Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn bệnh dại
Lượt xem: 60
Mùa hè, thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát mạnh nhất. Tuy nhiên, hiện nay người dân ở nhiều địa phương vẫn chưa nhận thức được sự nguy hiểm của bệnh dại và còn chủ quan trong việc nuôi thả rông động vật, đặc biệt là chó, mèo, dẫn đến nguy cơ lây truyền bệnh dại.

Khi bị chó, mèo cào, cắn phải đến cơ sở y tế để được hướng dẫn tiêm vắc xin phòng bệnh dại

Bệnh dại không có thuốc chữa đặc hiệu

Trong năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận 2 trường hợp tử vong do bệnh dại tại huyện Bảo Lạc (chiếm 2,4% toàn quốc). Trường hợp ông Giàng A. Kh. (65 tuổi), ở xóm Phiêng Dịt, xã Phan Thanh (Bảo Lạc) bị chó nhà nuôi cắn từ ngày 14/6/2023, chỉ rửa vết thương bằng nước sạch, không được tiêm phòng dại, còn chó đã bị giết. Đến ngày 7/8/2023, bệnh nhân khởi phát triệu chứng bệnh dại (mệt mỏi, ăn kém, nói nhảm, cơn co cứng toàn thân), được người nhà đưa vào Trung tâm Y tế huyện điều trị, sau đó chuyển ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đến ngày 17/8/2023, bệnh nhân đã  tử vong tại nhà.

Cháu bé Thào A. B., 5 tuổi, ở xã Cô Ba (Bảo Lạc) cũng là nạn nhân của bệnh dại do bị chó cắn. Theo người nhà bệnh nhân, ngày 14/8/2023, cháu B. bị chó cắn rách da chảy máu, sau khi bị cắn chỉ rửa vết thương bằng nước sạch và đắp thuốc nam, không đi tiêm phòng dại. Đến ngày 25/9/2023, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, ăn kém kèm theo sốt, sợ gió, sợ nước, co giật, gào thét... và tử vong vào ngày hôm sau.

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bảo Lạc Nguyễn Thành Trung cho biết: Năm 2023, Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tổ chức tập huấn nâng cao năng lực triển khai hoạt động phòng, chống bệnh dại cho cán bộ thú y, cán bộ y tế; tăng cường phối hợp với chính quyền, đoàn thể các địa phương trên địa bàn huyện đẩy mạnh tuyên truyên nâng cao ý thức của người dân về phòng, chống bệnh dại; tuyên truyền người dân chủ động tiêm phòng cho vật nuôi tại địa phương; phối hợp với lực lượng thú y trên địa bàn tuyên truyền đến người dân hạn chế nuôi chó, mèo. Hiện tại, trên địa bàn huyện Bảo Lạc có một Phòng tiêm vắc xin dại. Từ ngày 21/6/2023 đến ngày 19/3/2024, đã có 271 trường hợp bị động vật cắn (chủ yếu là chó) đến tiêm tại phòng tiêm.

Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, một khi đã phát bệnh thì tỷ lệ tử vong gần như 100%. Người mắc bệnh dại thường có thời gian ủ bệnh khoảng 1 - 3 tháng sau phơi nhiễm, nhưng cũng có trường hợp ủ bệnh lên tới một vài năm. Thời gian ủ bệnh tùy thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí vết cắn và số lượng vi rút xâm nhập cơ thể qua vết cắn; vị trí vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Do đó, người dân không được chủ quan khi bị động vật cắn, cần đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại càng sớm càng tốt để bảo vệ sức khỏe bản thân.

Chủ động phòng, chống bệnh dại mùa nắng nóng

 

Ở nước ta, chó là nguồn truyền bệnh dại cho người nhiều nhất, chiếm 96%, bao gồm cả chó nhà và chó thả rông. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, năm 2023, toàn tỉnh có tổng số 4.385 người tiêm vắc xin phòng bệnh dại, chủ yếu là do chó cắn (trên 84%), mèo cắn (14%), trong đó trẻ em dưới 15 tuổi chiếm cao nhất 34%; tập trung nhiều nhất ở các điểm tiêm thuộc Thành phố và các huyện Hòa An, Trùng Khánh, Bảo Lạc; 150 người có chỉ định tiêm huyết thanh kháng dại. 2 tháng đầu năm 2024, có 517 người đến tiêm vắc xin phòng dại tại các điểm tiêm; có 13 người chỉ định tiêm huyết thanh kháng dại; không ghi nhận người mắc bệnh dại; về tình trạng động vật cắn người có 38 trường hợp động vật bị ốm, 20 trường hợp chạy rông và mất tích, 15 trường hợp lên cơn dại.

Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Hoàng Văn Khánh đánh giá: Trong thời gian qua, công tác phòng, chống bệnh dại trên động vật và theo dõi, giám sát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được quan tâm chỉ đạo thực hiện, nên số ca mắc bệnh dại đã có chiều hướng giảm dần qua các năm. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó nuôi hằng năm đạt thấp, chưa đạt so với kế hoạch và chỉ đạt khoảng 20% so với tổng đàn. Nhận thức của người dân về bệnh dại còn hạn chế, nên chủ quan, lơ là không tiêm phòng vắc xin cho chó nuôi; chó thả rông nên không bắt giữ được để tiêm phòng; lực lượng thú y viên cấp xã thiếu, một số làm công tác kiêm nghiệm không có chuyên môn về chăn nuôi thú y… Do vậy, ảnh hưởng rất lớn đến kết quả tiêm phòng các loại vắc xin nói chung và tiêm vắc xin dại nói riêng.

Thành phố là địa bàn tập trung đông dân cư và số lượng người nuôi chó, mèo cao. Để từng bước nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống bệnh dại làm cơ sở nhân rộng ra các địa bàn khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng thí điểm vùng an toàn dịch bệnh dại trên địa bàn xã Hưng Đạo. Thực hiện đăng ký nuôi chó và cam kết thực hiện các biện pháp quản lý đàn chó, phòng chống dịch bệnh; lập sổ sách theo dõi, quản lý đàn chó nuôi trên địa bàn 9/9 xóm, tổ dân phố; thông tin, tuyên truyền về phòng, chống bệnh dại với nhiều hình thức đa dạng (phát tờ rơi, tuyên truyền trực tiếp, lưu động, truyền thông học đường về phòng, chống bệnh dại cho trên 7.600 lượt giáo viên, học sinh); tiêm phòng và đeo vòng cổ nhận diện được 82,2% tổng đàn chó trên địa bàn xã.

Thực tế cho thấy, không ít người nuôi chó, mèo còn rất chủ quan, chưa chủ động thực hiện việc kê khai, đăng ký vật nuôi; chưa chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh, nuôi nhốt, xích chó trong khuôn viên gia đình, vẫn còn tình trạng thả rông hoặc không đeo rọ mõm khi đưa chó ra nơi công cộng, dẫn đến nhiều trường hợp chó tiếp xúc, cào cấu, cắn nhau và đuổi cắn người, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, lây lan sẽ làm mầm bệnh dại. Hiện nay nhu cầu nuôi chó, mèo trên địa bàn tỉnh gia tăng, trong khi công tác quản lý đàn chó nuôi tại một số địa phương còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ; việc áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi chưa thực hiện nghiêm theo quy định, tiêm phòng vắc xin dại cho vật nuôi vẫn chưa thực sự hiệu quả. Vì vậy nguy cơ chó, mèo mắc dại khá cao đặc biệt là trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.

Cháu bé H.Q.A, 5 tuổi, ở Thị trấn Nước Hai (Hòa An) trong lúc chơi đùa gần nhà đã bị chó của hàng xóm chạy ra cắn vào tay. Qua tìm hiểu thông tin biết rõ được mức độ nguy hại của bệnh dại, gia đình đã tiến hành rửa vết thương bằng xà phòng và đến ngay phòng tiêm trên địa bàn để được tư vấn, chăm sóc vết thương và tiêm vắc xin phòng dại để chủ động phòng bệnh.

Dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Vi rút dại có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua mọi loại vết thương hở, không phân biệt lớn nhỏ, chảy máu hay không. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Đặc biệt, khi bị chó, mèo cắn, người dân tuyệt đối không tự chữa, không sử dụng các phương pháp thử dại hoặc sử dụng thuốc nam để điều trị. Để hạn chế những hậu quả đáng tiếc, người dân cần thực hiện nghiêm các khuyến cáo của ngành chức năng về chủ động phòng, chống bệnh dại, quản lý chó, mèo, vật nuôi theo hướng dẫn của cơ quan thú y: Tiêm phòng 100% cho đàn chó, mèo, khai báo chó, mèo nuôi với chính quyền địa phương; nuôi chó phải xích, nhốt, ra đường phải đeo rọ mõm; khi phát hiện trường hợp chó nghi dại, chó cắn nhiều người, hoặc nhiều chó, mèo trên địa bàn ốm, chết không rõ nguyên nhân cần báo ngay với chính quyền, cơ quan y tế hoặc thú y trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường áp dụng các chế tài xử lý vi phạm theo quy định về nuôi chó, mèo, về tiêm vắc xin phòng dại theo quy định pháp luật.

Bảo Bình

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập