Tổ chức lại hệ thống y tế theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp: Gọn bộ máy, vững chuyên môn
Lượt xem: 7
Sau khi chính thức triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, ngành Y tế đã xây dựng đề án tổ chức lại hệ thống y tế cơ sở theo đơn vị hành chính mới, để tinh gọn đầu mối nhưng vẫn giữ được tính bao phủ, thuận tiện cho người dân trong tiếp cận dịch vụ y tế. Việc tổ chức lại Trạm Y tế theo các xã mới nhằm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, khám chữa bệnh ổn định, thông suốt.

Viên chức Trạm Y tế xã Lý Quốc thực hiện khám bệnh cho người dân

Từ ngày 1/7/2025 cùng với cả nước, tỉnh Cao Bằng chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp (tỉnh và xã), theo Nghị quyết số 203/2025/QH15 và các văn bản hướng dẫn của Trung ương. Ngành Y tế tỉnh cũng nhanh chóng triển khai các nội dung mới về phân cấp, phân quyền, đồng thời xây dựng dự thảo Đề án tổ chức lại Sở Y tế và các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế Cao Bằng trình cấp có thẩm quyền phê duyệtnhằm đảm bảo hoạt động thông suốt, hiệu quả theo mô hình chính quyền mới. Theo dự thảo Đề án sẽ tổ chức lại 10 Trung tâm Y tế huyện, thành phố và 04 Bệnh viện đa khoa trực thuộc Sở Y tế, hoạt động theo khu vực liên xã, phường.

 Theo đó, các Trung tâm Y tế cấp huyện được đổi tên và tổ chức lại thành TTYT khu vực và tổ chức cung ứng dịch vụ y tế theo cụm liên xã. Hệ thống Trạm Y tế xã cũng được tổ chức lại tương ứng với đơn vị hành chính mới: mỗi xã, phường sau sáp nhập đều có một Trạm Y tế và ít nhất một Điểm Y tế. Toàn tỉnh tổ chức lại 161 Trạm Y tế cũ thành 56 Trạm Y tế xã, phường mới và 116 điểm y tế tại các xã cũ để tiếp tục phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân.

Tại xã Lý Quốc - đơn vị hành chính mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập ba xã cũ: Lý Quốc, Đồng Loan và Minh Long. Sau sáp nhập, xã có diện tích hơn 102,18 km² với dân số gần 6.000 người. Địa hình xã chủ yếu là đồi núi, có nhiều xóm nằm ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa. Trước đây, mỗi xã đều có một Trạm Y tế nhưng hoạt động còn rời rạc, thiếu bác sĩ, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe cơ bản cho người dân.

Xuất phát từ thực tế đó, khi thực hiện sắp xếp theo mô hình chính quyền hai cấp, theo dự thảo Đề án của Sở Y tế,  hệ thống y tế cơ sở tại Lý Quốc sẽ được tổ chức lại theo hướng: duy trì một Trạm Y tế chính đặt tại trung tâm xã là Trạm Y tế xã Lý Quốc, đồng thời giữ lại hai điểm y tế tại Minh Long và Đồng Loan cũ. Việc tổ chức lại thành “Một trạm – Hai điểm” là phương án phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phươngvừa đảm bảo bao phủ địa bàn, vừa thuận tiện cho người dân được khám, chữa bệnh gần nơi cư trú.

Sau hai tuần triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, từ ngày 1/7 đến ngày 11/7, Trạm Y tế xã Lý Quốc đã tiếp nhận và khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho trên 70 lượt người dân. Các dịch vụ cơ bản như khám tổng quát, kê đơn, cấp thuốc, tiêm chủng định kỳ… đều được triển khai đúng quy trình, không bị gián đoạn trong suốt quá trình sắp xếp, tổ chức lại.

Bác sĩ Mã Thị Linh – Phụ trách Trạm Y tế xã Lý Quốc, tỉnh Cao Bằng chia sẻTrong quá trình tổ chức lại theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Trạm Y tế xã Lý Quốc nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ Sở Y tế và chính quyền địa phương. Trụ sở làm việc được giữ nguyên, quy trình khám chữa bệnh, cấp phát thuốc cho người dân cũng không thay đổi, nên hoạt động của trạm diễn ra ổn định, không ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn xã.

Không chỉ duy trì Trạm Y tế chính, việc tiếp tục giữ lại hai điểm y tế tại Minh Long và Đồng Loan cũ cũng mang tính linh hoạt và rất sát thực tế. Nhờ vậy, người dân ở các xóm, bản xa Trung tâm xã không cần phải di chuyển xa hơn để khám, chữa bệnh thông thường.

Bác sĩ Mã Đình Đức – Phụ trách Trạm Y tế Minh Long (cũ)nay là xã Nam Tuấn, tỉnh Cao Bằng cho biết: Hiện nay, Điểm Y tế Minh Long được đặt tại trụ sở Trạm Y tế cũ, người dân trong khu vực vẫn đến khám chữa bệnh như bình thường, không có bất cập gì. Quy trình khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế được giữ nguyên, không gây xáo trộn hay khó khăn cho người dânCác hoạt động thường xuyên như tiêm chủng mở rộng, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn được duy trì đều đặn. Gần đây nhất, chúng tôi đã phối hợp thực hiện chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới 11/7. Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền và Sở Y tế, việc vận hành Điểm Y tế Minh Long diễn ra thông suốt, đảm bảo tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tại địa bàn.

Tính từ ngày 1/7 đến 11/7, Điểm Y tế Minh Long đã tiếp nhận trên 40 lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Điều này cho thấy người dân không chỉ yên tâm đến trạm, mà còn tin tưởng vào chất lượng phục vụ của cán bộ y tế tại điểm y tế gần nhà.

Bà Hoàng Thị Hươngxóm Nà Vị (xã Minh Long cũ), nay là xã Lý Quốc, tỉnh Cao Bằng chia sẻ: Tôi tuổi cao rồi, nên lúc đầu nghe sáp nhập xã cũng lo lắng, sợ phải đi khám bệnh xa hơn nếu Trạm Y tế chuyển lên trung tâm xã. Nhưng rất may là sau sáp nhập, Điểm Y tế Minh Long vẫn được duy trì, người dân như tôi vẫn đi khám và lấy thuốc như trước, không bị bất tiện gì cả. Tôi thấy như vậy là rất thuận lợi và hợp lòng dân.

Chị Hoàng Thị Ngaxóm Bằng Ca, xã Lý Quốc chia sẻ: Sau khi sáp nhập xã, tôi thấy Trạm Y tế vẫn hoạt động bình thường, không có thay đổi gì lớn. Quy trình khám chữa bệnh và cấp phát thuốc bảo hiểm y tế vẫn đơn giản, thuận tiện cho người dân. Mỗi khi có thắc mắc hay chưa rõ thủ tục, đều được các y, bác sĩ ở trạm hướng dẫn tận tình.

Sau khi thực hiện mô hình chính quyền hai cấp, ngành Y tế tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị rà soát lại cơ cấu tổ chức, nhân sự và cơ sở vật chất để sắp xếp phù hợp với đơn vị hành chính mới. Trạm Y tế xã Lý Quốc hiện có đủ đội ngũ y tế cơ bản, hoạt động dưới sự quản lý trực tiếp chuyên môn của Sở Y tế thông qua Trung tâm Y tế Hạ Lang. 

 Mặc dù bước đầu vẫn còn một số khó khăn trong công tác phối hợp hành chính và điều hành chung giữa Trạm Y tế chính và các điểm y tế sau khi sáp nhập nhất là khi chuyển từ ba đơn vị độc lập sang một đầu mối thống nhất nhưng kết quả ban đầu đã cho thấy hiệu quả rõ rệt từ cách làm bài bản, sự phối hợp chặt chẽ và sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị. Người dân tiếp tục được chăm sóc sức khỏe thuận lợi, gần gũi, không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi hành chính.

Việc tổ chức lại hệ thống y tế địa phương theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp tại Cao Bằng không chỉ là một bước đi cần thiết trong quá trình cải cách hành chính, mà còn là cơ hội để sắp xếp lại toàn diện mạng lưới y tế, hướng tới mục tiêu phục vụ tốt hơn, bền vững hơn và gắn bó hơn với cộng đồng.

Hoàng Trang

 

 

 

 
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập