Ngày 24/3 hằng năm được tổ chức Y tế thế giới lựa chọn là Ngày thế giới phòng chống lao, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về những ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh lao tới sức khỏe con người, kinh tế và xã hội; đồng thời thúc đẩy nỗ lực chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu. Tại Cao Bằng, hoạt động phòng, chống lao được ngành Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đẩy mạnh triển khai bằng nhiều giải pháp. Góp phần phát hiện, quản lý, khám và điều trị cho nhiều người bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Viên chức Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thực hiện khám sàng lọc bệnh lao tại xã Triệu Nguyên, huyện Nguyên Bình. Ảnh: Trọng Thụ
Vào ngày 24/3/1882 tại Berlin, Robert Koch đã công bố việc phát hiện ra vi khuẩn lao, mở ra con đường chẩn đoán và chữa khỏi căn bệnh này. Chủ đề Ngày Thế giới phòng chống lao năm 2025 là “Vâng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao: Cam kết, Đầu tư, Thực hiện – Yes! We Can End TB: Commit, Invest, Deliver”. Trên cơ sở Chủ đề Ngày thế giới phòng chống lao Thế giới, chủ đề của Việt Nam là “Việt Nam cam kết, đầu tư, hành động để chấm dứt bệnh lao”. Thông điệp nhấn mạnh sự quyết tâm, đồng hành và cam kết quyết liệt về việc chấm dứt bệnh lao trên toàn thế giới.
Năm 2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật chỉ đạo và phối hợp với Trung tâm Y tế tuyến huyện, thành phố chủ động thực hiện khám, xét nhiệm phát hiện bệnh lao tại cộng đồng. Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thành phố thực hiện khám phát hiện bệnh lao chủ động bằng kỹ thuật 2X tại 21 xã có yếu tố dịch tễ bệnh lao cao và các xã vùng khó khăn. Qua đợt sàng lọc có 1.435 lượt người được chụp phim Xquang kỹ thuật số, xét nghiệm đờm Gene- Xpert 162 mẫu, xét nghiệm Mantoux cho 816 người tiếp xúc hộ gia đình và cán bộ y tế làm nhiệm vụ khám, kê đơn thuốc cho người bệnh lao tại các cơ sở y tế. Qua đó phát hiện 6 ca bệnh lao và 42 ca bệnh lao tiềm ẩn. 100% số ca bệnh phát hiện được tư vấn và đưa vào quản lý điều trị theo hướng dẫn của Chương trình. Thực hiện lấy 805 mẫu đờm sàng lọc chủ động 1X tại 161/161 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Kết quả phát hiện 10 mẫu dương tính với vi khuẩn lao.
Thực hiện Chương trình Chống lao Quốc gia, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thường xuyên duy trì có hiệu quả các hoạt động phòng, chống bệnh lao lồng ghép trong các hoạt động y tế chung; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội tuyên truyền phòng, chống bệnh lao tại địa phương; tổ chức chiến dịch truyền thông Ngày Thế giới phòng, chống bệnh lao 24/3 với nhiều hình thức. Tăng cường chỉ đạo tuyến cơ sở, thực hiện các hoạt động về truyền thông, áp dụng chuyên môn kỹ thuật trong phát hiện, quản lý và điều trị bệnh nhân lao theo đúng quy định của Chương trình chống lao Quốc gia. Trong năm 2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã thực hiện 10 cuộc giám sát thường quy tại tuyến huyện, xã và thăm hộ gia đình bệnh nhân lao, lao kháng thuốc tại các huyện Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình, Thạch An, Hạ Lang, Trùng Khánh.
Hằng năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chú trọng điều tiết kịp thời thuốc chống lao hàng 1 tại các cơ sở điều trị bệnh nhân lao nhạy cảm trên địa bàn tỉnh, đảm bảo người bệnh lao được cấp thuốc đầy đủ, không gián đoạn quá trình điều trị. Tiếp tục duy trì hoạt động khám chữa bệnh, quản lý và cấp phát thuốc cho 40 bệnh nhân tại phòng khám Lao, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Trong năm 2024, có 57 bệnh nhân được chuyển từ các cơ sở y tế tư nhân đến khám tại phòng khám, số người được chẩn đoán bệnh lao là 14 bệnh nhân.
Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chú trọng đầu tư trang bị, máy móc hiện đại như: máy X quang kỹ thuật số, hệ thống thiết bị soi trực tiếp tìm vi khuẩn lao, hệ thống Genexnpert, máy siêu âm, điện tim, hút dịch; cấp thuốc và hỗ trợ trang thiết bị, phòng soi đờm trực tiếp tìm vi khuẩn lao. Trong điều trị, Trung tâm đã triển khai mở rộng áp dụng các kỹ thuật tiến bộ trong việc chẩn đoán bệnh lao, lao kháng thuốc; áp dụng quy trình quản lý và điều trị bệnh nhân lao tiền siêu kháng và siêu kháng thuốc bằng các phác đồ cá nhân. Cập nhật Vitimes trong quản lý bệnh lao; điều trị cho bệnh nhân lao đúng quy định của chương trình… Tất cả người bệnh lao sau khi phát hiện đều được tư vấn đưa vào quản lý điều trị, cấp thuốc định kỳ tại các cơ sở y tế qua nguồn Bảo hiểm y tế hoặc nguồn thuốc chương trình. Đối với người bệnh nặng, nhiều bệnh lý kèm theo sẽ được điều trị nội trú giai đoạn đầu tại bệnh viện tuyến tỉnh, huyện cho đến khi ổn định sẽ chuyển điều trị ngoại trú.
Bệnh lao thường đồng nhiễm với HIV, nếu không được phát hiện sớm và kiểm soát tích cực sẽ càng khiến cho sức khỏe người bệnh nhanh chóng suy giảm, đồng nhiễm thêm nhiều bệnh lý nhiễm trùng cơ hội khác. Chính vì vậy, hoạt động phối hợp lao - HIV cũng được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật quan tâm chú trọng. Trong số 218 bệnh nhân phát hiện Lao mới trong năm 2024 có 180 người được tư vấn khám sàng lọc và làm xét nghiệm HIV trước và trong khi điều trị lao (đạt 83%) không phát hiện trường hợp nào nhiễm HIV mới. Có 05 bệnh nhân nhiễm HIV được điều trị ARV trước khi mắc lao, trong đó lao nhạy cảm 04 ca, lao kháng thuốc 01 ca. Bệnh nhân đồng nhiễm HIV/Lao tuân thủ điều trị tốt.
Công tác phòng, chống lao không là việc riêng của các cấp, các ngành mà cần huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng. Hiện nay, công tác phòng, chống bệnh lao vẫn rất khó khăn, bởi trình độ dân trí, nhận thức của người dân tại các xã vùng sâu, vùng xa còn thấp. Người dân ở cách xa Trạm Y tế luôn mặc cảm, tự ti không đi khám, chữa kịp thời. Để hướng tới “Tiếp cận, điều trị và chữa khỏi bệnh cho mọi người”, đạt mục tiêu thanh toán bệnh lao vào năm 2030, trong thời gian tới Trung tâm Kiểm soát bệnh tật sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống bệnh lao; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế làm nhiệm vụ phòng, chống lao các tuyến; tăng cường công tác sàng lọc, phát hiện bệnh nhân mới, bệnh nhân lao kháng thuốc, bệnh nhân lao/HIV; sử dụng hiệu quả xe Xquang kỹ thuật số lưu động trong triển khai thực hiện “Chiến lược 2X” trong phát hiện sớm bệnh lao, lao tiềm ẩn tại cộng đồng; hỗ trợ cho người bệnh lao có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận với các dịch vụ điều trị… Đồng thời tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ các dự án, chương trình đầu tư các trang thiết bị phòng, chống lao, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong tỉnh được tiếp cận nhiều dịch vụ, kỹ thuật mới, hiện đại và môi trường chăm sóc y tế tốt hơn.
Thủy Tiên