Nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở V20 là bước đột phá của ngành Y tế trong quản lý thông tin y tế cơ sở. Nền tảng V20 được triển khai nhằm tối ưu hóa công việc của cán bộ Trạm Y tế và nâng cao hiệu quả trong việc chăm sóc sức khỏe người dân. Đồng thời, bảo đảm liên thông dữ liệu tại các Trạm Y tế, hỗ trợ cán bộ y tế cơ sở báo cáo, thống kê chính xác, đồng nhất và nhanh chóng.
Viên chức Trạm Y tế xã Phan Thanh thực hiện các thao tác trên phần mềm
V20.
Tháng 12/2020, Bộ Y tế chính thức khai trương
mạng Y tế Việt Nam và nền tảng Y tế cơ sở - V20 (nền tảng kết nối, chia sẻ dữ
liệu y tế cơ sở, dùng chung cho 10.600 Trạm Y tế xã). Với V20, thay vì mỗi Trạm
Y tế phải tốn 50 - 75% thời gian để viết báo cáo dữ liệu giấy. Ứng dụng được áp
dụng chính thức từ tháng 01/2021 và chỉ cần sử dụng duy nhất một phần mềm, áp dụng
trên toàn quốc để quản lý thông tin y tế cơ sở. Sở Y tế có thể nhìn thấy toàn bộ
dữ liệu của các Trạm Y tế tuyến xã thuộc địa phương mình quản lý và Bộ Y tế nếu
cần tìm hiểu, cũng có thể biết tường tận dữ liệu của các Trạm Y tế trên toàn quốc.
Bà Đặng Kim Hải - Viên chức Trạm Y tế xã Phan
Thanh chia sẻ: Trước đây mỗi một chương trình lại kèm theo vài quyển sổ. Mỗi
cán bộ nhân viên của Trạm mất rất nhiều thời gian cho việc ghi sổ sách như dân
số, sức khoẻ sinh sản, tiêm chủng mở rộng, khám chữa bệnh, an toàn thực phẩm,
truyền thông… Đơn cử như chăm sóc sức khoẻ sinh sản lại có đến vài sổ nhỏ như sổ
quản lý thai sản, sổ tiêm phòng cho bà mẹ mang thai, sổ theo dõi sinh đẻ tại trạm,
hay cán bộ y tế đến thăm sản phụ sau sinh tại nhà… Tuy nhiên, từ khi Trạm Y tế
được triển khai phần mềm kết nối thông tin y tế cơ sở V20 thì việc đó đã không
còn nữa.
Trước khi có phần mềm V20, hàng quý, hàng
tháng và báo cáo cuối năm cán bộ y tế phải ngồi cộng thủ công, việc này vừa mất
thời gian lại cũng thiếu chính xác. Đến khi sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ
thông tin (CNTT) cho từng chương trình thì mỗi chương trình lại sử dụng một phần
mềm khác nhau, việc kích hoạt và sử dụng mỗi phần mềm này mất rất nhiều thời
gian.
Vì thế, sau khi sử dụng một phần mềm duy nhất,
tích hợp và liên thông tất cả các dữ liệu khác đã đem lại nhiều lợi ích cho người
dân và nhân viên y tế, công tác báo cáo hàng quý, hàng năm cũng trở nên thuận
tiện, đơn giản hơn, tiết kiệm thời gian.
Viên chức Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hỗ trợ viên chức Trạm Y tế
Sơn Lộ sử dụng phần mền V20.
Để đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số trong
lĩnh vực y tế, Sở Y tế Cao Bằng tổ chức quán triệt, phố biến nâng cao nhận thức,
phổ cập kỹ năng chuyển đổi số theo nội dung Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập
kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định
hướng đến năm 2030”. Từ năm 2022 đến nay, Sở Y tế tập trung công tác chỉ đạo,
thành lập Tổ đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và ứng dụng
nền tảng V20; Xây dựng và ban hành công văn, kế hoạch hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc
các đơn vị trong toàn ngành đẩy mạnh chuyển đổi số y tế; Đầu tư xây dựng hạ tầng,
nền tảng kỹ thuật CNTT, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho
việc lưu trữ, quản lý, khai thác dữ liệu tập trung; Tổ chức các đoàn kiểm tra,
giám sát việc triển khai ứng dụng nền tảng V20, đặc biệt là những địa phương có
tỷ lệ nhập các phân hệ đạt thấp để tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ các đơn vị
đẩy nhanh hơn nữa việc cập nhật và đồng bộ dữ liệu lên nền tảng V20.
Với 3 mục tiêu nhằm hỗ trợ ngành Y tế số hóa
quy trình hoạt động của Trạm Y tế, trong đó chỉ sử dụng một phần mềm duy nhất
có đầy đủ chức năng nghiệp vụ quản lý, liên thông kết nối với các hệ thống
chuyên ngành, thanh quyết toán bảo hiểm và phần mềm quản lý khám chữa bệnh tuyến
trên… Hệ thống thông tin quản lý y tế (VNPT-HMIS) tại các Trạm Y tế đã và đang
mang lại rất nhiều lợi ích đối với người dân, cơ sở y tế và cơ quan quản lý. Sở
Y tế đã đề nghị Bộ Y tế cho phép mở kết nối liên thông dữ liệu giữa phần mềm
VNPT-HMIS mà các Trạm Y tế trên địa bàn tỉnh đang sử dụng với nền tảng V20. Đến
nay, 100% Trạm Y tế sử dụng VNPT-HMIS, 100% các Trung tâm Y tế và Bệnh viện sử
dụng phần mềm quản lý khám bệnh, chữa bệnh VNPT-HIS.
Qua 5 năm triển khai, bên cạnh những kết quả
đạt được, nền tảng V20 còn gặp một số khó khăn như: Các phân hệ cập nhật đều
phát sinh dữ liệu, chưa hoàn thiện. Trình độ, kỹ năng sử dụng CNTT của nhân
viên y tế chưa đồng đều, một số máy tính xuống cấp, hỏng hóc. Nhiều máy tính cấu
hình yếu, xử lý dữ liệu chậm.
Trong thời gian tới, để phần mềm V20 thực sự
phát huy tối đa hiệu quả trong ngành Y tế, cần có sự quan tâm của các cấp, các
ngành. Trong đó, công tác tuyên truyền cần được chú trọng nâng cao để nền tảng
V20 không chỉ là một công cụ công nghệ, mà thực sự trở thành “trái tim số” giúp
ngành Y tế hiện đại hóa, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho toàn dân.
Thủy Tiên