Những điều cần biết về bệnh Tiêu chảy ở trẻ em
Lượt xem: 337
Tiêu chảy là tình trạng bệnh lý về đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ em, là nguyên nhân hàng đầu gây suy dinh dưỡng, bệnh tật và tử vong ở trẻ em. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 2,2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do bệnh Tiêu chảy. Bệnh Tiêu chảy đang là một vấn đề y tế toàn cầu, là gánh nặng kinh tế đối với các nước đang phát triển.
Theo báo cáo của khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong tháng 6/2016, đã có gần 30 trẻ nhập viện do bệnh Tiêu chảy, tăng gấp đôi so với ngày thường.
Tiêu chảy là hiện tượng đi ngoài nhiều lần trong ngày, chủ yếu là phân nhão, lỏng và nước trên 3 lần 1 ngày. Trẻ em bị tiêu chảy thường gặp ở độ tuổi từ 6 tháng đến 2 tuổi. Tiêu chảy làm người bệnh mất nước và điện giải, làm giảm khối lượng tuần hoàn dẫn đến truỵ tim mạch và có thể tử vong.
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh Tiêu chảy ở trẻ:
- Trẻ bú bình không đảm bảo vệ sinh, nguy cơ tiêu chảy cao gấp nhiều lần so với trẻ bú mẹ hoàn toàn hoặc không bú bình.
- Ăn bổ sung không đúng cách: Cho trẻ ăn thức ăn nấu để lâu ở nhiệt độ phòng, thức ăn bị ô nhiễm trước và sau khi chế biến.
- Nước uống không sạch (không đun sôi hoặc để lâu) hoặc nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm.
- Dụng cụ, tay người chế biến thức ăn bị nhiễm bệnh.
- Xử lý chất thải đã nhiễm bệnh không đúng cách, quan niệm phân trẻ em không bẩn như phân người lớn.
- Không có thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn.
Các nguyên tắc điều trị khi bị tiêu chảy:
- Uống nhiều nước hơn bình thường: nếu trẻ còn bú cần cho bú nhiều và lâu hơn. Cần cho trẻ uống thêm dung dịch bù nước (ORS) sau mỗi lần đi ngoài phân lỏng hay sau khi nôn. Ngoài ORS, trẻ trên 6 tháng tuổi còn có thể uống nước súp, nước cơm, nước cháo, nước dừa, nước hoa quả tươi không đường, nước chín để nguội.
- Tiếp tục cho ăn: Nếu trẻ đang bú mẹ thì tiếp tục cho bú thường xuyên hơn và bú lâu hơn. Ở trẻ lớn hơn thì khẩu phần ăn hàng ngày nên được tiếp tục và tăng dần lên. Ở những trẻ bị thêm nôn thì khẩu phần ăn nên được chia ra làm nhiều bữa nhỏ. Sau khi hết tiêu chảy nên cho bé ăn nhiều hơn để hồi phục lại dinh dưỡng cho bé.
- Không dùng thuốc cầm tiêu chảy hay thuốc chống nôn cho trẻ.
- Bổ sung kẽm: Nhân viên y tế sẽ cho trẻ uống bổ sung kẽm dưới dạng viên hoặc nước, uống từ l0-14 ngày. Kẽm có tác dụng trong việc hồi phục biểu mô ruột, làm giảm thời gian tiêu chảy, giảm số lượng phân, giảm mức độ nặng và thời gian mắc bệnh.
Trẻ bị tiêu chảy có thể xử trí tại nhà, nhưng phụ huynh cần chú ý 3 nguyên tắc sau: Cho trẻ uống nhiều nước hơn để phòng mất nước; Ăn nhiều hơn để có sức khỏe, nhanh khỏi bệnh, phục hồi niêm mạc đường ruột và đảm bảo sự tăng trưởng của trẻ; Đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để điều trị khi trẻ có một trong các dấu hiệu sau: trẻ sốt cao không giảm, trẻ khát nước nhiều, trẻ ăn hoặc bú kém, trong phân trẻ có máu, trẻ nôn nhiều, tiêu chảy chuyển sang kiết lỵ, trẻ li bì khó đánh thức hoặc bị co giật.
Để phòng tránh và giảm bớt nguy cơ mắc bệnh Tiêu chảy ở trẻ em, các bậc phụ huynh cần chú ý:
Với trẻ sơ sinh, nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời.
Trẻ trên 6 tháng: tiếp tục cho trẻ bú mẹ, bú thường xuyên và bú lâu hơn. Có chế độ ăn hợp lý, nấu theo khẩu vị của trẻ và đảm bảo vệ sinh khi chế biến. Sử dụng nguồn nước sạch và các thực phẩm tươi sống khi chế biến. Tránh các thực phẩm chế biến sẵn.
Vệ sinh cá nhân cho trẻ sạch sẽ, cho trẻ rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn, đặc biệt các mẹ cần phải rửa tay bằng xà phòng sau khi thay tã.
Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm vắc xin phòng tiêu chảy do Rota Vi rút.
Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập