Điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng, góp phần ổn định quy mô dân số
Lượt xem: 160
Cùng với cả nước, sau nhiều năm thực hiện với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, công tác Dân số - KHHGĐ tỉnh Cao Bằng đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và góp phần xóa đói giảm nghèo nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế, quy mô dân số tỉnh phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mô hình gia đình 2 con đang trở nên phổ biến, chất lượng dân số từng bước được cải thiện.

Thực hiện điều chỉnh mức sinh hợp lý, phấn đấu đạt mức sinh thay thế; hạn chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh

Tuy nhiên trong thời gian gần đây, mức sinh đã tăng nhanh trở lại, theo công bố của Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2015 - 2019, Cao Bằng là 1 trong 33 tỉnh, thành phố có mức sinh cao, số con trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (tổng tỷ suất sinh) trung bình là 2,45 con/phụ nữ (cao hơn mức sinh thay thế là 2,1 con); tỷ lệ tăng dân số giai đoạn 2009 - 2019 là 0,45%/năm; tỷ suất sinh thô năm 2009 là 18,1%, giảm xuống còn 16,6% năm 2019; tổng tỷ suất sinh  của tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2009 - 2019: năm 2009 là 2,18 con, năm 2019 là 2,43 con, trung bình 10 năm là 2,52 con.

Theo số liệu năm 2019 của Tổng cục Dân số, phụ nữ sinh con trong nhóm tuổi 15 - 19 và 20 - 24 tuổi của Cao Bằng cao hơn so với toàn quốc (sinh sớm). Tổng tỷ suất sinh của phụ nữ nông thôn của tỉnh là 2,45 con/phụ nữ, cao hơn so với phụ nữ nông thôn toàn quốc (2,26 con/phụ nữ). Tổng tỷ suất sinh của phụ nữ thành thị của tỉnh 2,15 con/phụ nữ (đạt mức sinh thay thế), tỷ suất sinh của phụ nữ thành thị toàn quốc là 1,83 con/phụ nữ.

Kết quả giảm sinh chưa bền vững, không đồng đều giữa các vùng, có sự chênh lệch mức sinh giữa các địa phương trong tỉnh, điều này ảnh hưởng đến chất lượng dân số, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội của địa phương, vì vậy rất cần có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả để điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng.

Đặc biệt, theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, Việt Nam hiện có 16 dân tộc có số dân dưới 10.000 người. Trong đó, dân tộc Lô Lô 5.000 người. Kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, dân số dân tộc Lô Lô của cả nước tăng lên là 4.827 người, trong đó 59% người Lô Lô sống tại Cao Bằng, với số dân là 2.861 người. Dân số dân tộc Lô Lô có tăng lên nhưng vẫn là nhóm dân tộc dưới 5.000 người. Do vậy việc tăng cường triển khai các hoạt động điều chỉnh mức sinh nhằm bảo vệ, phát triển và nâng cao chất lượng dân số dân tộc Lô Lô thực sự rất cần thiết.

Nguyên nhân mức sinh có chiều hướng tăng trở lại đây một phần do nhận thức của người dân về sinh đủ 2 con chưa đầy đủ, hiểu chưa đúng một số nội dung về Pháp lệnh Dân số và chính sách hỗ trợ an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác dân số. Công tác tuyên truyền, giáo dục về sinh đủ 2 con, gia đình hạnh phúc chậm đổi mới, hiệu quả chưa cao ở một số nhóm đối tượng; chưa khai thác, phát huy được lợi thế của các loại hình truyền thông hiện đại. Đặc biệt là việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, xóm đã tác động không nhỏ đến việc triển khai công tác chuyên môn về y tế, dân số, giáo dục, truyền thông… Nguồn lực đầu tư hạn chế, chủ yếu là từ ngân sách Trung ương nhưng ngày càng giảm và không có nguồn vốn tài trợ của nước ngoài; nguồn lực địa phương cho công tác dân số chưa đáp ứng yêu cầu.

Tác động của các chính sách an sinh xã hội cũng là khó khăn, thách thức lớn trong công tác truyền thông về dân số - kế hoạch hóa gia đình, về giảm sinh: Tại Khoản 7, Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội quy định: “Trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 3 và 6 điều này, đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn” thuộc đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng. Đây là chính sách rất nhân văn nhưng với những trường hợp sinh con thứ 3 trở lên lại vi phạm quy định tại Nghị định số 39/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số.

Những năm qua, tỉnh quan tâm đến việc bổ sung nguồn lực cho công tác dân số, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 53/2021/NQ-HĐND ngày 29/7/2021 quy định một số chính sách hỗ trợ công tác dân số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tuy nhiên trong quá trình thực hiện gặp khó khăn trong công tác đấu thầu mua sắm, cung cấp sản phẩm phương tiện tránh thai...

Mức sinh cao tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, y tế, giáo dục…, làm tăng khoảng cách phát triển và chất lượng cuộc sống của nhân dân các địa phương vùng mức sinh cao so với vùng mức sinh thấp so với các khu vực khác. Ngược lại, mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội và phát triển nguồn nhân lực trong xây dựng và phát triển đất nước.

Mục tiêu của công tác dân số trong thời gian tới là tiếp tục chuyển trọng tâm công tác dân số từ dân số - kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển; thực hiện điều chỉnh mức sinh hợp lý, phấn đấu đạt mức sinh thay thế; hạn chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh; nâng cao chất lượng dân số và tăng cường chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng dân số, điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng trên địa bàn tỉnh, cần tăng cường sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp, ngành trong xây dựng kế hoạch, chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với địa bàn các huyện, thành phố và chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Tập trung công tác truyền thông, vận động với thông điệp truyền thông phù hợp với tỉnh là “dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt”; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sinh ít con hơn ở những địa phương có mức sinh còn cao và sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp; đa dạng hoá phương thức truyền thông, vận động phù hợp với từng nhóm đối tượng, chủ yếu là các cặp vợ chồng đã sinh 2 con và có ý định sinh thêm con. Tuyên truyền, vận động trực tiếp tại hộ gia đình, cộng đồng thông qua đội ngũ cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn bản và tuyên truyền viên của các ngành, đoàn thể cơ sở. Tổ chức các chiến dịch, sự kiện truyền thông tại nơi đông dân cư, tập trung nhiều thanh niên, vị thành niên. Nhất trí quan điểm không để tình trạng địa phương có mức sinh cao sinh bù cho địa phương có mức sinh thấp và ngược lại.

Tiếp tục tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình ở những địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Tổ chức cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình thân thiện cho vị thành niên, thanh niên; các hoạt động thúc đẩy tiếp thị xã hội, xã hội hóa cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Tổ chức các hoạt động để phát huy vai trò của những người có ảnh hưởng với công chúng, gia đình và dòng họ như già làng, trưởng bản; truyền thông, vận động không tảo hôn, không kết hôn sớm, không sinh con quá sớm, không sinh quá dày và không sinh nhiều con...

Từng bước đẩy mạnh, quan tâm chú trọng đến các hoạt động nâng cao chất lượng dân số, tổ chức các loại hình cung cấp dịch vụ phù hợp; tư vấn, kiểm tra sức khỏe, phát hiện sớm, phòng, tránh các yếu tố nguy cơ dẫn đến sinh con dị tật, mắc các bệnh, tật ảnh hưởng đến việc suy giảm chất lượng nòi giống. Lồng ghép, huy động các nguồn vốn như Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với các nguồn lực của địa phương để triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đối với công tác dân số.

Bảo An

1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập