Lợi ích của việc tầm soát ung thư cổ tử cung cho phụ nữ
Lượt xem: 15
Để phát hiện và điều trị kịp thời, tầm soát ung thư là việc làm cần thiết cho phụ nữ hiện nay. Việc tầm soát ung thư cổ tử cung là thực hiện các kỹ thuật y khoa như: Khám phụ khoa, nội soi cổ tử cung, phết tế bào âm đạo hay còn gọi là Pap smear để phát hiện sớm các tế bào bất thường ở cổ tử cung. Các tế bào này nhanh chóng chuyển biến thành ung thư. Người bệnh sẽ được theo dõi, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời để giảm thiểu tối đa những nguy cơ xấu.

Khám phụ sản khoa và tầm soát ung thư cổ tử cung cho phụ nữ giúp phát hiện sớm các bất thường của bệnh ung thư tử cổ tử cung.

 

Ung thư cổ tử cung có khả năng mắc phải ở bất kỳ phụ nữ nào, có tới 95 - 97% phụ nữ được chẩn đoán ung thư cổ tử cung là do vi rút HPV gây ra. Có thể kể đến các nguyên nhân như: Quan hệ tình dục không an toàn, viêm nhiễm kéo dài mà không chữa trị dứt điểm, sinh con quá sớm, đẻ nhiều lần...

Tầm soát ung thư cổ tử cung dành cho phụ nữ 21 tuổi trở lên, đặc biệt với những người đã quan hệ tình dục. Tỷ lệ mắc phải căn bệnh này càng cao hơn khi phụ nữ vào độ tuổi trung niên (30- 64 tuổi). Việc thực hiện khám và xét nghiệm bằng phương pháp nào, tần suất ra sao nên dựa vào tư vấn của bác sĩ để có hiệu quả nhất.

Với sự phát triển vượt bậc của nền y học nước nhà, hiện nay có nhiều phương pháp giúp tầm soát ung thư

Khám phụ khoa: Khám phụ khoa là việc thực hiện khám ngoài và trong âm đạo nhằm phát hiện những dấu hiệu bất thường, gây nên các bệnh như viêm nhiễm phụ khoa, bệnh lây qua đường tình dục, u xơ, ung thư cổ tử cung...

Phương pháp Pap smear: Đây là phương pháp nhanh chóng, đơn giản, mà không hề gây đau đớn, giúp tìm ra các tế bào bất thường trên bề mặt cổ tử cung. Bằng cách quan sát, chẩn đoán, bác sĩ sẽ phát hiện tế bào bất thường trước khi để chúng phát triển xâm lấn.

Tùy vào độ tuổi nhất định và các biểu hiện, nguyên do, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện phương pháp này.

Xét nghiệm Cellprep: Được coi là bước cải tiến vượt trội khi làm tăng độ phát hiện ung thư cổ tử cung đến 70 - 95%.

Xét nghiệm Thinprep Pap: Là xét nghiệm được thực hiện trên máy Thinprep tự động. Có khả năng tách các tế bào khỏi máu, mủ, các thành phần khác, cho hình ảnh rõ nét, dễ dàng phát hiện những bất thường và kết quả chẩn đoán chính xác đến 80 - 90%.

Xét nghiệm vi rút HPV: Là phương pháp áp dụng kỹ thuật sinh học phân tử để khuếch tán các đoạn gen. Khi thực hiện xét nghiệm này có thể phát hiện 16 vi rút HPV dương tính.

Đối với những bệnh nhân có kết quả âm tính với HPV thì nên tầm soát lại sau 3 - 5 năm nên đi xét nghiệm kiểm tra lại.

Một số xét nghiệm khác như: Soi cổ tử cung, soi tươi dịch âm đạo, HPV định type... có thể áp dụng trong quá trình thăm khám theo chỉ định của bác sĩ.

Tầm soát ung thư cổ tử cung mang lại nhiều lợi ích cho chị em phụ nữ

Tầm soát ung thư cổ tử cung giúp phát hiện bệnh sớm, tăng tỷ lệ điều trị thành công đến 80 - 90%; khi bệnh ở giai đoạn 2, tỷ lệ khỏi là 75%; ở giai đoạn 3 là 30 - 40% và 15% ở giai đoạn 4.

Hiện nay, nhiều người đã tiêm vắc xin phòng ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, nó chỉ có hiệu quả trong vòng 4 - 6 năm. Vì vậy, tầm soát ung thư luôn là biện pháp giúp bảo vệ sức khỏe tốt nhất.

Khi xuất hiện những triệu chứng bất thường như: Khí hư có màu hoặc mùi bất thường, ra máu âm đạo sau khi quan hệ tình dục, đau tức vùng bụng dưới... thì có thể bệnh đã vào giai đoạn muộn. Tầm soát ung thư cổ tử cung sẽ giúp phát hiện sớm, tránh những hậu quả khó lường đối với sức khỏe.

Những lưu ý trước khi làm xét nghiệm tầm soát

Tránh quan hệ tình dục, sử dụng các sản phẩm thuốc âm đạo, sản phẩm vệ sinh âm đạo trong vòng 2 - 3 ngày trước khi xét nghiệm.

Tránh tầm soát loại ung thư này khi đang có kinh nguyệt. Nên thực hiện tầm soát khi chu kỳ kinh nguyệt kết thúc 3 - 5 ngày.

Đối với các trường hợp viêm âm đạo thì nên được điều trị trước khi làm xét nghiệm tầm soát.

Tại Việt Nam, vắc xin phòng vi rút HPV đã được Bộ Y tế cấp phép có hiệu lực sử dụng từ năm 2007. Thêm vào đó, vắc xin còn giúp phòng ngừa mụn cóc ở cơ quan sinh dục và các bệnh lý ung thư cơ quan sinh dục khác như âm đạo, dương vật, âm hộ, hậu môn…

Ngoài ra, chị em phụ nữ cần xây dựng đời sống lành mạnh, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm vi rút HPV; thực hiện quan hệ tình dục an toàn, không quan hệ tình dục với nhiều bạn tình vì sẽ có nguy cơ cao lây nhiễm vi rút HPV, đặc biệt là khi bạn tình có nhiều bạn tình khác; vệ sinh sạch sẽ vùng kín trong các kỳ kinh nguyệt, sau khi quan hệ tình dục… Để từ đó góp phần vào việc phòng các bệnh lây qua đường tình dục hiệu quả nhất.

 

Ngọc Anh (St)

 

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập