Bệnh Trĩ những điều cần biết
Lượt xem: 319
Bệnh Trĩ, hay còn gọi là bệnh lòi dom theo dân gian, là bệnh được tạo thành do dãn quá mức các những tĩnh mạch ở phần dưới của trực tràng hay hậu môn, tạo thành khối nhô, gây đau. Trong trạng thái bình thường, các mô này giúp kiểm soát phân thải ra. Khi các mô này phồng lên do sưng hoặc viêm thì gọi là Trĩ. Trĩ là một bệnh rất phổ biến hay gặp ở người lớn, hiếm gặp ở trẻ em. Tuy bệnh ít nguy hiểm nhưng gây nhiều trở ngại, phiền phức trong sinh hoạt, từ đó ảnh hưởng đến năng suất lao động, chất lượng công tác và tâm sinh lý của người bệnh.
Bệnh Trĩ là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh hậu môn trực tràng, gặp nhiều ở cả nam và nữ.
Dựa theo cấu trúc giải phẫu, bệnh Trĩ được chia thành 2 loại: Trĩ nội và Trĩ ngoại. Trĩ nội là những búi Trĩ xuất hiện phía trên cơ thắt hậu môn, là loại Trĩ thường gặp. Trĩ ngoại là những búi Trĩ xuất hiện phía dưới cơ thắt hậu môn, Trĩ ngoại có thể gây biến chứng tắc mạch, người bệnh cần được phẫu thuật chích rạch búi Trĩ mới có thể giảm đau được.
Nguyên nhân gây bệnh Trĩ
Nguyên nhân của bệnh chưa được xác định rõ ràng và chắc chắn. Những yếu tố sau đây được coi như là những điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh:
- Táo bón kéo dài: Người bệnh đi ngoài rặn nhiều, khi rặn áp lực trong lòng ống hậu môn tăng lên gấp 10 lần. Táo bón lâu ngày làm xuất hiện các búi Trĩ. Các búi Trĩ dần dần to lên và khi to quá sẽ sa ra ngoài.
- Tiêu chảy kéo dài: người bệnh mỗi ngày đại tiện nhiều lần và mỗi lần đại tiện phải rặn nhiều làm tăng áp lực trong ổ bụng.
- Tăng áp lực ổ bụng: Những người bệnh bị viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản… phải ho nhiều, những người làm lao động nặng như khuân vác... làm tăng áp lực trong ổ bụng, dễ dàng cho bệnh Trĩ xuất hiện.
- Người phải đứng lâu, ngồi nhiều, ít đi lại như thư ký bàn giấy, nhân viên bán hàng, thợ may…
- Khối u hậu môn trực tràng và vùng xung quanh: như ung thư trực tràng, u vùng tiểu khung, thai nhiều tháng… khi to có thể chèn ép và cản trở đường về tĩnh mạch hồi lưu làm cho các đám rối tĩnh mạch căng phồng lên tạo thành bệnh Trĩ.
Các biểu hiện của bệnh Trĩ :
- Chảy máu nhưng không đau trong quá trình đi tiêu, có thể nhận thấy một lượng nhỏ máu màu đỏ tươi trên giấy vệ sinh hoặc trong bồn cầu.
- Ngứa hoặc bị dị ứng khu vực hậu môn.
- Đau hoặc khó chịu vùng hậu môn.
- Trĩ thò ra từ hậu môn.
- Sưng tấy xung quanh hậu môn.
- Nhạy cảm hoặc đau đớn vùng gần hậu môn.
- Rò rỉ dịch từ hậu môn.
Tuy nhiên một số triệu chứng của bệnh có thể nhầm lẫn với một số bệnh khác như: đại tiện có máu tươi có thể gặp ở các bệnh khác như ung thư trực tràng, viêm loét đại trực tràng chảy máu, polyp đại trực tràng; Sa búi Trĩ ra ngoài hậu môn có thể nhầm lẫn với bệnh sa niêm mạc trực tràng với cách điều trị khác hẳn. Vì vậy, khi nghi ngờ bị bệnh Trĩ cần đi khám để loại trừ các bệnh lý nói trên.
Biến chứng của bệnh:
- Trĩ chảy máu kéo dài nhiều lần gây thiếu máu: Đây là biến chứng hay gặp, nhiều bệnh nhân đến viện với triệu chứng thiếu máu nặng. Máu chảy khi đại tiện nhỏ giọt hoặc thành tia hoặc chảy khi va chạm nhẹ.
- Trĩ có huyết khối và viêm tắc tĩnh mạch Trĩ: Do ứ máu, chấn thương búi Trĩ, rối loạn chế độ ăn uống và đặc biệt là sự co thắt của cơ thắt hậu môn.
- Vỡ một búi Trĩ ngoại: Gây ra tụ máu cấp tính ở rìa hậu môn, màu đỏ sẫm và đau dữ dội.
- Trĩ có sa búi Trĩ và sa niêm mạc trực tràng: Bệnh Trĩ lâu ngày không được điều trị dẫn đến sa các búi Trĩ. Trĩ kết hợp với sa niêm mạc trực tràng thành vòng gọi tắt là Trĩ vòng.
- Trĩ nghẹt: Do Trĩ nội sa ra ngoài, cơ thắt co bóp làm nghẹt, phù nề thiếu máu nuôi dưỡng dẫn tới hoại tử, viêm và chảy máu.
Phòng tránh bệnh Trĩ :
Bệnh Trĩ có thể phòng ngừa được nếu tuân theo một số hướng dẫn sau đây:
- Nên có chế độ ăn uống lành mạnh. Thêm chất xơ trong chế độ ăn uống là một trong những cách tự nhiên và tốt nhất để phòng ngừa bệnh Trĩ. Các thực phẩm giàu chất xơ như: trái cây tươi, rau quả, ngũ cốc nguyên hạt và bột yến mạch sẽ giúp cho tiêu hóa thuận lợi, sạch trực tràng làm cho việc đại tiện nhẹ nhàng hơn không gây đau đớn. Hạn chế các chất kích thích như cà phê, rượu bia, trà và các thức ăn nóng (nhiều gia vị) như tiêu, ớt...Ăn nhiều rau xanh giúp phòng ngừa bệnh Trĩ.
- Uống nhiều nước, đặc biệt là trong bữa ăn, thúc đẩy tiêu hóa tốt và ngăn ngừa xơ cứng phân. Cần đảm bảo lượng nước uống > 2 lít /ngày.
- Nên ăn uống đúng giờ, tránh bỏ bữa hoặc liên tục thay đổi lịch trình của các thói quen ăn uống có thể dẫn tới chứng khó tiêu. Đây được cho là một trong những nguyên nhân gây bệnh Trĩ.
- Không nên nhịn đi vệ sinh và tập đi vệ sinh vào một giờ cố định hàng ngày. Nhịn đi vệ sinh có thể khiến phân bị tích tụ lại lâu ở ruột sẽ khiến cho phân bị khô cứng, việc đi ngoài sẽ khó khăn hơn. Việc tập đi vệ sinh vào một giờ cố định hàng ngày giúp bạn tạo thành phản xạ tự nhiên tống hết phân ra ngoài hàng ngày, tránh dồn tích phân tạo thành táo bón. Nhờ vậy, góp phần phòng ngừa bệnh Trĩ.
- Không nên ngồi quá lâu, hoặc đứng quá lâu, nên có kế hoạch nghỉ ngơi giữa giờ (như đi lại) trong trường hợp công việc phải đứng hoặc ngồi lâu.
- Tập thể dục thường xuyên và duy trì trọng lượng cơ thể ở mức độ cho phép sẽ giúp các nhu động ruột hoạt động tốt, tiêu hóa tốt và tuần hoàn máu vùng hậu môn tốt không gây ứ trệ máu phòng ngừa bệnh Trĩ. Không nên chơi các môn thể thao nặng và tránh nâng vật nặng thường xuyên.
- Giữ vùng hậu môn sạch và khô.
- Ngoài ra cần điều trị triệt để các bệnh mãn tính hiện có như Viêm phế quản, Giãn phế quản, bệnh Lỵ… Những bệnh này làm tăng áp lực trong ổ bụng và làm tăng áp lực lên thành tĩnh mạch hậu môn gây nên bệnh Trĩ.
Bệnh Trĩ là một căn bệnh khó chữa và dễ bị tái phát bệnh vì vậy việc phòng tránh là cần thiết khi chưa mắc Trĩ. Không nên để bệnh Trĩ đến giai đoạn muộn mới đi khám và điều trị vì dễ xảy ra biến chứng hơn và việc điều trị cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Nếu mức độ trầm trọng, nhất là để mất máu nhiều, nhiễm khuẩn sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tính mạng người bệnh.

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập