TĂNG CƯỜNG NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ CẦN SỰ NHẬN THỨC ĐÚNG ĐẮN CỦA CỘNG ĐỒNG
Trong những năm gần đây, các hoạt động truyền thông phòng chống suy dinh dưỡng được đẩy mạnh, nhiều bà mẹ đã có những kiến thức cơ bản về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM). Hưởng ứng Tuần lễ Thế giới NCBSM từ 1/8 đến 7/8 hàng năm, nhằm khuyến khích và tăng cường việc NCBSM. Tuần lễ thế giới NCBSM năm 2024 với chủ đề “Thu hẹp khoảng cách - Hỗ trợ NCBSM cho tất cả các bà mẹ - Kết nối vòng tay yêu thương”, nhằm tập trung đẩy mạnh hỗ trợ NCBSM cho tất cả các bà mẹ để giảm bất bình đẳng trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em, đặc biệt tập trung vào hỗ trợ NCBSM trong các tình huống khẩn cấp để không một bà mẹ nào bị bỏ lại phía sau.
Hướng dẫn cho bà mẹ cho con bú đúng cách tại Khoa Phụ Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng
Sản phụ Triệu Thị Lan ở xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình vừa mới sinh mổ tại Khoa phụ sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng ngày thứ 2. Sau khi mổ đẻ Chị Lan đã rất lo lắng vì sợ chưa có sữa đủ cho con bú ngay. Nhưng nhờ được các bác sĩ tư vấn, lúc sinh con xong Chị Lan đã được bác sĩ hướng tư vấn, hướng dẫn phương pháp da kề da trong 90 phút và hướng dẫn chăm sóc vệ sinh, mát xa vùng ngực và tránh tắc tia sữa chị đã thử tự tin trở lại và cảm nhận trọn vẹn hạnh phúc của mình khi cho con bú.
Chị Triệu Thị Lan chia sẻ: khi mang thai tôi được cán bộ y tế xã mời tham gia các buổi truyền thông, tư vấn về nuôi con bằng sữa mẹ và được cung cấp những kiến thức cơ bản về chăm sóc dinh dưỡng trẻ nhỏ, đặc biệt nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và trong 24 tháng tuổi. Sau khi sinh con tôi được các các bác sỹ, nữ hộ sinh tư vấn về thực hành đúng cách cho trẻ bắt bú và mát xa vùng ngực để tránh tắt tia sữa nên sau khi sinh sữa của tôi đã về nhiều đủ cho con bú.
Tại Khoa Phụ sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng hiện có 35 bà mẹ mới sinh đang nằm điều trị nội trú, tất cả các sản phụ được hỗ trợ tích cực việc NCBSM và được tư vấn kiến thức về lợi ích của việc NCBSM trong vòng 1 giờ đầu sau sinh và NCBSM hoàn toàn trong 6 tháng đầu, tiếp tục cho trẻ bú đến 24 tháng tuổi, tư vấn chế độ dinh dưỡng để bảo vệ và duy trì nguồn sữa mẹ. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên 100% các bà mẹ đều thực hiện tốt việc chăm sóc và cho con bú ngay sau khi sinh.
Nữ hộ sinh Vương Thị Hạnh - Khoa Phụ Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng cho biết: Các sản phụ sau khi sinh được chúng tôi hướng dẫn cách chăm sóc, hướng dẫn vệ sinh cơ thể, bầu ngực, hướng dẫn cách cho con bú đúng, tư vấn chế độ dinh dưỡng cho bà mẹ để có nhiều sữa, hướng dẫn mát xa để kích thích nguồn sữa về nhanh và cách phòng tránh tắc tia sữa, qua đó giúp cho các bà mẹ tự tin để nuôi con bằng sữa mẹ.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới trẻ sinh ra cần phải được nuôi sữa mẹ hoàn hoàn toàn trong 6 tháng đầu và duy trì đến 24 tháng tuổi đây là nguồn dinh dưỡng vô giá, đặc biệt giúp tăng sức đề kháng cho trẻ.
Theo Bác sỹ CKI Nông Thị Thư - Khoa Phụ Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng cho biết: Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đây là loại thức ăn hoàn hảo để trẻ sơ sinh phát triển toàn diện. Trong sữa mẹ có chứa các chất đề kháng và dưỡng chất, các chất này đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thay đổi của bé và bảo vệ bé khỏi viêm nhiễm và bệnh tật. Ngoài ra, trong sữa mẹ còn chứa các axít béo giúp phát triển trí não của bé. Nuôi con bằng sữa mẹ mang lại cho con bạn sự khởi đầu tốt đẹp nhất trong cuộc sống. Cùng với việc cung cấp cho bé đầy đủ năng lượng và dinh dưỡng mà bé cần, sữa mẹ giúp củng cố hệ miễn dịch tự nhiên của bé. Không chỉ mang lại lợi ích cho bé, nuôi con bằng sữa mẹ còn đem lại lợi ích cho chính bạn.
Để bảo vệ nguồn sữa mẹ và nuôi con khoẻ mạnh, phát triển tốt, các bà mẹ cần thực hiện tốt các khuyến cáo sau: Cho trẻ bú ngay trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh để tận dụng sữa non, kích thích sữa non xuống sớm và co hồi tử cung cho mẹ. Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Bắt đầu cho trẻ ăn bổ sung từ tháng thứ 7 và tiếp tục bú sữa mẹ đến 24 tháng hoặc lâu hơn, không cai sữa cho trẻ trước 12 tháng. Cho trẻ bú theo yêu cầu của trẻ (không hạn chế thời gian và độ dài của mỗi lần bữa). Nếu trẻ ốm không bú được thì vắt sữa và cho trẻ ăn bằng thìa hoặc bằng cốc.
Trước diễn biến phức tạp và nguy cơ phát sinh dịch bệnh luôn thường trực, việc đẩy mạnh NCBSM đang là vấn đề cấp thiết và là biện pháp hiệu quả để bảo vệ sức khoẻ cho trẻ. Đây không phải trách nhiệm chỉ riêng của ngành Y tế mà của cả cộng đồng và trước hết là nhận thức của mỗi gia đình về tầm quan trọng trong việc NCBSM.
Để giúp các phụ nữ có điều kiện NCBSM, ngoài các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các thành viên trong gia đình cần ý thức sâu sắc lợi ích của việc NCBSM. Từ đó có trách nhiệm chia sẻ, tạo điều kiện tốt nhất cho chị em phụ nữ thực hiện thiên chức làm mẹ, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Ngọc Anh