Ngành Y tế Cao Bằng chủ động tăng cường công tác kiểm soát, phòng, chống bệnh sởi
Lượt xem: 253
Từ ngày 28/11/2024 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã xuất hiện các ca sốt phát ban nghi sởi tại huyện Bảo Lâm sau đó là huyện Bảo Lạc rải rác ở các xã trên địa bàn huyện. Trước tình hình này, ngành Y tế đã và đang chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan tại địa phương.

Đoàn công tác Sở Y tế kiểm tra công tác phòng, chống bệnh sởi tại Trung tâm Y tế huyện Hà Quảng. Ảnh: Mai Hoa

Cho đến thời điểm hiện nay theo thống kê của khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cao Bằng, tính từ 01/1/2025 đến 17/2/2025, toàn  tỉnh ghi nhận 1.807 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, 15 trường hợp xét nghiệm dương tính với bệnh sởi. Cụ thể, Bảo Lâm: 1.476 trường hợp; Bảo Lạc 289 trường hợp; Hà Quảng 38 trường hợp; Thành phố Cao Bằng 3 trường hợp, Nguyên Bình 01 trường hợp. Độ tuổi mắc nhiều nhất là từ 1-4 tuổi. Các ca mắc bệnh sởi trên 90% là trẻ chưa được tiêm chủng vắc xin chứa thành phần sởi hoặc chỉ được tiêm 1 mũi vắc xin có chứa thành phần sởi, một số ít trẻ chưa đến độ tuổi tiêm chủng. 

Ngay từ đầu năm, Sở Y tế đã ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường năng lực hệ thống điều trị, tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, cấp cứu, điều trị kịp thời các bệnh nhân bị sởi; rà soát, chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị, nhân lực, sẵn sàng về cơ sở vật chất, giường bệnh, thiết lập khu vực cách ly riêng để khám, điều trị, cấp cứu bệnh nhân sởi. Cùng với đó tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại cộng đồngrà soát, đảm bảo sẵn sàng công tác hậu cần, thuốc, thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”; sẵn sàng hỗ trợ các huyện cấp cứu, điều trị bệnh nhân khi cần thiết; tổ chức kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến y tế cơ sở về phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, cách ly, triển khai các giải pháp phòng chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế.

anh tin bai

Đoàn công tác của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cao Bằng thực hiện hỗ trợ công tác phòng, chống bệnh sởi tại xã Hưng Đạo, huyện Bảo Lạc. Ảnh: Thủy Tiên

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cao Bằng đã chủ động thực hiện triển khai các hoạt động theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế Cao Bằng về tăng cường giám sát chặt chẽ diễn biến dịch sởi; Chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng; giám sát, lấy mẫu các  trường hợp sốt phát ban nghi sởi để xét nghiệm, hướng dẫn các đơn vị thực hiện quản lý ca bệnh, cách ly và xử lý ổ dịch kịp thời tại cộng đồng. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm Y tế huyện, thành phố rà soát trẻ trong Chương trình tiêm chủng mở rộng về tiền sử tiêm chủng và tổ chức tiêm bù, tiêm vét vắc xin sởi (cho trẻ  từ đủ 9 tháng tuổi) và vắc xin sởi – rubella (cho trẻ từ đủ 18 tháng tuổi, rà soát trẻ từ 1-10 tuổi tại vùng nguy cơ, vùng đang có các ca sởi/dịch sởi xảy ra sẽ được tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần sởi theo quy định. Hỗ trợ chuyên môn về công tác phòng, chống bệnh sởi tại các huyện có nhiều ca bệnh như: Bảo Lâm, Bảo Lạc; tham mưu Sở Y tế ban hành Kế hoạch tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch sởi tại huyện Bảo Lạc và huyện Bảo Lâm, hướng dẫn Trung tâm Y tế huyện Bảo Lạc, Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm  xậy dựng kế hoạch  và tổ chức tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi cho trẻ từ 1-10 tuổi trên địa bàn đảm bảo an toàn và hiệu quả. Bên cạnh đó, chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác truyền thông tại cộng đồng và truyền thông trên hệ thông loa phát thanh của các xã, thị trấn, trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong chủ động phòng, chống dịch bệnh sởi. Khuyến cáo người dân cần chủ động đưa trẻ em đi tiêm chủng vắc xin sởi đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế...

anh tin bai

Tiêm phòng vắc xin sởi là biện pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả, giảm nguy cơ mắc và biến chứng do bệnh gây ra. Ảnh: Thủy Tiên

Tiêm phòng vắc xin sởi là biện pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả

Theo Bác sĩ Bế Thị Ngọc Lan, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cao Bằng, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính Biểu hiện của bệnh bao gồm: sốt, phát ban và viêm long đường hô hấp, xuất hiện các hạt nhỏ màu trắng (Koplik) ở niêm mạc miệng. Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong, bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng. Bệnh sởi rất dễ lây lan và thường gây thành dịch. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp do hít phải các dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bắn ra được khuếch tán trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Bệnh sởi có tốc độ lây nhiễm rất cao, đặc biệt trong điều kiện sống khép kín, những nơi tập trung đông người như: khu dân cư, trường học, bệnh viện… hầu hết những người chưa có miễn dịch đều có thể bị mắc bệnh.

Bác sĩ Lan cho biết, tiêm phòng vắc xin phòng bệnh sởi là biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất. Có thể sử dụng vắc xin dạng đơn hoặc phối hợp (sởi - rubelle hoặc sởi - quai bị - rubella).Trẻ nhỏ têm 02 mũi: Mũi thứ nhất khi trẻ đủ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai khi trẻ 18 tháng tuổi.

Thảo Vân

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập