Khuyến cáo về an toàn vệ sinh thực phẩm ngày Rằm tháng 7
Lượt xem: 20
Rằm tháng 7 là một trong ba cái Tết quan trọng và lớn nhất của năm đối với người Tày, Nùng ở Cao Bằng. Người dân quan niệm rằng, rằm tháng 7 không chỉ là dịp để gia đình đoàn tụ, tưởng nhớ tổ tiên và cầu mong mưa thuận, gió hòa, làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu. Bởi vậy, bà con mở tiệc ăn mừng, làm cỗ thắp hương mời tổ tiên. Nên vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm luôn là nội dung cần quan tâm.

Ngày Rằm tháng 7 các gia đình sẽ tập trung ăn uống, sử dụng nhiều loại thực phẩm khác nhau, do vậy cần thận trọng khi lựa chọn thực phẩm. (ảnh Trọng Thụ)

 

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng tránh được ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm; bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản thực phẩm đảm bảo vệ sinh.

Vì vậy, người tiêu dùng cần nắm được những kiến thức cơ bản, trách nhiệm trong đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, cũng như cách bảo quản thực phẩm. Bên cạnh đó, người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống phải có trách nhiệm, đạo đức cao trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm để góp phần phòng tránh hiệu quả ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cả cộng đồng.

Lưu ý khi lựa chọn thực phẩm

Sử dụng những thực phẩm tươi thì sẽ đảm bảo món ăn chất lượng hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng thực phẩm khô sẽ vô cùng tiện lợi và dễ chế biến hơn. Do đó, khi chọn thực phẩm khô hoặc đã chế biến sẵn ăn liền, bạn nên tìm những thương hiệu có uy tín, lâu năm, đặc biệt là có giấy chứng nhận đạt vệ sinh an toàn thực phẩm và được công bố tiêu chuẩn chất lượng để mua.

Người tiêu dùng nên đọc kỹ nhãn mác, xuất xứ của sản phẩm, có ghi rõ thành phần và cách chế biến, có tem nhập khẩu của cơ quan có thẩm quyền… Bên cạnh đó, cần chú ý tới màu sắc của sản phẩm, tránh mua nhầm thực phẩm đã bị mốc.

Thận trọng với các chất phụ gia

Do nguyên liệu làm các món ăn không được phong phú và hấp dẫn, nên việc sử dụng thêm các chất phụ gia thực phẩm sẽ làm cho hương vị món ăn trở nên thơm ngon hơn. Tuy vậy, không phải loại phụ gia nào cũng có thể sử dụng được và đạt chất lượng như nhau.

Chính vì vậy, khi chọn mua các chất phụ gia cho món ăn, bạn cần chọn những loại nằm trong danh sách các loại phụ gia được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong thực phẩm. Chọn những chất phụ gia được sản xuất bởi những thương hiệu chất lượng.

Bạn nên tránh mua những sản phẩm sử dụng phụ gia không được phép dùng trong thực phẩm hoặc những mặt hàng được nhập khẩu và sản xuất trong nước không rõ nguồn gốc, để tránh những rủi ro không đáng có.

Tránh ô nhiễm chéo thức ăn

Tránh ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống với bề mặt bẩn. Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm nầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn như dao, thớt để chế biến thực phẩm tươi sống.

Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn, bếp ăn luôn khô ráo, sạch sẽ. Do thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, nên bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn cũng phải được giữ sạch sẽ. Khăn lau bát đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại. Khăn lau sàn nhà bếp cũng phải giặt sạch sẽ.

Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác. Giữ thực phẩm trong hộp kín, chặn, tủ kính, lồng bàn. Khăn đã dùng che đậy thức ăn chín phải được giặt sạch trước khi dùng lại lần nữa.

Cách bảo quản thực phẩm

Bảo quản thực phẩm trong các dụng cụ chứa đựng riêng biệt có nắp đậy hoặc túi nilon sạch.

Thực phẩm sống để ngăn riêng, không để chung với ngăn đựng thực phẩm chín.

Các loại thực phẩm sống khi chế biến ngay trong ngày thì nên để ở ngăn mát còn muốn để lâu hơn thì phải để lên ngăn đá hoặc tủ đông.

Các thực phẩm khi để lên ngăn đá nên dán nhãn tên thực phẩm, ngày bảo quản để dễ quản lý thời gian.

Thực phẩm để trên ngăn đá hoặc tủ đông khi muốn rã đông để chế biến nếu có thời gian nên để xuống ngăn mát sau đó để ra ngoài nhiệt độ thường. Nếu muốn chế biến ngay thì có thể sử dụng chế độ rã đông của lò vi sóng.

Tuy nhiên, không nên để thức ăn sống quá lâu trong tủ lạnh. Ưu điểm của phương pháp bảo quản ở nhiệt độ thấp có thể giúp ức chế sự sinh sản và phát triển của vi khuẩn, giữ cho thực phẩm tươi lâu, không bị bốc mùi. Nhiều nghiên cứu cho thấy thịt, cá để trong tủ lạnh càng lâu càng dễ biến chất, giảm hàm lượng dinh dưỡng và sinh ra nhiều chất gây hại cho sức khỏe người dùng.

 

Đức Giang

 

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập