Hiệu quả từ thực hiện tốt dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con
Lượt xem: 69
Theo thống kê cứ khoảng 100 bà mẹ mang thai nhiễm HIV sẽ có 30 đứa trẻ sinh ra cũng bị lây truyền HIV từ mẹ. Tuy nhiên, con số này sẽ giảm đi đáng kể nếu biết cách điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Xét nghiệm HIV tại Trạm Y tế xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc. Ảnh: Trọng Thụ

Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy trẻ sơ sinh nhiễm HIV chủ yếu là do lây truyền HIV từ mẹ. Nếu không có bất kỳ can thiệp nào nhằm ngăn chặn sự lây truyền HIV từ mẹ sang con thì tỉ lệ lây truyền HIV từ người mẹ nhiễm HIV sang con của mình là từ 30% - 40% (trung bình là 36%). Tuy nhiên, nếu được can thiệp kịp thời và toàn diện thì tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể giảm xuống dưới 5% thậm trí 0%. Đây cũng chính là căn cứ để Việt Nam đặt mục tiêu loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030.

Tại Việt Nam, từ năm 2009, chiến dịch quốc gia về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con lần đầu tiên được phát động trên toàn quốc nhằm giảm thiểu, loại trừ việc lây nhiễm bệnh từ bà mẹ nhiễm HIV mang thai sang con. Sau đó, Bộ Y tế đã chọn tháng 6 hằng năm là Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con để đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông và cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Theo đánh giá của Bộ Y tế cho thấy, sau 15 năm triển khai Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, kết quả cho thấy số trẻ em bị nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ đã giảm, nhiều phụ nữ nhiễm HIV cũng được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, góp phần làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

  Để hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030, những năm qua, ngành Y tế Cao Bằng đã tập trung đẩy mạnh nhiều giải pháp toàn diện, đồng bộ nên đã thu được những kết quả tích cực, góp phần giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng và hạn chế tốc độ gia tăng nhiễm HIV mới nói chung. Theo đó, ngành Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện lồng ghép Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con vào hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản nhằm tiếp cận với phụ nữ mang thai sớm nhất, khắc phục tình trạng xét nghiệm HIV muộn và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng ARV muộn ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Do đó, hầu hết phụ nữ đang mang thai và trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn tỉnh đều được các bác sĩ tư vấn, sàng lọc và lấy máu xét nghiệm HIV sớm. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã tiến hành xét nghiệm HIV cho 2.742 phụ nữ mang thai, trong đó 658 phụ nữ được xét nghiệm HIV lúc mang thai, 2.084 trường hợp được xét nghiệm HIV lúc chuyển dạ. Qua đó phát hiện 2 phụ nữ mang thai nhiễm HIV,  đều được điều trị dự phòng khi mang thai và chuyển dạ. 01 trẻ được điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Những năm gần đây hầu như 100% số trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV (được uống thuốc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con) đều có kết quả âm tính với vi rút HIV. 

Đặc biệt, trong Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con từ ngày 1 - 30/6 hằng năm, ngành Y tế đã đẩy mạnh công tác truyền thông về dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con bằng nhiều hình thức như: truyền thông trực tiếp cho các đối tượng nguy cơ cao; tuyên truyền qua áp phích, tờ rơi. Nội dung truyền thông tập trung nói về lợi ích của xét nghiệm sớm HIV cho phụ nữ mang thai, thời điểm phụ nữ nhiễm HIV có thể mang thai an toàn giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho con, lợi ích của theo dõi tải lượng vi rút HIV đối với phụ nữ mang thai nhiễm HIV để sinh ra những đứa con khỏe mạnh, lợi ích của việc quản lý thai, khám thai sớm trong 03 tháng đầu để được tư vấn và xét nghiệm HIV sớm, điều trị bằng thuốc ARV sớm ngay trong những tháng đầu của thai kỳ ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV trong việc giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao,  giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con…

Thạc sĩ Đàm Thu Hường - Viên chức Khoa phòng chống HIV/AIDS - Lao, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cao Bằng cho biết: Tại Cao Bằng những năm gần đây, những bà mẹ nhiễm HIV mang thai đều được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, vì vậy không có trẻ nào sinh ra nhiễm HIV từ mẹ. Hiện nay phụ nữ nhiễm HIV hoàn toàn có khả năng mang thai, sinh con không bị nhiễm HIV khi tuân thủ các nguyên tắc trong điều trị, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Thời điểm phụ nữ nhiễm HIV có thể mang thai an toàn giảm nguy cơ nhiễm HIV cho con là khi tải lượng vi rút trong máu dưới ngưỡng phát hiện.

Hiện nay thuốc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được cấp hoàn toàn miễn phí tại 19 điểm cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Tĩnh Túc, Bệnh viện Đa khoa các huyện: Trùng Khánh, Hà Quảng, Quảng Hoà, 10 Trung tâm Y tế huyện, thành phố và 4 Trạm Y tế xã gồm: Mai Long (Nguyên Bình), Đình Phùng (Bảo Lạc), Đàm Thủy (Trùng Khánh), Thái Học (Bảo Lâm). Các Bệnh viện tuyến tỉnh, Trung tâm Y tế tuyến huyện, thành phố có cung cấp dịch vụ sản khoa đều thực hiện việc tư vấn, xét nghiệm HIV ngay từ lần đầu khi phụ nữ mang thai tới khám.

Các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bao gồm:

1. Xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai.

2. Cung cấp thuốc ARV cho phụ nữ nhiễm HIV bao gồm phụ nữ nhiễm HIV mang thai.

3. Cung cấp thuốc ARV điều trị dự phòng lây nhiễm HIV cho con.

4. Chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV.

Để chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, ngành Y tế tỉnh khuyến cáo tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai hãy chủ động đi khám, xét nghiệm HIV. Nếu phát hiện bệnh, cần được điều trị theo phác đồ sớm để bảo đảm hiệu quả tối ưu trong việc giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Những phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm HIV có kết quả dương tính cần được theo dõi liên tục và can thiệp đúng quy trình nhằm làm giảm tới mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm HIV cho những trẻ sinh ra từ các bà mẹ này.

Các can thiệp trước sinh: Tư vấn xét nghiệm HIV, sàng lọc và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bổ sung vitamin, sắt, dự phòng và điều trị nhiễm trùng cơ hội, sử dụng ARV để điều trị cho mẹ hoặc điều trị dự phòng lây truyền mẹ con… là những biện pháp hết sức cần thiết và hiệu quả làm giảm tỷ lệ lây truyền mẹ con.

Các can thiệp trong khi sinh: Với những phụ nữ chưa tiếp cận các can thiệp trước sinh, cần tư vấn xét nghiệm nhanh HIV, nếu dương tính thì sử dụng phác đồ ARV dự phòng lây truyền mẹ con theo hướng dẫn, tránh các can thiệp như bấm ối, forcep, cắt tầng sinh môn…

Can thiệp sau sinh: Chủ yếu là tư vấn cho người mẹ về những lợi ích và nguy cơ lây nhiễm HIV khi cho trẻ bú. Tốt nhất là nuôi trẻ bằng sữa thay thế nếu có điều kiện. Trường hợp không có điều kiện sử dụng sữa thay thế, người mẹ cho bú hoàn toàn trong thời gian đầu, sau đó cai sữa sớm chuyển ăn dặm ngay khi có thể để giảm nguy cơ lây truyền HIV cho trẻ. Trẻ cần được giới thiệu tới các phòng khám ngoại trú cho trẻ em để theo dõi và điều trị ARV.

HIV là căn bệnh thế kỷ, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa tìm ra loại thuốc điều trị dứt điểm căn bệnh này. HIV lây qua 3 đường: Đường máu, đường tình dục và mẹ truyền sang con. HIV có thể lây truyền trong quá trình mang thai, chuyển dạ, sinh nở hoặc cho con bú. Nếu không được can thiệp, trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm HIV sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh. Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một biện pháp hiệu quả nhất, có tính nhân văn nhất làm giảm tỷ lệ trẻ bị nhiễm HIV, tiến tới không còn trẻ nhiễm mới.

Mặc dù việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã đạt được một số hiệu quả, nhưng việc triển khai còn gặp một số khó khăn như: vẫn còn sự kỳ thị phân biệt đối xử với những người bị nhiễm HIV/AIDS, nhận thức của một số phụ nữ đặc biệt phụ nữ mang thai về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con còn thấp, đa phần số phụ nữ có nguy cơ cao chỉ đồng ý làm xét nghiệm khi vào phòng đẻ... Kết quả tư vấn chưa cao, khó khăn trong quản lý các bà mẹ nhiễm và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV.

Để không còn trẻ em bị nhiễm HIV từ người mẹ trong quá trình mang thai, quá trình chuyển dạ và cho con bú, ngay trước và sau khi mang thai, người phụ nữ cần phải xét nghiệm HIV để biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, từ đó có thể đưa ra các biện pháp chăm sóc và điều trị kịp thời, hạn chế tối đa tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con, hướng tới mục tiêu loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030.

Mai Hoa

 

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập