Nâng cao chất lượng dân số - kế hoạch hóa gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Lượt xem: 182
Xác định làm tốt công tác dân số góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, huyện Hà Quảng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chuyển đổi nhận thức, nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo, áp dụng những biện pháp phù hợp trong công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, lựa chọn giới tính khi sinh, giảm sinh con thứ 3 trở lên.

Viên chức Trạm Y tế xã Mã Ba (Hà Quảng) tư vấn các biện pháp tránh thai cho chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ

 

Xã vùng cao Mã Ba có 40% là đồng bào dân tộc Mông, trước đây, nhận thức của đồng bào về công tác DS-KHHGĐ có nhiều hạn chế, nhiều hộ còn tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, họ cho rằng muốn sinh bao nhiêu con cũng được và phải sinh con trai để “nối dõi tông đường”... nên công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách DS-KHHGĐ gặp nhiều khó khăn.

Anh Sầm Văn Hiếu, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Mã Ba cho biết: Để thay đổi nhận thức của người dân, nhất là đồng bào dân tộc Mông về công tác DS-KHHGĐ, Trạm Y tế tham mưu UBND xã đưa các chỉ tiêu dân số vào hương ước, quy ước của xóm, xã và là tiêu chí để đánh giá, bình xét các danh hiệu văn hóa ở khu dân cư; cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số; thành lập Câu lạc bộ tiền hôn nhân, Câu lạc bộ không sinh con thứ 3; tuyên truyền về những hệ lụy của hôn nhân cận huyết thống, về mất cân bằng giới tính, bình đẳng giới, vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, không phân biệt con gái, con trai… Nhờ đó, nhận thức của người dân về DS-KHHGĐ ngày càng nâng lên. Đến nay, xã không còn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, 100% trẻ trong độ tuổi đi học được đến trường, nhiều hủ tục được xóa bỏ và thực hiện theo nếp sống văn hóa mới. 

Với đặc thù huyện miền núi, biên giới có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trước đây, với suy nghĩ sinh nhiều con hơn nhiều của, trọng nam khinh nữ, nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đã vi phạm chính sách DS-KHHGĐ khi sinh con thứ 3 trở lên, khiến cuộc sống vốn đã vất vả, lại càng khó khăn hơn. Những đứa trẻ sinh ra còi cọc, suy dinh dưỡng, không được chăm sóc đầy đủ về thể chất lẫn tinh thần; nhiều em không được đến trường đi học. 

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác DS-KHHGĐ trong tình hình mới, UBND huyện Hà Quảng đã chỉ đạo các địa phương, nhất là các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác DS-KHHGĐ. Hằng năm, các cơ quan, đơn vị đưa chỉ tiêu công tác DS-KHHGĐ vào kế hoạch hoạt động thường xuyên, lấy tiêu chí thực hiện tốt chính sách DS- KHHGĐ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, xét thi đua, khen thưởng hằng năm. Các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác DS-KHHGĐ; các tổ dân phố, xóm đưa chính sách DS-KHHGĐ vào hương ước, quy ước gắn với tiêu chí xây dựng gia đình, xóm văn hóa; phát huy vai trò của già làng, trưởng xóm, người có uy tín trong các cuộc vận động thực hiện tốt việc truyền thông thay đổi nhận thức, xóa bỏ các quan niệm lạc hậu. 

Trung tâm Y tế huyện Hà Quảng phối hợp với các địa phương vận động người dân thay đổi quan niệm; tuyên truyền đến người dân bằng nhiều hình thức phong phú, dễ hiểu và phù hợp với nhiều nhóm đối tượng. Tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, tuyên truyền cổ động trực quan, tuyên truyền trên mạng xã hội qua nhóm zalo, facebook với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu về hệ lụy và tác động của việc sinh nhiều con đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Cộng tác viên dân số ở các xã, thị trấn “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng” kiên trì thực hiện vận động tại gia đình để “mưa dầm thấm lâu” trong thực hiện công tác DS-KHHGĐ; thực hiện truyền thông, tư vấn nhóm nhỏ, tư vấn trực tiếp qua các đợt chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản, nói chuyện chuyên đề về sức khỏe sinh sản, DS-KHHGĐ, tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân; tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh; giảm thiểu tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; không sinh con thứ 3 trở lên; hỗ trợ cho phụ nữ là người dân tộc thiểu số ở những xã khó khăn khi sinh con đúng chính sách dân số. 

Nhằm thực hiện hiệu quả và đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra đối với nội dung “Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” thuộc Dự án 7 giai đoạn 2021 - 2025, huyện Hà Quảng đã triển khai nhiều hoạt động, ưu tiên tập trung triển khai tại địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để người dân được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe như: Tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông chuyển đổi hành vi về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh, về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho vị thành niên, thanh niên; truyền thông vận động chính sách, pháp luật về dân số, hôn nhân và gia đình cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nam nữ thanh niên; tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ dân số tại các xã vùng II và vùng III trên địa bàn. 

Nhờ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về công tác DS-KHHGĐ ngày càng được nâng lên; các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ luôn ý thức về khoảng cách sinh và sinh con đúng chính sách dân số “dù gái hay trai chỉ hai là đủ”. Trong 6 tháng đầu năm 2023, huyện tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ  KHHGĐ  tại các xã: Yên Sơn, Thanh Long, Cần Yên, Ngọc Động, Lương Thông, Cần Nông. Đến nay, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 3,03‰, tăng 0,29‰ so với cùng kỳ năm 2022, tỷ suất sinh thô 6,09‰, tỷ lệ sàng lọc trước sinh 35,8%, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2022, tỷ lệ sàng lọc sơ sinh trên 23,9%, tăng 4,35%, tỷ số giới tính khi sinh là 104/100, tỷ lệ sinh con thứ 3 là 17,5%.

Những kết quả trên đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ổn định quy mô dân số và nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Kim Thoa 

1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập