Những điều cần biết về bệnh Thủy đậu
Lượt xem: 925
Bệnh Thủy đậu (còn gọi là bệnh Trái rạ) là một bệnh lây nhiễm lành tính thường gặp, do vi-rút Varicella Zoster gây ra. Bệnh xảy ra ở mọi nơi, mọi lứa tuổi, trẻ em nhiều hơn người lớn và thường nhẹ hơn người lớn.
Bệnh Thủy đậu có khả năng mắc trên 90% với những người chưa tiêm phòng Vaccine. Bệnh có thể rải rác hoặc bùng phát thành dịch nhỏ ở những nơi đông dân cư, điều kiện vệ sinh kém. Bệnh lây nhiễm cho người chưa bị bệnh theo đường hô hấp do vi rút trong nước bọt và dịch ở họng của bệnh nhân phát tán ra môi trường xung quanh khi bệnh nhân ho, hắt hơi.
Bệnh Thủy đậu sẽ xuất hiện 10 - 14 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh là nước bọt và dịch ở họng của người bệnh. Có trường hợp lây lan qua sự tiếp xúc với quần áo, vải trải giường bị ô nhiễm bởi chất dịch từ ban ngứa hoặc từ miệng hay mũi của người bị bệnh. Bệnh khởi phát thường đột ngột với triệu chứng:
- Ban ngứa có thể là dấu hiệu đầu tiên của cơn bệnh.
- Nổi mụn nước ở vùng đầu mặt, chi và thân hoặc toàn thân, mụn nước xuất hiện rất nhanh trong vòng 12 - 24 giờ. Mụn nước có kích thước từ l - 3 mm, chứa dịch trong, tuy nhiên những trường hợp nặng mụn nước sẽ to hơn hay khi nhiễm thêm vi khuẩn mụn nước sẽ có màu đục do chứa mủ. Người bị nhiễm bệnh có thể bị từ chỉ vài mụn cho đến hơn 500 mụn trên thân thể.
- Bên cạnh mụn nước trẻ nhỏ thường kèm sốt nhẹ, biếng ăn nhưng ở người lớn hay trẻ lớn thường kèm sốt cao, đau đầu, mệt mỏi, đau cơ, nôn. Bệnh sẽ kéo dài từ 7 - 10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt rạ sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm thêm vi khuẩn mụn nước có thể để lại sẹo.


Nốt Thủy đậu đã đóng vảy ở phụ nữ mang thai

Bệnh Thủy đậu nói chung lành tính, nhưng cũng có thể gặp biến chứng nhất là ở trẻ em nhỏ dưới 1 tuổi, đặc biệt ở những người bị giảm sút sức đề kháng (phụ nữ mang thai, trẻ em bị các bệnh suy giảm miễn dịch, người bị nhiễm HIV/AIDS).Các biến chứng có thể gặp như: nhiễm trùng da và các mô mềm ở trẻ em, viêm phổi ở người lớn. Ngoài ra còn có thể gặp các biến chứng: Nhiễm trùng máu, Viêm não, Viêm khớp, xuất huyết, Viêm mô tế bào…Một số trường hợp có thể gây tử vong.
Khi bị mắc người bệnh nên đi khám ngay tại các cơ sở y tế để giảm thiểu các biến chứng có thể xảy ra. Mọi trường hợp nhất thiết phải được thầy thuốc thăm khám bệnh chỉ định và hướng dẫn cụ thể.
Không tự ý dùng thuốc, đắp các loại lá, hoặc rắc các thuốc bột không rõ nguồn gốc tác dụng khi chưa có chỉ định của Bác sĩ vì có thể gây bội nhiễm rất nặng. Có trường hợp tự ý uống thuốc "đề xa" (1 loại corticoid), thuốc sẽ làm bệnh nặng lên rất nhanh.
Hiện nay bệnh đã có thuốc điều trị đặc hiệu chống siêu vi trùng gây bệnh là thuốc Acyclorvir nhưng cần phải điều trị sớm trong 2-3 ngày đầu và chi phí cao. Ngoài ra có thể dùng các thuốc kháng histamin để giảm ngứa như: chlopheniramin, loratadine… Xanh methylen là loại thuốc sát khuẩn nhẹ có dạng dung dịch dùng ngoài 1% hoặc dung dịch milian (gồm xanh methylen, tím gentian, ethanol, nước cất…) bôi ngoài da.
Trường hợp sốt cao, có thể dùng các thuốc hạ sốt giảm đau thông thường nhưng phải theo hướng dẫn của thầy thuốc, có thể dùng kháng sinh trong trường hợp nốt rạ bị nhiễm trùng: nốt rạ có mủ, tấy đỏ vùng da xung quanh... Tuyệt đối không được dùng thuốc Aspirin để hạ sốt.
Bệnh lây truyền rất nhanh theo đường hô hấp nên cần phát hiện bệnh sớm, cách ly người bệnh (chủ yếu là cách ly, điều trị tại nhà) để tránh lây lan cho cộng đồng.
- Nên cách ly ngay từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh cho đến khi các nốt bọng nước khô vảy hoàn toàn.
- Sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng như: khăn mặt, ly, chén, muỗng, đũa.
- Vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%, vệ sinh phòng ở của người bệnh, đồ vật nhiễm mầm bệnh hàng ngày bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh: Khi cần tiếp xúc thì phải đeo khẩu trang. Sau khi tiếp xúc phải rửa tay ngay bằng xà phòng. Đặc biệt những phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh.
Để bệnh Thủy đậu nhanh khỏi, người bệnh cần tuân thủ theo các cách chăm sóc dưới đây:
- Giữ gìn vệ sinh cơ thể sạch sẽ: tắm nhanh bằng nước ấm sạch, mặc quần áo thông thoáng, hút mồ hôi để tránh nhiễm khuẩn.
- Người bệnh tuyệt đối không được gãi hay làm vỡ các nốt Thủy đậu, nên mặc các loại quần áo mềm mại để tránh cọ sát vào da.
- Hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói bụi.
- Có chế độ ăn uống phù hợp, đầy đủ dinh dưỡng để cơ thể có sức đề kháng tốt chống lại sự phát triển của bệnh. Hạn chế những thức ăn cay nóng, nhiều gia vị, tăng cường bổ sung rau xanh, trái cây tươi, uống nhiều nước.
- Khi có các biểu hiện bất thường như: sốt cao liên tục, lơ mơ, co giật... cần đưa ngay tới cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Hiện nay đã có Vaccine phòng Thuỷ đậu có hiệu quả cao và lâu dài, giúp cơ thể tạo kháng thể chống lại virus Thủy đậu, những đối tượng sau nên tiêm Vaccine phòng Thuỷ đậu:
- Tất cả trẻ em từ 12-18 tháng tuổi được tiêm 1 lần.
- Trẻ em từ 19 tháng tuổi đến 13 tuổi chưa từng bị Thuỷ đậu lần nào cũng tiêm 1 lần.
- Trẻ em trên 13 tuổi và người lớn chưa từng bị Thủy đậu lần nào thì nên tiêm 2 lần, nhắc lại cách nhau từ 4-8 tuần.
Hiệu quả bảo vệ của vaccine Thủy đậu có tác dụng lâu bền.
Nếu đã được chủng ngừa Vaccine Thủy đậu thì đại đa số từ 80-90% có khả năng phòng bệnh tuyệt đối. Tuy nhiên, cũng còn khoảng 10% còn lại là có thể bị Thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt đậu, khoảng dưới 50 nốt, và thường là không bị biến chứng.
Trên đây là nguyên nhân, cách chăm sóc và điều trị bệnh Thủy đậu hiệu quả nhất mà chúng ta cần phải biết để tự chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho chính mình. Tuy nhiên, dù trong hoàn cảnh nào việc phòng bệnh cũng tốt hơn là chữa bệnh, chính vì thế hãy tiêm văc xin phòng bệnh Thủy đậu đồng thời hạn chế tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh chính là cách phòng bệnh hiệu quả nhất.


Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập