Làm thủ tục đăng ký khám, chữa bệnh cho người bệnh có thẻ BHYT tại BVĐK y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng. Ảnh: Thảo Vân
Phương thức hoạt động của BHYT là huy động sự đóng góp của cộng đồng lấy số đông bù đắp cho số ít. Với mục tiêu toàn dân tham gia BHYT, Đảng và Nhà nước ta có những chủ trương, chế độ chính sách ưu đãi hỗ trợ và cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho mọi người thuộc hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng… nhằm hỗ trợ cho toàn dân được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
BHYT được triển khai tại tỉnh Cao Bằng từ năm 1992, trải qua 33 năm xây dựng và phát triển, BHYT đã thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, góp phần ổn định đời sống nhân dân. Năm 1993, toàn tỉnh mới chỉ có 24.917 người tham gia BHYT, đến năm 2025 toàn tỉnh đã có 515.029 người tham gia, đạt khoảng 97% dân số.
Với vai trò là cơ quan thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn, Bảo hiểm xã hội (BHXH) khu vực IX đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT; bảo đảm quyền lợi cho người dân khi đi khám, chữa bệnh. Chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ xác minh, cập nhật bổ sung số định danh cá nhân (ĐDCN)/căn cước công dân của người tham gia, đảm bảo xác thực đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tính đến nay, đã đồng bộ xác thực đúng đối với trên 523.000 người, đạt tỷ lệ đồng bộ 99,95%. Chủ động phối hợp với ngành Y tế, các cơ sở khám chữa bệnh và các ngành liên quan thực hiện tốt các quy định của Luật BHYT. Mạng lưới cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh không ngừng được mở rộng; cả các cơ sở y tế công lập và tư nhân đủ điều kiện đều thực hiện ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, tạo điều kiện thuận lợi để người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế.

Điều trị cho người bệnh có thẻ BHYT tại BVĐK Quảng Hòa
Đến nay, toàn tỉnh có 182 cơ sở y tế công lập, ngoài công lập đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT (trong đó có 178 cơ sở y tế nhà nước và 4 cơ sở y tế tư nhân). Để đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh KCB cho người bệnh có thẻ BHYT, các cơ sở KCB thường xuyên được củng cố đảm bảo đủ điều kiện các tiêu chuẩn về cán bộ y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định và cung ứng dịch vụ KCB cho người bệnh, qua đó, chất lượng khám chữa bệnh BHYT ngày càng được nâng cao.
Tỉnh Cao Bằng là địa phương thường xuyên bảo đảm cân đối quỹ KCB BHYT, đồng thời vẫn đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT. Hằng năm, Quỹ BHYT đã chi trả cho chi KCB BHYT của người bệnh có thẻ BHYT do tỉnh Cao Bằng phát hành trung bình khoảng 500 tỷ đồng (bao gồm phát sinh tại tỉnh và phát sinh ngoài tỉnh). Kết quả năm 2024 quỹ BHYT chi trả cho khám chữa bệnh BHYT là 570 tỷ đồng, trong đó có 11 lượt khám, chữa bệnh được quỹ BHYT chi trả trên 200 triệu đồng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2025, số lượt KCB BHYT trên 370 nghìn lượt, tăng 5,7% so vưới số lượt 6 tháng đầu năm 2024, với tổng chi phí KCB BHYT là 222,5 tỷ đồng, tăng 20,9% so với chi phí 6 tháng đầu năm 2024.
Với mục tiêu “Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân”, các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng cao của người dân. Vì vậy, chất lượng KCB tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng cao; nhiều dịch vụ kỹ thuật cao, chuyên sâu được triển khai thực hiện. Chú trọng đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Bệnh viện Đa khoa y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng (YDCT-PHCN) là bệnh viện hạng II tuyến tỉnh, tuyến chuyên môn cao nhất về y dược cổ truyền trên địa bàn tỉnh. Với chức năng khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng bằng y học cổ truyền, kết hợp với y học hiện đại, nghiên cứu khoa học, bảo tồn và phát triển Y học cổ truyền… Thời gian qua Bệnh viện đã chú trọng đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh, triển khai thực hiện bệnh án điện tử và xây dựng môi trường bệnh viện xanh - sạch - đẹp, an toàn, thân thiện, cải tiến, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, hướng đến sự hài lòng của người bệnh với phương châm "Chất lượng, an toàn, tiến độ, sáng tạo, đột phá, đạo đức" Bệnh viện đã luôn nhận được sự tin tưởng và phối hợp tốt của người bệnh và gia đình người bệnh trong quá trình điều trị.
Ông Hoàng Ngọc Tốt - xã Thắng Lợi, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng cho biết: “Từ lúc tôi ốm ở nhà bệnh rất nặng, đến đây tuy rằng hết giờ làm việc rồi nhưng tôi được các y, bác sĩ cứu chữa kịp thời, hàng ngày các y, bác sĩ tận tình thăm khám, quan tâm, động viên bệnh nhân, không riêng gì với tôi mà với tất cả các bệnh nhân. Bản thân tôi thấy rất hài lòng với thái độ phục vụ của y bác sĩ”.
Thân thiện, chuyên nghiệp, trách nhiệm và hài lòng là nhận xét của đa số người bệnh sau khi đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng. Viên chức y tế Bệnh viện luôn luôn phấn đấu, rèn luyện để trở thành những người thầy thuốc ngày càng “Sáng về y đức, sâu về y lý, giỏi về y thuật”, thực hiện tốt 12 điều y đức của Bộ Y tế và 9 điều y huấn cách ngôn của cụ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, xây dựng phong cách phục vụ nhiệt tình, chu đáo, tạo niềm tin đối với người bệnh.
Bác sĩ CKII Võ Thị Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh Cao Bằng cho biết: Bệnh viện luôn xác định nâng cao chất lượng khám chữa bệnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhất là nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nhằm đáp ứng hơn nữa sự hài lòng của người bệnh trong thời gian qua chúng tôi đã thực hiện đồng bộ các giải pháp như: tăng cường công tác đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cho viên chức, nâng cao kỹ năng giao tiếp ứng xử của viên chức trong đơn vị. Tập trung các nguồn lực để đửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị mới hiện đại để đảm bảo công tác điều trị. Đồng thời đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong KCB để giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, triển khai các dịch vụ kỹ thuật mới để người bệnh có khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, Bệnh viện đã khám bệnh cho 6.543.000 lượt người có thẻ BHYT, điều trị nội trú cho 2.356 lượt bệnh nhân. Tổng số tiền mà BHYT chi trả cho dịch vụ khám chữa bệnh BHYT trên 15 tỷ đồng.
Ông Vi Công Phồn, xã Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng đang điều trị ở Bệnh viện y học cổ truyền - Phục hồi chức năng cho biết: Chính sách BHYT mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân khi bị ốm đau, bệnh tật phải đi viện. Cho nên khi có bệnh phải đi điều trị tôi rất là an tâm, vì mọi chi phí khám, chữa bệnh đều do quỹ BHYT chi trả.
Bệnh nhân chạy thận tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc - Đơn vị Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Thủy Tiên
Theo ghi nhận của chúng tôi tại các Bệnh viện, Trung tâm Y tế trên địa bàn tỉnh, các bệnh nhân mắc các bệnh ung thư, suy thận, suy tim, tai nạn phải can thiệp phẫu thuật… thường có chi phí điều trị vô cùng tốn kém, nhiều bệnh mãn tính thời gian điều trị kéo dài, phải sử dụng các kỹ thuật phức tạp. Chi phí cho mỗi đợt điều trị từ hàng chục triệu đồng, thậm chí lên tới cả trăm triệu đồng. Nếu không có thẻ BHYT, bệnh nhân sẽ phải chịu mức phí rất cao, thậm chí không đủ điều kiện kinh tế để tiếp cận lâu dài với các phương pháp điều trị kỹ thuật hiện đại.
Tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc - Đơn vị Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hiện tại hơn 80 bệnh nhân bị suy thận nặng, phải lọc máu, điều trị suốt đời. Mỗi tuần bệnh nhân phải đến bệnh viện 3 lần để lọc máu. Chi phí trung bình mỗi bệnh nhân khoảng 8 - 10 triệu/tháng, cả năm khoảng 120 triệu đồng. Chi phí này vượt quá điều kiện kinh tế của hầu hết bệnh nhân ở đây. Nếu không có chính sách BHYT thì không ít người đã buông xuôi. Hiện có nhiều bệnh nhân đã điều trị chạy thận nhân tạo trên 10 năm, cao nhất đã 20 năm.
Bà Nguyễn Thị Huyền, Phường Thục Phán, tỉnh Cao Bằng đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng tâm sự: Tôi cả điều trị và chạy thận đến nay hơn 20 năm rồi nhưng may nhờ có thẻ BHYT thành ra cũng đỡ rất nhiều chi phí cho gia đình. Nếu như không có thẻ BHYT thì đối với những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo sẽ cực kỳ khó khăn, những bệnh nhân bình thường chỉ một lần khám bệnh thôi đã mất bao nhiêu tiền rồi, đây mình lại mắc bệnh hiểm nghèo nữa. BHYT giống như là một vị cứu cánh cho người bệnh, nhất là những người bị bệnh hiểm nghèo, ốm đau dài ngày.
Anh Lê Bá Hào, xã Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Hoà chia sẻ: tôi bị suy thận hơn 10 năm nay, mỗi lần chạy thận tốn kém rất nhiều tiền, mỗi tháng tổng chi phí hết khoảng 10 triệu. BHYT đã giúp bản thân tôi và gia đình rất nhiều. Tôi cho rằng ý nghĩa của chiếc thẻ BHYT là rất lớn nhất là đối với những người nghèo và những bệnh nhân phải điều trị dài ngày.
Tiếp xúc với nhiều mảnh đời thiếu may mắn, mang trong mình những căn bệnh hiểm nghèo, chúng tôi càng thêm thấm thía giá trị của sức khỏe và sự sẻ chia. Tấm thẻ BHYT nhỏ bé, từ lâu đã trở thành những người bạn đồng hành cùng những người bệnh chiến đấu, chống chọi với bệnh tật và tấm thẻ đó được nhiều người bệnh thân thương đặt cho cái tên “tấm thẻ màu xanh hi vọng”.
BHYT là hình thức bảo hiểm để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện và toàn dân tham gia, để bảo vệ sức khỏe cho mỗi người khi chẳng may ốm đau, tai nạn, nhằm đảm bảo an sinh xã hội. BHYT từ lâu đã khẳng định được ý nghĩa nhân đạo, tính nhân văn, ưu việt trong chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội. Thẻ BHYT càng có ý nghĩa đối với người nghèo, giúp giảm phần lớn chi phí khám, điều trị khi họ ốm đau, bệnh tật. Có thể khẳng định, tham gia BHYT đã góp phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, hỗ trợ chi phí cho những bệnh nhân nghèo, bệnh nhân mắc các bệnh nặng, nguy hiểm. Từ đó, đảm bảo cuộc sống, sức khỏe cho mọi người dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, hướng tới mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn toàn tỉnh, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Mai Hoa