Một số phương pháp điều trị viêm tai giữa do sởi
Lượt xem: 33
Bệnh sởi tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của người mắc bệnh. Bệnh viêm tai giữa là một trong những biến chứng phổ biến của bệnh sởi, đặc biệt là ở trẻ em. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm tai giữa có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn.

Bệnh viêm tai giữa là một trong những biến chứng phổ biến của bệnh sởi, đặc biệt là ở trẻ em.

 

Biến chứng viêm tai giữa thường gặp ở trẻ em khi mắc sởi

Viêm tai giữa là một biến chứng thường gặp ở trẻ em khi mắc bệnh sởi. Biến chứng này xảy ra khi vi rút sởi làm suy giảm hệ miễn dịch, làm tổn thương niêm mạc đường hô hấp và tai giữa. Từ đó, tạo điều kiện cho vi khuẩn hoặc vi rút khác xâm nhập, gây viêm nhiễm ở tai giữa.

Biến chứng này khiến bệnh nhân bị đau tai, sốt, thậm chí mất thính lực tạm thời hoặc vĩnh viễn nếu không được điều trị. Khi bệnh tiến triển nặng hơn có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm xương chũm hoặc viêm màng não nếu nhiễm trùng lan rộng.

Triệu chứng khi trẻ có biến chứng viêm tai giữa

- Đau tai, cảm giác đầy tai, ù tai.

- Sốt cao, khó chịu.

- Nghe kém hoặc mất thính lực tạm thời.

- Chảy dịch từ tai trong trường hợp viêm tai giữa có mủ.

Một số phương pháp điều trị viêm tai giữa do sởi

Dùng thuốc hạ sốt và giảm đau: Thuốc phổ biến được sử dụng là paracetamol. Đây là loại khá an toàn, nhưng khi dùng liều cao, kéo dài sẽ ảnh hưởng đến gan. Thời gian để bệnh sởi từ khởi phát đến lành bệnh kéo dài khoảng 2- 3 tuần (trường hợp không biến chứng) và cần dùng thuốc hạ sốt khá dài, gồm:

Giai đoạn khởi phát từ 2- 4 ngày: Người bệnh sốt cao, viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc, nổi nốt hạt (hạt Koplik) nhỏ có kích thước 0,5mm màu trắng/xám có quầng ban đỏ nổi gồ lên trên bề mặt niêm mạc má (phía trong miệng, ngang răng hàm trên).

Giai đoạn toàn phát kéo dài 2- 5 ngày: Sau khi sốt cao 3- 4 ngày người bệnh bắt đầu phát ban, ban hồng dát sẩn, khi căng da thì ban biến mất, xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân. Giai đoạn này bệnh nhân vẫn sốt cao, cho đến khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt mới giảm dần.

Giai đoạn hồi phục: Ban nhạt màu dần rồi sang màu xám, bong vảy phấn sẫm màu, để lại vết thâm vằn da hổ và biến mất theo thứ tự như khi xuất hiện, có thể có ho kéo dài 1- 2 tuần sau khi hết ban.

Với bệnh sởi không biến chứng, thời gian bị sốt cao đã kéo dài 6- 7 ngày, trường hợp có biến chứng thì sốt sẽ kéo dài hơn.

Việc sử dụng thuốc hạ sốt trong thời gian dài có nguy cơ làm men gan tăng cao. Do đó, bệnh nhân cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ; không nên vì thấy sốt không hạ mà tự ý tăng liều hoặc rút ngắn thời gian giữa 2 lần dùng thuốc. Ngoài dùng thuốc, có thể kết hợp với biện pháp lau mát cơ thể nhằm giúp bệnh nhân hạ sốt.

Dùng thuốc kháng sinh: Nếu có dấu hiệu nhiễm trùng thứ phát, bác sĩ sẽ kê đơn kháng sinh để điều trị.

Vệ sinh tai: Người chăm sóc trẻ chú ý giữ vệ sinh tai sạch sẽ, tránh để nước hoặc bụi bẩn vào tai, tránh nhiễm trùng lan rộng.

Bổ sung vitamin A: Giúp tăng cường hệ miễn dịch.

Chăm sóc hỗ trợ: Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, uống nhiều nước và giữ vệ sinh cá nhân.

Nếu tình trạng viêm tai trở nên nghiêm trọng hơn như đau tai dữ dội hoặc mất thính lực, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Cách phòng ngừa biến chứng

Theo dõi điều trị sớm: Đối với bệnh sởi không biến chứng, khi được điều trị, chăm sóc đúng đắn, đầy đủ, bệnh nhân sẽ khỏi sau khoảng 2- 3 tuần. Trong thời gian mắc bệnh, việc theo dõi và điều trị kịp thời là rất quan trọng để ngăn ngừa biến chứng. Đồng thời nếu có biến chứng nếu được phát hiện sớm, nhập viện, điều trị sớm sẽ giúp ngăn ngừa tiến triển nặng hơn.

Dinh dưỡng đầy đủ: Bổ sung các nhóm dinh dưỡng cần thiết bao gồm khoáng chất và vitamin, đặc biệt là vitamin A. Vitamin A là một phần quan trọng trong việc hỗ trợ cơ thể chống lại bệnh sởi. Vitamin A đã được chứng minh là có tác dụng giảm tỷ lệ tử vong và nguy cơ biến chứng ở trẻ em mắc sởi. Bổ sung vitamin A cho trẻ dưới sự hướng dẫn của bác sĩ là một biện pháp quan trọng trong quá trình điều trị sởi.

Vệ sinh và chăm sóc: Vệ sinh cá nhân và môi trường sống sạch sẽ là một phần quan trọng trong việc phòng ngừa lây nhiễm sởi cũng như các biến chứng liên quan. Thường xuyên rửa tay, vệ sinh bề mặt đồ vật để giúp hạn chế sự lây lan của vi rút sởi trong cộng đồng.

 

Đức Giang (T/h)

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập