Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm, chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn huyện Bảo Lâm đã phát hiện 26 ca mắc HIV, trong đó có 9 trường hợp được phát hiện tại xã Thái Sơn, 6 trường hợp tại xã Thái Học và 11 trường hợp tại xã Yên Thổ.
Bệnh
nhân đến uống thuốc tại Cơ sở cấp phát thuốc Methadone, Trạm Y tế xã Thái Học, Trung
tâm Y tế huyện Bảo Lâm.
Bảo
Lâm là huyện miền núi nằm ở phía tây của tỉnh Cao Bằng, cách Trung tâm Thành phố
175 km về hướng tây, diện tích tự nhiên 91.206,4 ha, dân số 68.734 người, gồm 9
dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán chỉ, Lô Lô... Huyện có 13 đơn vị hành
chính, gồm 12 xã và 01 thị trấn, có 01 xã
biên giới giáp với Trung Quốc, có xã giáp với các tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn,
Tuyên Quang.
Qua số liệu điều tra cho thấy,
tình hình dịch HIV/AIDS có diễn biến phức tạp tại một số xã thuộc huyện Bảo
Lâm. Trong năm 2023, phát hiện 9 ca nhiễm HIV (cao hơn 5 ca so với năm 2022), tập
trung tại 6 xã gồm: Thị trấn Pác Miầu (2 ca), xã Thái Sơn (2 ca), xã Yên Thổ (2
ca), xã Lý Bôn (1 ca), xã Nam Quang (1 ca), xã Mông Ân (1 ca). Đặc biệt, trong
5 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn huyện Bảo Lâm phát hiện 26 ca mắc HIV ở 3
xã: Thái Học, Thái Sơn và Yên Thổ.
Trước tình hình đó, ngày
03/5/2024, Giám đốc Sở Y tế Nông Tuấn Phong và đoàn công tác của Sở Y tế đã có
buổi làm việc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật về công tác phòng, chống
HIV/AIDS tại huyện Bảo Lâm. Đồng chí Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm
soát bệnh tật, Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm, các Trạm Y tế liên quan khẩn
trương điều tra, xác minh về tình hình HIV; phối hợp với các phòng của
Sở Y tế tập trung ưu tiên cho công tác phòng, chống HIV tại huyện Bảo Lâm; căn
cứ vào tình hình thực tế, các quy định chuyên môn đề xuất các biện pháp, giải
pháp phục vụ công tác phòng, chống HIV tại huyện Bảo Lâm cho phù hợp.
Cùng với đó, Sở Y tế đã thành lập đoàn giám sát, hỗ trợ, chỉ đạo về
chuyên môn và các giải pháp phòng, chống dịch HIV tại địa bàn các xã. Làm việc
trực tiếp với chính quyền địa phương để đưa ra các biện pháp can thiệp cũng như
huy động sự vào cuộc của chính quyền địa phương đối với tình hình dịch HIV trên
địa bàn. Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, nhân
lực cho Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm, khẩn trương thành lập Cơ sở cấp phát
thuốc, điều trị ARV và Cơ sở cấp phát thuốc, điều trị nghiện các chất dạng
thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tại Trạm Y tế xã Thái Học.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã triển khai tập huấn cho viên chức Trung
tâm Y tế huyện Bảo Lâm và Trạm Y tế các xã, thị trấn về công tác giám sát tình
hình dịch HIV và tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng. Triển khai tập huấn những
điều cần biết về HIV cho Ban Chỉ đạo tại 3 xã: Thái Học, Thái Sơn và Yên Thổ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lý Văn Chuyên -
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm cho biết: Để thực hiện đảm bảo, kịp thời
các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn, Trung tâm Y tế huyện đã ban
hành các kế hoạch cụ thể về tư vấn, sàng lọc, xét nghiệm HIV tại cộng đồng. Chỉ
đạo, phối hợp với các xã tổ chức tuyên truyền về các mối nguy, chủ động phát
hiện sớm và điều trị sớm HIV, vận động người dân hưởng ứng sàng lọc xét nghiệm
HIV. Triển khai Cơ sở cấp phát thuốc, điều trị ARV và Cơ sở cấp phát thuốc,
điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tại
Trạm Y tế xã Thái Học.
Để thực hiện tốt vấn đề này, UBND và Trạm Y
tế xã đóng vai trò quan trọng trong việc tư vấn, tuyên truyền cho những người
có nguy cơ cao đến các địa điểm khám sàng lọc, tư vấn, xét nghiệm. Huy động sự
vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể như: bí thư, trưởng xóm, nhân viên y tế
thôn bản, đặc biệt là người dân… Từ đó, tránh gây hoang mang, lo sợ, tạo niềm
tin và đồng cảm, không kỳ thị đối với những người nhiễm HIV.
Từ ngày 05/7/2024, Trung tâm Y tế huyện Bảo
Lâm đã triển khai Cơ sở cấp phát thuốc, điều trị nghiện các chất dạng thuốc
phiện bằng thuốc thay thế Methadone và Phòng khám, tư vấn, cấp phát thuốc điều
trị ARV tại Trạm Y tế xã Thái Học. Đây là cơ sở tuyến xã đầu tiên của tỉnh Cao Bằng
đi vào hoạt động, phục vụ cho bệnh nhân của các xã: Thái Học, Thái Sơn, Yên Thổ
và các xã lân cận đến uống thuốc.
Bà Phan Thị Luyên - Trạm trưởng Trạm Y tế xã
Thái Học chia sẻ: Từ ngày triển khai uống thuốc đến nay, cơ sở đã tiếp nhận và
điều trị 25 bệnh nhân uống thuốc Methadone; 24 bệnh nhân uống thuốc ARV. Việc
đưa cơ sở vào hoạt động góp phần giảm tải cho Cơ sở điều trị Methadone và Cơ sở
điều trị ARV, Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm, giúp nâng cao chất lượng chăm sóc cho
bệnh nhân, góp phần làm giảm tỷ lệ người nghiện, tỷ lệ lây nhiễm HIV, giảm các
hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm đối tượng tham gia điều trị.
Tính đến tháng 9/2024, trên địa bàn huyện có
66 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có 6 ca chuyển sang giai đoạn AIDS, 2 ca tử
vong do AIDS. Các xã có trường hợp mắc HIV cao nhất là Yên Thổ 16 ca mắc, Thị
trấn Pắc Miầu 14 ca, Thái Sơn 12 ca, Thái Học 9 ca…
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu không có người
nhiễm HIV mới và giảm tử vong do HIV/AIDS gây ra, trong thời gian tới, Trung tâm Y tế huyện tiếp tục phối
hợp với các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện trong việc
phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường tập huấn kỹ năng tiếp cận, tư vấn cho đội ngũ
cộng tác viên, tuyên truyền viên tuyến xã. Tiếp
tục triển khai hoạt động can thiệp giảm tác hại lây nhiễm HIV tại các xã, thị
trấn. Tư vấn về lợi ích của xét nghiệm HIV, lợi ích của điều trị dự phòng trước
phơi nhiễm HIV và điều trị HIV bằng thuốc ARV, lợi ích của điều trị nghiện các
chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. Thường xuyên chỉ đạo
Trạm Y tế tham mưu cho UBND các xã, thị trấn thành lập các nhóm để thực hiện
tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà
nước về công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Trong những năm qua, mặc dù công tác
phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn huyện Bảo Lâm đã được triển khai kịp thời,
với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cho
người dân. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2024, tỷ lệ phát hiện các ca
nhiễm HIV mới có sự gia tăng đột biến, do vậy rất cần nhận được sự quan tâm
lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp của các cơ
quan, đoàn thể và cộng đồng dân cư trong việc triển khai đồng bộ các biện pháp
dự phòng, can thiệp, từ đó góp phần giảm tỷ lệ mắc mới và giảm tử vong do AIDS
trên địa bàn huyện Bảo Lâm nói riêng cũng như công tác phòng, chống HIV/AIDS
trên địa bàn toàn tỉnh Cao Bằng nói chung.
Đức
Giang