Cảnh báo khi ăn tiết canh sống
Lượt xem: 40
Từ cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2024, trên địa bàn huyện Nguyên Bình liên tiếp xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm do ăn tiết canh sống. Do vậy, Ban Biên tập Trang Thông tin điện tử Trung tâm Kiểm soát bệnh tật xin đưa ra một số lời khuyên, cảnh báo khi ăn tiết canh sống.

Tất cả các loại tiết canh thực chất là máu sống và đều tiềm ẩn rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm, từ tiêu chảy, tả, lỵ, liên cầu khuẩn…

 

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Nguyên Bình vào ngày 21/7/2024, tại 1 gia đình gồm 8 người thuộc xóm Lê Lợi, xã Triệu Nguyên, huyện Nguyên bình xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm do ăn tiết canh sống mua tại chợ Nguyên Bình. Đến ngày 10/8, tại xóm Nặm Kim, xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình cũng tiếp tục xảy ra một vụ ngộ độc gồm 8 người mắc, trong đó có 6 người nhập viện, nâng tổng số ca mắc lên 16 người chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng. Cả 2 vụ ngộ độc đều không có ca tử vong.

Sau khi nhận được thông tin, Trung tâm Y tế huyện Nguyên Bình đã tiến hành điều tra, lấy 5 mẫu bệnh phẩm gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để xét nghiệm. Kết quả, cả 5 mẫu bệnh phẩm đều có vi khuẩn Escherichia coli.

Mặc dù trên các phương tiện thông tin đại chúng đã được các chuyên gia y tế cảnh báo về hiểm họa đối với sức khỏe khi ăn tiết canh gia súc, gia cầm... Nhưng một số người dân vẫn có thói quen ăn tiết canh, do vậy, vấn đề này cần được mọi người nhìn nhận đúng để đảm bảo cho sức khỏe. 

Các chuyên gia về thực phẩm nhận định: Thông thường những người hay ăn tiết canh sẽ có nguy cơ nhiễm các loại bệnh như rối loạn tiêu hóa, nhiễm vi rút, nhiễm ấu trùng sán lợn, nhiễm liên cầu khuẩn...

Trong trường hợp đã ăn tiết canh hoặc các món tái cần chú ý, khi thấy dấu hiệu của cơ thể như: Sốt nóng, sốt lạnh, tiêu chảy, đau đầu, ù tai, cứng gáy, tri giác lơ mơ, hoại tử trên da… Người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời.

Trên thực tế hiện nay, người dân không chỉ ăn tiết canh của những loại động vật như vịt, lợn, dê... mà còn ăn nhiều loại tiết canh của các động vật hoang dã như: trũi, nhím, dơi, chim và cả cá… Quan niệm ăn tiết canh có giá trị dinh dưỡng cao và có thể chữa bệnh là một sai lầm lớn.

Điều có thể gây hại đầu tiên của việc ăn tiết canh, thực chất món tiết canh là ăn máu sống cùng với những loại thịt, xương nên nhiều khả năng có vi khuẩn trong tiết canh. Trong tiết canh có thể mang rất nhiều mầm bệnh, đặc biệt là máu của những con vật như lợn, vịt, dê bị nhiễm bệnh. Vì vậy, khi người ăn tiết canh này có nguy cơ bị nhiễm bệnh như liên cầu lợn, nhiễm sán, giun và bệnh đường tiêu hóa và kể cả viêm não mô cầu. Trong những bệnh này, trường hợp nặng có thể gây tử vong. Đặc biệt trong những năm gần đây, bùng phát nhiều dịch bệnh từ cúm gia cầm, nếu ăn vào sẽ rất nguy hiểm.

Khi ăn tiết canh cũng có nguy cơ nhiễm chất độc từ máu các động vật rất cao. Bởi khi thực hiện lấy máu động vật thì có cả phần máu đen và máu đỏ, máu đen là chất thải độc của con vật hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe.

Để phòng tránh nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, các chuyên gia khuyến cáo mọi người chỉ ăn các món ăn từ gia súc, gia cầm đã được nấu chín. Tuyệt đối không thịt gia súc, gia cầm chết. Không ăn các món ăn tái sống như gỏi, nem chua, đặc biệt là tiết canh.

Sử dụng các phương tiện phòng hộ, rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc, giết mổ, chế biến thịt. Khi có vết thương hở không nên giết mổ lợn hoặc chế biến thịt tươi sống. Vệ sinh các đồ dùng giết mổ, chế biến hay dụng cụ nhà bếp ngay sau khi sử dụng...

Tiết canh lợn, dê, vịt… đều là máu sống, mang mầm truyền bệnh. Tất cả các loại tiết canh thực chất là máu sống và đều tiềm ẩn rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm, từ tiêu chảy, tả, lỵ, liên cầu khuẩn…

Ăn tiết canh dê, vịt.. nhà tự làm vẫn mắc liên cầu khuẩn lợn. Có nhiều trường hợp tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn lợn chỉ vì ăn tiết canh vịt nhà tự làm.

Không cần ăn dài ngày, chỉ ăn tiết canh 1 lần cũng vẫn có thể nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Chỉ cần ăn phải tiết canh có liên cầu khuẩn lợn, người ăn sẽ bị nhiễm bệnh mà không cần là người ăn tiết canh dài ngày.

Tiết không mát và bổ huyết. Tiết canh không có tác dụng chữa bệnh trong Đông y cũng không phải thực phẩm có tính mát.

Ăn tiết canh, sán có thể làm tổ trong não và bất kỳ bộ phận nào trong cơ thể. Biểu hiện của nhiễm nang sán rất phong phú, tùy thuộc vào vị trí mà các nang sán cư ngụ. Ấu trùng sán có thể đi bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể nhưng thường tập trung nhiều ở cơ, mắt và đặc biệt là não.

Điều trị sán não tốn kém và có thể gây tử vong. Nếu điều trị muộn, khả năng tử vong rất lớn hoặc có thể để lại di chứng sau này.

 

Đức Giang

 

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập