Huyện Nguyên Bình: Ngộ độc thực phẩm do ăn tiết canh sống
Lượt xem: 26
Theo thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Nguyên Bình vào khoảng 12 giờ ngày 21/7/2024, tại 01 gia đình gồm 08 người thuộc xóm Lê Lợi, xã Triệu Nguyên, huyện Nguyên bình xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm do ăn tiết canh sống mua tại chợ Nguyên Bình.

Tiết canh sống còn lại tại gia đình (Hình ảnh do cán bộ Trạm Y tế xã Triệu Nguyên cung cấp).

 

Sau khi ăn khoảng 2 giờ, con gái của gia đình sinh năm 2010 bắt đầu xuất hiện triệu chứng đau bụng, đi ngoài nhiều lần, buồn nôn và nôn, đau đầu, mệt mỏi. Sau đó, trong khoảng từ 16h chiều cùng ngày, các thành viên trong gia đình lần lượt xuất hiện các triệu chứng buồn nôn, nôn nhiều, đau bụng và đi ngoài phân lỏng nhiều lần. 5 người có biểu hiện nặng hơn được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Nguyên Bình khám và điều trị, không có trường hợp tử vong.

Sau khi nhận được thông tin, Trung tâm Y tế huyện Nguyên Bình đã cử cán bộ y tế đến điều tra, lấy mẫu xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây ngộ độc. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã cử đoàn công tác đến huyện Nguyên Bình để nắm tình hình và phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Nguyên Bình để điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm kịp thời.

Qua theo dõi sức khoẻ các trường hợp mắc, đến chiều ngày 21/7/2024, tất cả các trường hợp đang điều trị tại Trung tâm Y tế và theo dõi tại nhà đều đã ổn định; 5 trường hợp điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Nguyên Bình đã được ra viện.

Thói quen ăn tiết canh lợn của người dân tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm nhiều mầm bệnh nguy hiểm từ sán, tiêu chảy, tả, lỵ đến các bệnh truyền nhiễm từ lợn, đặc biệt là bệnh liên cầu khuẩn.

Tiết canh lợn sẽ trở nên đặc biệt nguy hiểm khi ăn phải tiết của con lợn đang mắc bệnh. Nguồn tiết của con lợn bệnh chứa nhiều vi sinh vật, vi khuẩn, virut, ký sinh trùng... Người ăn tiết canh từ con lợn bệnh sẽ rất dễ nhiễm bệnh từ lợn. Căn bệnh đầu tiên dễ mắc phải khi ăn tiết canh lợn là bệnh lợn gạo hay còn gọi là nhiễm sán dây. Trứng và ấu trừng sán dây trong cơ thể lợn thường giống như hạt gạo. Nó thường khu trú ở trong các bắp thịt lợn (thịt nạc vai nhiều nhất), cả cơ mí mắt, óc, đặc biệt các hạt gạo tập trung chủ yếu phần nhiều gân và mỡ của lợn. Những phần trên cũng thường được dùng để chế biến tiết canh. Người ăn tiết canh của lợn gạo chưa chín kĩ thì có thể sẽ mắc bệnh sau vài tháng. Sau khi vào ruột, đầu ấu trùng ra ngoài, bám vào niêm mạc ruột, phát triển thành sán trưởng thành sau 2 tháng rưỡi. Sán dây cũng phát triển ở người và hình thành nang sán như ở cơ thể lợn.

Một căn bệnh đặc biệt nguy hiểm dễ lây khác có thể dẫn tới hoại tử, tử vong khi ăn tiết canh lợn là bệnh liên cầu lợn. Vi khuẩn liên cầu lợn vào máu, nhân lên nhanh chóng và tiết ra nhiều độc tố gây nhiễm khuẩn máu nghiêm trọng. Khi người ăn tiết canh bị nhiễm khuẩn máu sẽ có các triệu chứng như sốt cao, đau đầu, ù tai, xuất huyết dưới da từng mảng, đôi khi gây hoại tử, xuất huyết tiêu hóa. Người bệnh có thể bị nhiễm độc tố rất nặng dẫn tới sốc nhiễm khuẩn. Biểu hiện của tình trạng sốc nhiễm khuẩn là tụt huyết áp, mạch nhanh, nhỏ, trụy tim mạch, suy hô hấp. Bệnh nhân có thể tử vong nếu không phát hiện sớm để điều trị kịp thời. Một số trường hợp xuất hiện nhiễm độc đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, có máu. Người bệnh cũng có thể bị viêm màng não do vi khuẩn liên cầu lợn, biểu hiện như sốt cao, co giật, nôn vọt, sợ ánh sáng... Nếu không được phát hiện sớm để thể cứu chữa kịp thời sẽ gây phù não, hôn mê và tử vong.

 

Nguyễn Mai - Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm

 

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập