Lợi ích của tiêm chủng phòng bệnh
Lượt xem: 270

Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm gây ra. Tiêm chủng tạo cho cơ thể con người có khả năng đáp ứng miễn dịch để phòng bệnh. 

Tư vấn về lợi ích của tiêm chủng phòng bệnh cho các bà mẹ tại Trạm Y tế xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh. (Đức Giang)


 

Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã được Bộ Y tế đánh giá là một trong những chương trình Y tế công cộng hiệu quả ở Việt Nam. Nhờ có chương trình Tiêm chủng mở rộng, hàng năm chúng ta đã bảo vệ cho hàng triệu trẻ em không bị mắc, không bị chết cũng như các di chứng của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ra; giúp bảo vệ cho hàng triệu phụ nữ và trẻ sơ sinh không bị mắc uốn ván trong sản khoa.

Tiêm chủng đem lại những lợi ích cụ thể như sau:

* Vai trò quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực

Do không bị mắc bệnh nên trẻ được tiêm chủng sẽ phát triển khỏe mạnh, không bị các biến chứng, dị tật do bệnh truyền nhiễm gây ra giúp trẻ phát triển về thể chất và trí não bình thường.

* Bảo vệ sức khỏe chung cho cộng đồng

Việc tiêm chủng không chỉ giúp bảo vệ cho một cá nhân cụ thể mà còn giúp ngăn ngừa bệnh tật cho cả cộng đồng. Đây được xem là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe cho người tiêm và tránh xảy ra các vụ dịch lớn ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng của cộng đồng.

* Giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh truyền nhiễm

Ước tính khoảng 85% - 95% người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh, do đó sẽ không tử vong hay mắc di chứng do bệnh dịch gây ra. Nhờ có vắc xin mà hàng năm trên thế giới đã cứu sống được nhiều trẻ em khỏi nguy cơ tử vong do bệnh truyền nhiễm.

* Vai trò xóa đói giảm nghèo, giảm gánh nặng kinh tế

Tiêm chủng giúp trẻ em phát triển khỏe mạnh, hạn chế ốm đau dẫn đến giảm chi phí khám và chữa bệnh, giảm thời gian và công sức chăm sóc của gia đình. Bên cạnh đó, vắc xin còn có những tác động lâu dài cho cá nhân và cộng đồng, như tăng khả năng và năng suất lao động do không bị ốm đau. Tất cả những điều này góp phần quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Nếu trẻ không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng muộn:

Trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh truyền nhiễm do không có miễn dịch bảo vệ.

Tỷ lệ tiêm chủng thấp dẫn đến dịch bệnh nghiêm trọng xảy ra như dịch sởi, bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản… đã cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em.

Chính vì vậy, vì sức khoẻ của trẻ em hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng tại các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn và cả những vắc xin chưa có trong chương trình Tiêm chủng mở rộng tại các phòng tiêm chủng Dịch vụ. Hãy coi việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng và toàn xã hội.

 

Bs Bế Thị Thanh Thuý

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập