Tật khúc xạ học đường học đường và cách phòng tránh
Lượt xem: 487
Tật khúc xạ học đường là một trong những vấn đề đáng lo ngại hiện nay ở lứa tuổi học sinh, nhất là lứa tuổi từ 11 - 15 tuổi, trong đó phổ biến nhất là cận thị. Người bị cận thị khó khăn khi nhìn các vật ở xa, khi nhìn vật từ xa có thể gây mỏi mắt và nhức đầu. Nếu cận thị nặng, võng mạc của mắt có thể mỏng đi, gây tổn thương đến mắt.  

Vệ sinh mắt hàng ngày là việc rất cần thiết, giúp làm giảm những căng thẳng về điều tiết mắt và phòng tránh được tật khúc xạ học đường

Tật khúc xạ là hiện tượng mất tương hợp giữa chiều dài trục nhãn cầu và tiêu cự hội tụ ảnh. Mắt trẻ em trải qua quá trình chính thị hóa, cơ chế phối hợp phát triển hệ quang học và cấu trúc của mắt chưa rõ ràng. Tật khúc xạ là rối loạn thị giác hay gặp nhất, đây là nguyên nhân chủ yếu gây giảm thị lực trên thế giới.

Ở Việt Nam, theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương năm 2017, cả nước ta có gần 5 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học mắc tật khúc xạ, trong đó số trẻ bị cận thị chiếm tới hơn 40% và tập trung chủ yếu ở thành thị.

Tật khúc xạ học đường thường mắc ở tuổi đang đi học, là quá trình học tập, vui chơi giải trí thiếu khoa học, chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, ánh sáng phòng học không đầy đủ, đọc và viết không đúng khoảng cách quy định, đọc truyện, xem ti vi, chơi game nhiều... Những nguyên nhân trên có thể làm ảnh hưởng xấu đến khả năng điều tiết của đôi mắt, làm cho thị lực giảm dần, mắt không nhìn rõ vật ở xa, tầm nhìn hạn chế, chỉ thấy được vật ở gần. Khi thấy trẻ xem chữ trên bảng, học sinh phải nheo mắt, nghiêng đầu, đọc viết chậm, học hành sút kém, trẻ hay kêu nhức mắt, nhức đầu thì giáo viên nên cho trẻ ngồi nơi gần bảng, cha mẹ học sinh cần quan tâm cho trẻ đi khám mắt ở các cơ sở chuyên khoa mắt càng sớm càng tốt, để phát hiện sớm bệnh, tránh không làm tăng độ tật khúc xạ, ảnh hưởng đến kết quả học tập.

Các loại tật khúc xạ thường gặp ở trẻ em

Cận thị: Là một loại tật khúc xạ đáng quan tâm nhất, không chỉ vì hay gặp mà cận thị còn có thể gây bong, rách võng mạc hoặc tăng nhãn áp. Nếu cận thị không được điều chỉnh sẽ làm giảm thị lực và là yếu tố gây cản trở cho sinh hoạt hàng ngày và lựa chọn nghề nghiệp của trẻ trong tương lai.

Viễn thị: Viễn thị là mắt có công suất của quang hệ thấp so với chiều dài trục trước, sau nhãn cầu, do đó các tia sáng song song từ vô cực vào mắt, hội tụ sau võng mạc. Viễn thị ảnh hưởng đến thị lực rất khác nhau tùy theo yếu tố như: mức độ viễn thị, tuổi của người bệnh, tình trạng quy tụ và điều tiết…Đối với trẻ ở độ tuổi đi học, nếu viễn thị không được điều chỉnh sẽ làm giảm chức năng thị giác, ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu và gây cảm giác không thoải mái cho trẻ.

Loạn thị: Có biểu hiện nhìn xa hay gần đều mờ, loạn thị xảy ra khi mặt trước của mắt (giác mạc) hoặc bên trong mắt (thể thủy tinh), có độ cong bề mặt không đồng nhất, theo các hướng khác nhau. Loạn thị làm mờ tầm nhìn ở mọi khoảng cách, loạn thị thường xuất hiện lúc mới sinh và có thể xảy ra kết hợp với cận thị hoặc viễn thị. Các dấu hiệu và triệu chứng của loạn thị bao gồm: méo hình, mờ mắt, mỏi mắt, nhức đầu…

Song thị: Là tình trạng nhìn thấy hai hình ảnh của vật thay vì một. Song thị thường chỉ ảnh hưởng tới một mắt, khi che mắt mắc tật song thị đi, mắt kia vẫn nhìn bình thường.

Nhược thị: Nhược thị hay còn gọi là mắt lười là tình trạng thị lực kém ở một bên hay cả hai bên mắt. Nhược thị gây giảm thị lực thường gặp ở trẻ em với tỷ lệ 1-4%. Đa số các trường hợp nhược thị đi kèm theo lác.

Cách phòng chống tật khúc xạ học đường

Vệ sinh mắt hàng ngày là việc rất cần thiết, giúp làm giảm những căng thẳng về điều tiết mắt và phòng tránh được tật khúc xạ học đường. Dưới đây là một số điều mỗi người cần biết để bảo vệ đôi mắt:

1. Để phòng tránh tật khúc xạ tuổi học đường, cần phải có chế độ học tập, vui chơi ngoài trời hợp lý để mắt được nghỉ ngơi và điều tiết giữa nhìn gần và nhìn xa. Khi đọc sách hoặc làm công việc đòi hỏi phải nhìn gần và tập chung cao thì cứ sau 45 phút cần cho mắt nghỉ ngơi. Khi nghỉ cần đứng lên đi lại và nhìn ra xa khoảng 6m.

2. Phòng học hoặc nơi làm việc nên được chiếu sáng đầy đủ bằng ánh sáng tự nhiên, khoảng cách đọc và viết với học sinh khoảng từ 25 đến 40 cm (tùy lứa tuổi) giữ đúng tư thế ngồi học, bàn học đúng quy cách, nếu đọc sách nên ngồi đọc, nếu làm việc trên máy vi tính nên để màn hình cách mắt ít nhất 50 cm.

3. Chế độ dinh dưỡng hợp lý, nên để cho trẻ ngủ từ 8 đến 10 giờ mỗi ngày, cường độ học tập hợp lý, vệ sinh mắt hàng ngày bằng dung dịch nước mắt nhân tạo.

4. Khám mắt định kỳ tại các cơ sở chuyên khoa mắt để được phát hiện sớm tật khúc xạ, được tư vấn và chỉnh kính hợp lý, phát hiện sớm các tật khúc xạ và điều trị các bệnh mắt khác (nếu có).

5. Đeo kính đúng số, đúng bệnh hoặc phẫu thuật (nếu cần thiết) để phòng tránh nhược thị và hậu quả sau này.

Để phòng ngừa các tật khúc xạ không nên cho trẻ đọc sách, xem ti vi, chơi điện tử quá hai giờ liên tục. Ngoài ra trẻ phải tuân thủ đầy đủ chế độ chế độ giải lao vui chơi và dinh dưỡng hợp lý để không bị mắc phải cận thị học đường hoặc nếu có bị những tật khúc xạ bẩm sinh thì cũng không bị nặng hơn. Cho trẻ đi khám kiểm tra mắt 6 tháng một lần hoặc ngay khi có các biểu hiện nghi ngờ như: mờ mắt, dụi mắt, nheo mắt, nghiêng đầu, cúi sát sách vở... để kịp thời phát hiện và điều chỉnh tật khúc xạ.

Bảo An

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập