơ cấp nghề” trở lên ước tính đạt 11,4 triệu, chiếm 21,3% số lao động có việc làm trong toàn quốc, còn khoảng 70% lao động chưa được đào tạo nghề. Tỷ lệ lao động có việc làm đã qua đào tạo của khu vực thành thị chiếm 37,6%, cao gấp gần 3 lần của khu vực nông thôn. Ngoài ra, chất lượng giáo dục, đào tạo nghề chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động.
Với khoảng 62% dân số trong độ tuổi lao động thực sự là sức ép rất lớn về việc làm cho xã hội.
Đối tượng nữ giới trong tuổi sinh sản cũng rất lớn nên sức ép về dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cũng tăng lên. Bên cạnh đó, tỷ lệ vàng trong cơ cấu dân số của Việt Nam lại không đồng đều ở các vùng miền.
Tỷ lệ nhóm người trong độ tuổi từ trên 65 (nhóm tuổi không còn khả năng lao động) tăng do chất lượng cuộc sống ngày một tăng cao, công tác chăm sóc y tế tốt hơn, vì vậy tăng các chi phí đầu tư cho an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe.

Tranh thủ lợi thế của cơ cấu dân số "vàng"

Theo dự báo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), dân số Việt Nam sẽ đạt khoảng 104 triệu người vào năm 2040, thời điểm Việt Nam gần kết thúc thời kỳ "cơ cấu dân số vàng" và dân số bắt đầu già hóa nhanh. Để có thể đóng góp vào sự phát triển của kinh tế xã hội khi bước vào thời kỳ già hóa dân số thì lực lượng dân số trẻ phải được chăm sóc tốt về sức khỏe và được đào tạo kỹ năng tốt.

Để tận dụng và phát huy lợi thế cơ cấu dân số “vàng”, vai trò các chương trình phối hợp liên ngành rất quan trọng và cần thiết nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp như: duy trì mức sinh hợp lý để kéo dài thời gian cơ cấu “dân số vàng”, làm chậm quá trình “già hóa dân số”; tăng cơ hội việc làm; đa dạng hóa ngành nghề; mở rộng nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường lao động... Đặc biệt, phải chú trọng nâng cao chất lượng dân số - phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm tận dụng hiệu quả cơ hội cơ cấu dân số vàng.

Sau 10 năm của giai đoạn cơ cấu dân số vàng, nước ta đã đạt được nhiều tiến bộ trong tăng trưởng kinh tế. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách mang tính chiến lược để hiện thực hóa có hiệu quả tác động của dân số đến tăng trưởng, tập trung vào 4 nhóm quan trọng: nhóm chính sách giáo dục và đào tạo; nhóm chính sách lao động, việc làm và nguồn nhân lực; nhóm chính sách dân số, gia đình và y tế; nhóm chính sách an sinh xã hội. Hiện nay, nước ta đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với khoảng 63 triệu người trong độ tuổi lao động, đây là nền tảng cơ hội vàng để có thể thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập