TIẾN TỚI MỤC TIÊU BẢO HIỂM Y TẾ TOÀN DÂN
Lượt xem: 283
Bảo hiểm Y tế là một chính sách xã hội quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thể hiện tinh thần cộng đồng trách nhiệm “Mình vì mọi người” trong khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ. Nhờ chính sách Bảo hiểm Y tế nhiều người đã có đủ chi phí để điều trị khi chẳng may mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo mà cá nhân, gia đình không thể tự trang trải.
Sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết 21 ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị, việc thực hiện chính sách BHYT đã được các cấp, các ngành quan tâm. Tỷ lệ tham gia BHYT không ngừng nâng cao. Hàng năm có hàng triệu lượt người được khám, chữa bệnh BHYT với chi phí ngày càng tăng. Có hàng nghìn bệnh nhân được quỹ BHYT chi trả từ hàng chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm, góp phần làm giảm gánh nặng tài chính của người dân tham gia BHYT, nhất là người nghèo, người cận nghèo… không may mắc bệnh hiểm nghèo, mãn tính. Để đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám, chữa bệnh của người tham gia BHYT, ngành Y tế đã chỉ đạo các đơn vị điều trị tổ chức khám, chữa bệnh, thanh, kiểm tra, giám sát việc bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh khi đến khám, chữa bệnh.
Bệnh viện đa khoa Thành phố quản lý hơn 32 nghìn người tham gia BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu. Bệnh viện đa khoa Thành phố được đầu tư xây dựng khang trang với quy mô 60 giường bệnh, gồm 8 khoa phòng, 63 cán bộ, viên chức, lao động được trang bị nhiều máy móc, thiết bị hiện đại để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Thủ tục khám, chữa bệnh đã có những bước cải tiến tích cực. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện đa khoa Thành phố đã khám, chữa bệnh cho gần 35.000 lượt người có thẻ BHYT. Với tổng kinh phí chi trả trên 8 tỷ đồng.
Gia đình chị Nông Thị Nhình ở Tổ 31, phường Sông Hiến, Thành phố Cao Bằng có 4 người, cả 4 người đều tham gia BHYT, trong đó có 03 người tham gia BHYT tự nguyện. Chị Nhình cho biết: Lợi ích mà BHYT mang lại rất thiết thực bởi vì khi bị ốm đau, rủi ro BHYT hỗ trợ cho người bệnh rất nhiều. Nếu không có BHYT thì những gia đình khó khăn khi bị ốm đau gia đình và bản thân người bệnh không thể cáng đáng nổi viện phí.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh, đến hết tháng 6 năm 2016 toàn tỉnh đã cấp 497.000 thẻ bảo hiểm y tế, chiếm 96,2% dân số. Tuy nhiên phần lớn tập trung ở đối tượng được hỗ trợ 100% BHYT, như: người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuồi, đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, chiếm trên 80% số người tham gia BHYT. Tỷ lệ tham gia BHYT tự nguyện, người lao động trong các doanh nghiệp, hộ cận nghèo còn thấp. Nhiều gia đình, dù biết lợi ích của Bảo hiểm y tế nhưng vẫn chưa thể mua được thẻ bảo hiểm y tế cho mọi thành viên trong gia đình mặc dù mức đóng BHYT tự nguyện đã có sự giảm trừ từ 621.000 đồng/người/năm đối với người thứ nhất, 433.000 đối với người thứ hai và 372.000 đối với người thứ 3… Tuy nhiên đối với người lao động không phải ai cũng tham gia được. Vì vậy, người tham gia BHYT tự nguyện tập chung chủ yếu ở những người thường xuyên ốm đau hoặc mắc các bệnh mãn tính có chi phí chữa trị cao. Bên cạnh đó còn một số doanh nghiệp chưa nghiêm túc thực hiện chính sách BHYT cho người lao động.
Để đạt mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2020, Tỉnh Ủy Cao Bằng đã có Công văn số 1031-CV/TU ngày 02/7/2014 về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế trong đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền các cơ quan, tổ chức, đoàn thể tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện, kết hợp với đánh giá kết quả việc thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị, đưa chỉ tiêu thực hiện BHYT toàn dân là một trong những nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Nông Tuấn Phong, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết: trong thời gian tới ngành Y tế sẽ chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trong toàn tỉnh thực hiện tốt chính sách pháp luật về BHYT trong khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT. Đồng thời đẩy mạnh nâng cao chất lượng dịch vụ y tế để từng bước làm hài lòng người bệnh, nhất là người có thẻ BHYT.
Thực hiện lộ trình BHYT toàn dân cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành. Tăng cường tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Phấn đấu thực hiện mục tiêu Bảo hiểm Y tế toàn dân vào năm 2020.
Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập