Việc nuôi chó, mèo làm thú cưng đang trở nên phổ biến trong các gia đình hiện nay. Tuy nhiên, cùng với niềm vui mà vật nuôi mang lại, một mối nguy tiềm ẩn đối với sức khỏe, đặc biệt là trẻ em, chính là các bệnh lý ký sinh trùng lây truyền từ chó, mèo sang người. Đây là nhóm bệnh truyền từ động vật sang người có thể diễn tiến âm thầm nhưng để lại hậu quả nghiêm trọng nếu không được phát hiện và phòng tránh kịp thời.
Giáo dục cho trẻ thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân để phòng kí sinh trùng từ chó, mèo
Ký sinh trùng ở chó, mèo có thể xâm nhập vào cơ thể người thông qua nhiều con đường như tiếp xúc trực tiếp với phân, đất, cát có chứa trứng giun, hoặc qua thực phẩm, nước uống bị nhiễm. Trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm nhất do có thói quen nghịch đất cát, chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên ôm ấp thú cưng hoặc đưa tay lên miệng sau khi chơi đùa.
Một số bệnh ký sinh trùng nguy hiểm có thể mắc phải bao gồm giun đũa chó mèo (Toxocara spp.), giun móc, sán dây, sán lá gan nhỏ, cũng như ký sinh trùng đơn bào như Toxoplasma gondii (là một bệnh nhiễm trùng do ký sinh trùng Toxoplasma gondii gây ra). Khi xâm nhập vào cơ thể người, các loại ký sinh trùng này có thể gây nên nhiều rối loạn khác nhau tùy theo vị trí ký sinh. Chẳng hạn, giun đũa chó mèo có thể di chuyển đến gan, phổi, mắt và thần kinh trung ương, gây nên tình trạng tổn thương viêm nghiêm trọng, thậm chí mù lòa. Toxoplasma gondii nếu lây sang phụ nữ mang thai có thể gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi, sảy thai hoặc thai chết lưu.
Các biểu hiện lâm sàng của bệnh lý ký sinh trùng thường không đặc hiệu, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Trẻ em nhiễm ký sinh trùng có thể xuất hiện các dấu hiệu như: mẩn ngứa dai dẳng, ho kéo dài, đau bụng không rõ nguyên nhân, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, mệt mỏi, thậm chí có biểu hiện về thần kinh hoặc thị giác. Nhiều trường hợp nhiễm giun sán kéo dài còn gây ra tình trạng thiếu máu, suy dinh dưỡng và ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất cũng như trí tuệ của trẻ.
Một thực trạng đáng lo ngại là nhiều phụ huynh chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về cơ chế lây truyền của ký sinh trùng từ thú cưng. Trứng giun của chó mèo có thể tồn tại rất lâu trong môi trường, bám vào đất cát, tay chân, đồ chơi và dễ dàng lây nhiễm sang người. Việc để trẻ chơi đất cát không hợp vệ sinh, ăn uống không đảm bảo an toàn thực phẩm, hoặc tiếp xúc gần gũi với vật nuôi không được chăm sóc định kỳ là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Do đó, việc phòng ngừa các bệnh lý ký sinh trùng từ chó mèo cần được thực hiện một cách chủ động, toàn diện và thường xuyên:
Quản lý vật nuôi đúng cách:
- Tẩy giun định kỳ cho chó, mèo (theo khuyến cáo của bác sĩ thú y).
- Không để chó, mèo phóng uế bừa bãi trong sân vườn, nhà ở.
- Vệ sinh nơi ở của vật nuôi thường xuyên.
Chế độ ăn uống an toàn:
- Cho trẻ ăn chín, uống sôi, tuyệt đối không ăn thịt tái, tiết canh.
- Rửa sạch rau sống, hoa quả trước khi ăn.
- Bảo quản thực phẩm đúng cách, tránh nhiễm bẩn chéo từ thịt sống.
Bên cạnh đó, việc giáo dục cho trẻ thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân là vô cùng quan trọng. Trẻ cần được hướng dẫn rửa tay bằng xà phòng sau khi chơi với thú cưng, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.Khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là kiểm tra ký sinh trùng trong phân và máu cũng là biện pháp nên được thực hiện thường xuyên. Khi trẻ có biểu hiện nghi ngờ, cần đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
Bệnh lý do ký sinh trùng chó mèo gây ra là nhóm bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu các gia đình nâng cao ý thức chăm sóc vật nuôi và vệ sinh môi trường sống. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, việc chủ động bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ lây nhiễm là cách tốt nhất để đảm bảo sức khỏe lâu dài và sự phát triển toàn diện cho thế hệ tương lai.
Quốc Cường