Sỏi đường tiết niệu
Lượt xem: 456
Sỏi đường niệu là hiện tượng kết sỏi ở đường tiết niệu bao gồm: sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và một số trường hợp có cả sỏi niệu đạo thường là do sỏi từ di chuyển từ trên đi xuống. Bệnh hay gặp ở người lớn tuổi, ít gặp ở trẻ em và thường có tiền sử bệnh lâu dài qua nhiều năm. Các khối sỏi có thể gây đau, tắc đường tiết niệu và nhiễm khuẩn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh.
Sỏi đường tiết niệu là một bệnh lý phổ biến, chiếm 30-40% số bệnh nhân tiết niệu. Phẫu thuật sỏi đường tiết niệu đứng hàng đầu trong các phẫu thuật tiết niệu (50-60%). Sỏi đường tiết niệu được chia ra gồm: sỏi đường tiết niệu trên (sỏi thận và sỏi niệu quản) và sỏi đường tiết niệu dưới (sỏi bàng quang và sỏi niệu đạo). Bất kỳ vị trí nào của đường dẫn niệu cũng đều có thể bị sỏi, trong đó: sỏi thận gặp khoảng 40-50%, sỏi niệu quản gặp khoảng 28%, sỏi bàng quang gặp khoảng 30%, sỏi niệu đạo gặp khoảng 5%. Để phân loại sỏi, người ta chia sỏi tiết niệu thành 5 loại: Canxi Oxalat, Canxi Phosphat, Amino Magiephosphat, Urat Natri, Cystin. Trong đó Canxi Oxalat là thành phần chính của sỏi tiết niệu ở người Việt Nam.
Các yếu tố nguy cơ:
- Khí hậu và thời tiết nơi sinh sống: khi khí hậu nóng bức, mồ hôi ra nhiều và nước tiểu bị cô đặc làm cho các tinh thể muối trong nước tiểu bị bão hòa và dễ bị kết tủa tạo sỏi trong thận hoặc bàng quang.
- Nghề nghiệp: những người làm việc ở môi trường nắng nóng như thợ luyện kim, công nhân xây dựng, thủy thủ, những người làm việc trí óc căng thẳng như bác sĩ, nhân viên văn phòng... dễ bị mắc bệnh hơn những người làm nghề lao động phổ thông.
- Chế độ ăn uống: những người uống nhiều loại nước có chất Canxi rất dễ bị bệnh, việc uống sữa quá nhiều cùng với các chất pha thêm vào sữa như Melamin cũng tăng nguy cơ gây bệnh vì tăng hàm lượng Canxi hấp thu vào cơ thể. Uống ít nước(< 1200ml/ngày), ăn quá mặn, ăn nhiều các thức ăn giàu Canxi cũng tăng nguy cơ bị bệnh.
- Giới tính: Sỏi thường xảy ra ở nam giới, với tỷ lệ 5 nam giới mới có 1 phụ nữ mắc bệnh.
- Tuổi: Tuổi mắc sỏi tiết niệu ở đàn ông trung bình từ 20 - 40 tuổi còn phụ nữ từ 25 - 40 tuổi. Tuy nhiên từ 55 tuổi trở lên, phụ nữ lại có nhiều người bị sỏi đường tiết niệu hơn. Nguyên nhân là do có sự thay đổi về nội tiết tố nữ và tình trạng loãng xương gia tăng ở lứa tuổi mãn kinh. Ở trẻ em, mắc sỏi đường tiết niệu thường dưới 10 tuổi, lứa tuổi từ 10 - 18 tuổi lại ít bị hơn.
- Vùng địa lý: Sỏi tiết niệu thường xảy ra ở người sống ở nông thôn hơn là người sống ở thành thị, những người sống ở các vùng ven biển và các vùng núi đá vôi sử dụng nguồn nước chứa quá nhiều Canxi cũng dễ bị bệnh hơn các vùng khác.
Triệu chứng của bệnh sỏi đường tiết niệu:
- Đau: Sỏi được hình thành một cách âm thầm và thường chỉ được phát hiện lần đầu bởi cơn đau quặn. Bệnh nhân lên cơn đau đột ngột, dữ dội ở vùng thắt lưng, lan xuống vùng hạ vị, đến vùng bẹn và cơ quan sinh dục.
Cơn đau thường xuất hiện sau khi vận động mạnh (chạy nhảy, đi xe trên đường xấu...) khiến sỏi di chuyển tới chỗ chít hẹp, gây tắc đường niệu. Triệu chứng sẽ lui dần sau khi nghỉ ngơi và đi tiểu được.
- Đái máu: Là biến chứng thường gặp của sỏi thận- tiết niệu, nhất là khi sỏi đang di chuyển bên trong niệu quản gây đau kèm đái máu.
- Đái buốt, đái rắt, đái mủ: Khi có nhiễm khuẩn tiết niệu, nó tái phát nhiều lần, có thể đái ra sỏi.
- Viêm đài bể thận do ứ nước tiểu: Bệnh nhân bị đái đục, đau vùng lưng - thắt lưng. Đại đa số trường hợp có sốt cao, rét run; nếu muộn có thể có phù, nôn mửa, ăn không ngon miệng ...Vì khả năng hoạt động bù trừ của thận rất tốt, nên có trường hợp chỉ phát hiện ra bệnh sỏi đường tiết niệu khi có dấu hiệu của viêm đài bể thận.
- Các dấu hiệu tắc nghẽn đường niệu: Đái tắc từng lúc hoặc hoàn toàn.
Biến chứng nào có thể xảy ra:
Sỏi đường tiết niệu có thể dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề. Các biến chứng này đều do sự ứ trệ nước tiểu tại thận. Biến chứng của sỏi đường tiết niệu bao gồm:
- Giãn đài bể thận và thận ứ niệu: Sỏi gây cản trở lưu thông của đường bài xuất nước tiểu gây ứ trệ đường niệu phía trên dẫn đến giãn đài bể thận, sau đó ứ nước tăng dần nên làm căng giãn và chèn ép nhu mô thận dẫn đến tình trạng suy giảm dần chức năng thận và mất hoàn toàn chức năng thận dẫn đến suy thận nếu không được xử trí kịp thời.
- Nhiễm khuẩn hệ tiết niệu: như viêm bể thận, viêm khe thận. Tình trạng nhiễm trùng kết hợp với ứ niệu gây thận ứ mủ. Nặng hơn có thể gây ra nhiễm khuẩn huyết, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng người bệnh.
- Viêm khe thận mãn tính kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng xơ teo thận, huyết áp cao.
- Suy thận: thường gặp trong trường hợp sỏi cả hai bên hệ tiết niệu hoặc sỏi trên thận đơn độc, đây là biến chứng nặng nề. Có thể gặp suy thận cấp hoặc suy thận mãn với các mức độ suy thận nặng nhẹ khác nhau tuỳ thuộc vào vị trí, kích thước, đặc điểm của sỏi.
- Viêm loét và xơ hoá tại vị trí sỏi, đây là nguyên nhân gây chít hẹp đường niệu sau khi đã phẫu thuật lấy sỏi.
Phương pháp phòng bệnh:
Sỏi đường tiết niệu là một bệnh lý có tỷ lệ tái phát rất cao, vì vậy để phòng bệnh, tránh được những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra cần tuân thủ một số các hướng dẫn về chế độ ăn uống, sinh hoạt như sau:
- Uống nhiều nước: nên uống khoảng 2,5-3 lít nước lọc mỗi ngày sẽ giúp tránh bị sỏi niệu.
- Ăn nhạt, ăn ít thịt động vật.
- Ăn uống điều độ, vừa phải những thực phẩm có chứa hàm lượng Calci cao như: sữa, phômai… Mỗi ngày có thể dùng khoảng 3 ly sữa tươi hoặc một số lượng tương đương các sản phẩm từ sữa như bơ, phômai (khoảng 800-1.300mg chất Calci). Không nên kiêng quá mức những thực phẩm chứa nhiều Calci vì sẽ gây ra mất cân bằng trong việc hấp thu Calci, khiến cơ thể hấp thu nhiều hơn Oxalate từ ruột và sẽ tạo sỏi tiết niệu, ngoài ra kiêng thực phẩm chứa Calci lâu ngày sẽ bị bệnh loãng xương.
- Nên uống nhiều nước cam, nước chanh tươi, nước bưởi: những loại thức uống này chứa nhiều citrat giúp chống lại sự tạo sỏi tiết niệu.
- Nên ăn nhiều rau tươi có chất xơ: giúp tiêu hóa nhanh, giảm hấp thu các chất gây sỏi đường niệu.
- Tránh ăn nhiều thực phẩm chứa chất Purine gây sỏi đường tiết niệu như cá khô, thịt khô, tôm khô, lạp sườn, các loại mắm nêm, mắm thái, lòng lợn, lòng bò…
- Không nén chịu khi buồn đi tiểu.
Sỏi tiết niệu là một bệnh lý phức tạp, thường gây ra nhiều biến chứng. Vì vậy khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và có biện pháp điều trị phù hợp. Tuỳ tình trạng bệnh, có những trường hợp cần can thiệp cấp cứu để lấy sỏi ngay, có trường hợp có thể trì hoãn lấy sỏi nghĩa là can thiệp lấy sỏi chủ động theo lịch như mổ lấy sỏi hoặc tán sỏi. Đối với những trường hợp sỏi còn nhỏ không gây các biến chứng sẽ không cần can thiệp ngoại khoa, chỉ điều trị nội khoa để bào mòn hoặc đẩy sỏi ra ngoài theo đường tiểu.
Ngày nay với phát triển của nội soi niệu quản thì ngoài phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể cũng cũng có thể lấy sỏi qua nội soi. Chỉ định lấy sỏi qua nội soi phải dựa vào từng trường hợp cụ thể, thể trạng bệnh nhân, chức năng thận khi phát hiện sỏi cũng như kinh nghiệm của thầy thuốc và phương tiện, trang thiết bị của cơ sở điều trị.
Nhiều bệnh nhân sử dụng phương pháp dân gian để điều trị. Tuy nhiên, bệnh nhân cần lưu ý tìm hiểu phương pháp dân gian, truyền miệng vì trong trường hợp viên sỏi to, không điều trị đúng phương pháp thì dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới chức năng thận.
Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập