Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y học hiện đại
Lượt xem: 3
Ngày 4/7, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình phát triển y dược cổ truyền (YDCT), kết hợp y dược cổ truyền với y học hiện đại. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến kết nối điểm cầu Chính phủ với điểm cầu 34 tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương. Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Thành Long dự và chủ trì Hội nghị.

Các đại biểu dự Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y học hiện đại tại điểm cầu tỉnh Cao Bằng.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Cao Bằng có các đồng chí: Trịnh Trường Huy - Phó chủ tịch UBND tỉnh; Nông Văn Thánh - Phó Giám đốc Sở Y tế; Đàm Ngọc Vinh - Chủ tịch Hội Đông y tỉnh; Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh; Đại diện một số sở, ban, ngành;  Lãnh đạo và chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh.

Ngày 25/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1893/QĐ-TTg về việc ban hành Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030 với mục tiêu chung: “Phát triển toàn diện y dược cổ truyền, tăng cường kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại nhằm bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới”. Gọi tắt là Quyết định số 1893/QĐ-TTg.

Qua 5 năm thực hiện Quyết định số 1893/QĐ-TTg, đến nay, cả nước vẫn chưa thành lập được tổ chức quản lý nhà nước về YDCT thuộc Sở Y tế. Hiện toàn quốc có 19/63 Sở Y tế có chuyên viên chuyên trách YDCT (chiếm 30%); 35/63 Sở Y tế có chuyên viên bán chuyên trách theo dõi công tác YDCT (chiếm 70%).

Hệ thống khám chữa bệnh công lập chưa toàn diện với 5 bệnh viện YDCT thuộc tuyến Trung ương; 2 bệnh viện y học cổ truyền trực thuộc Bộ; 1 bệnh viện thực hành của Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam. Có 58/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có bệnh viện YDCT với 61 bệnh viện YDCT trên cả nước, đạt 92%.

Về tỷ lệ giường bệnh YDCT/tổng số giường bệnh chung chỉ chiếm 16% trên tổng số giường bệnh chung, tăng 2,7% so với năm 2019. Trong đó tuyến tỉnh chiếm 19,5%, tuyến huyện chiếm 11.4%. Tỷ lệ xã triển khai khám, chữa bệnh bằng YDCT đạt 83,6%, tăng 5,4% so với năm 2019. Tỷ lệ xã triển khai bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh đạt 89,8%, tăng 3% so với năm 2019.

Hiện nay, toàn quốc có 10 bệnh viện YDCT tư nhân, tăng 9 bệnh viện so với năm 2019. Có 5.504 phòng chẩn trị/phòng khám chuyên khoa YDCT, tăng 253 phòng chẩn trị/phòng khám chuyên khoa YDCT so với năm 2019; 334 phòng chẩn trị sử dụng phương pháp, bài thuốc gia truyền và 1.718 loại hình hành nghề khác.

Tỷ lệ khám bệnh, chữa bệnh YDCT, kết hợp YDCT với Y dược hiện đại trên tổng số lượt khám bệnh, chữa bệnh chung chiếm 3,3%, chưa đạt mục tiêu 15% theo Quyết định 1893/QĐ-TTg. Trong đó: Điều trị nội trú bằng YDCT, kết hợp YDCT với YDHĐ trên tổng số điều trị nội trú chung chiếm 3,9%; điều trị ngoại trú bằng YDCT, kết hợp YDCT với YDHĐ trên tổng số điều trị ngoại trú chung chiếm tỉ lệ 7,2%.

Hoạt động nghiên cứu khoa học lĩnh vực YDCT cũng được chú trọng quan tâm. Từ năm 2018 - 2025, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt 30 nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia lĩnh vực YDCT. Ngoài ra, từ năm 2020 - 2024, có 5 nhiệm vụ KHCN cấp nhà nước; 12 nhiệm vụ KHCN cấp bộ; 79 nhiệm vụ KHCN cấp nhà nước; 2.307 05 nhiệm vụ KHCN cấp cơ sở được nghiệm thu và ứng dụng vào thực tiễn.

Hệ thống đào tạo YDCT bậc đại học và sau đại học hiện có 12 đơn vị gồm: 1 Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam; 5 trường đại học có thành lập Khoa y học cổ truyền; 4 trường Đại học Y có Bộ môn y học cổ truyền; 2 trường có liên bộ môn chuyên khoa có bộ phận y học cổ truyền. Ngoài ra còn có hệ thống đào tạo thuộc 8 trường ngoài công lập.

Công tác bảo tồn, phát triển, quản lý dược liệu luôn được quan tâm, chú trọng đầu tư. Trong 5 năm qua, Bộ Y tế duy trì mạng lưới bảo tồn nguồn gen tại 7 vùng sinh thái; Xây dựng và ban hành được trên 150 quy trình kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc, chế biến của 40 loài cây thuốc làm cơ sở cho các tổ chức cá nhân tham khảo. Lưu giữ và bảo tồn 1.531 nguồn gen thuộc 884 loài cây thuốc tại 7 vườn cây thuốc thuộc các đơn vị trong và ngoài ngành Y tế. Lưu giữ trong kho lạnh hạt giống của 200 loài; bảo tồn in vitro 15 loài thuộc diện quí hiếm hoặc có tiềm năng phát triển. 100% các nguồn gen bảo tồn được đánh giá ban đầu; 30% nguồn gen được đánh giá chi tiết về các chỉ tiêu sinh trưởng phát triển. Đã ứng dụng kỹ thuật hiện đại (sinh học phân tử) để đánh giá một số nguồn gen về đa dạng di truyền; gần 30 loài cây thuốc đã được chọn lọc, tập trung nghiên cứu để phục vụ công tác chọn tạo giống…

Công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực YDCT tiếp tục phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác ASEAN về YDCT do Việt Nam là đầu mối triển khai cơ bản hoàn thành, mở rộng các hợp tác về YDCT với các nước trong khu vực và trên thế giới…

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe 8 tham luận của đại diện một số Bộ, UBND tỉnh về việc thực hiện Quyết định số 1893/QĐ-TTg, những thành tựu, kết quả, khó khăn, hạn chế, vướng mắc trong việc thực hiện Quyết định số 1893/QĐ-TTg tại thực tiễn.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Thành Long nhấn mạnh Y dược cổ truyền Việt Nam là một di sản văn hoá quý báu của dân tộc, được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử, việc bảo tồn, kế thừa và phát triển y học cổ truyền vừa là trách nhiệm vừa là sứ mệnh để giữ gìn các giá trị văn hoá, đồng thời đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ngày càng đa dạng của nhân dân trong tình hình mới.

Thời gian tới, để triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong các nghị quyết, kết luận của Đảng, Nhà nước và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, đề nghị Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan sớm nghiên cứu, đề xuất xây dựng, ban hành Luật về y dược cổ truyền. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để đánh giá, xây dựng cơ sở khoa học và ứng dụng rộng rãi đối với các cây thuốc và bài thuốc cổ truyền; tích cực đầu tư cho hoạt động nghiên cứu lâm sàng, thử nghiệm dược liệu và các phương pháp điệu trị y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại. Chú trọng phát triển nguồn dược liệu trong nước theo hướng công nghiệp; bảo tồn nguồn dược liệu quý hiếm; chuẩn hóa các quy trình nuôi trồng, thu hái, bảo quản, chế biến dược liệu đảm bảo chất lượng và an toàn. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền và y dược hiện đại, nhất là nguồn nhân lực chuyên sâu, chất lượng cao, tạo điều kiện cho đội ngũ y, bác sỹ y dược cổ truyền tiếp cận với các kỹ thuật hiện đại để tăng chất lượng. Giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận, chuyển giao các thành tự khoa học tiên tiến để áp dụng thực tiễn tại Việt Nam; chủ động triển khai các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, kế hoạch đã ký kết.

Thủy Tiên

 
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập