Bảo vệ nguồn nước từ những hành động nhỏ mỗi ngày
Lượt xem: 2755
Nước là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá là nguồn sống thiết yếu của con người và đông đảo những loài sinh vật trên trái đất. Tuy nhiên, hiện nay việc đảm bảo nguồn nước sạch sinh hoạt của cả nước nói chung và nông thôn nước ta nói riêng đã, đang và sẽ còn ở mức báo động, rất cần sự nỗ lực của cộng đồng, ý thức trách nhiệm của người dân và quyết tâm của cả của hệ thống chính trị.

Nước chiếm khoảng 70% trọng lượng cơ thể và có một vai trò hết sức quan trọng đối với cuộc sống, sức khỏe (chuyển hóa, thải độc, vận chuyển dinh dưỡng và dưỡng khí, điều hòa thân nhiệt…). Nước đồng thời cũng là yếu tố gây nên các bệnh lây nhiễm và các bệnh không lây nhiễm nếu việc cấp nước không tuân thủ đảm bảo an toàn - nước bị nhiễm bẩn. 

Nước là chất quan trọng để các phản ứng hóa học và sự trao đổi chất diễn ra không ngừng trong cơ thể. Nước là một dung môi, nhờ đó tất cả các chất dinh dưỡng được đưa vào cơ thể, sau đó được chuyển vào máu dưới dạng dung dịch. Uống không đủ nước ảnh hưởng đến chức năng của tế bào cũng như chức năng các hệ thống trong cơ thể. Uống không đủ nước sẽ làm suy giảm chức năng thận, thận không đảm đương được nhiệm vụ của mình, kết quả là trong cơ thể tích lũy nhiều chất độc hại. Những người thường xuyên uống không đủ nước da thường khô, tóc dễ gãy, xuất hiện cảm giác mệt mỏi, đau đầu, có thể xuất hiện táo bón, hình thành sỏi ở thận và túi mật. Đối với cơ thể sống, thì thiếu nước là một hiểm họa, thiếu ăn con người có thể sống được vài tuần, còn thiếu nước thì con người không thể sống nổi trong vài ngày.

Nước là yếu tố cần thiết không chỉ cho nguồn sống của con người mà nó còn là nguồn sống cho tất cả sinh vật có trên hành tinh này, vai trò của nước còn cần thiết sử dụng trong sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp...

Nước chiếm 3/4 diện tích trái đất nhưng lại  đến 97% là nước mặn ở những đại dương, chúng ta không thể sử dụng được cho những mục đích hàng ngày và 99.7% trong số 3% nước ngọt lại tồn tại ở dạng băng đá và tuyết. Vậy chỉ còn 0.3% là nước ngọt mà chúng ta  thể sử dụng được cho mục đích sinh hoạt.

Hiện nay, tuy tài nguyên nước bề mặt của Việt Nam tương đối dồi dào, nhưng đó không phải là nước sạch để dùng cho ăn uống, sinh hoạt vì nước sông, suối, ao hồ đều đang bị ô nhiễm nặng. Kể cả nước ngầm nhiều nơi hiện nay cũng đang trở nên ô nhiễm và thiếu do bị khai thác quá mức. Nước mưa cũng có nguy cơ bị ô nhiễm do một số nguyên nhân như không khí ô nhiễm, việc thu hứng để lấy nước mưa không đảm bảo, ví dụ như dùng mái lợp fibroxi măng để hứng nước mưa... Mặc dù vậy, việc kiểm soát, giám sát nước nguồn và nước uống khu vực nông thôn là vô cùng hạn chế, và có thể nói gần như không được kiểm soát.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Tài nguyên nước Quốc tế (IWRA), Việt Nam hiện thuộc nhóm quốc gia “thiếu nước”. Nguồn nước nội địa của Việt Nam đạt trung bình kém, ở mức 3.840 m3/người/năm, thấp hơn 400 m3/người/năm so với mức bình quân toàn cầu. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng dự báo, đến năm 2025 lượng nước bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ còn một nửa con số nêu trên. Đây được xem là một nghịch lý đối với một quốc gia có mạng lưới sông ngòi và hệ thống ao hồ dày đặc.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo về tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam, hiện có khoảng 44% trẻ em bị nhiễm giun; 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng; có khoảng 21% dân số đang sử dụng nguồn nước bị nhiễm Asen, nguyên nhân chính là do thiếu nước sạch và vệ sinh môi trường kém. Báo cáo gần đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra rằng vẫn có đến 30% dân số chưa nhận thức được tầm quan trọng của sử dụng nước an toàn. Vì những lý do đó, WHO xếp Việt Nam vào nhóm nước có tình trạng an ninh nguồn nước đáng báo động, nhất là ở khu vực nông thôn.

Xác định nước sạch là nhu cầu thiết yếu của người dân, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã chú trọng triển khai Chương trình bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn, tập trung đầu tư công trình cấp nước sạch nhằm từng bước cải thiện điều kiện sinh hoạt, vệ sinh, nâng cao sức khỏe cho dân cư nông thôn, giảm bệnh tật, tạo cơ hội xóa đói, giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường hàng năm (từ ngày 29/4 đến ngày 6/5) do Thủ tướng Chính phủ phát động từ năm 1998 và được các Ban ngành Trung ương, địa phương và nhân dân cả nước tích cực hưởng ứng giúp đạt được những kết quả đáng khích lệ về cấp nước và vệ sinh góp phần làm thay đổi chất lượng và điều kiện sống của người dân nông thôn.

Ngày 8/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 318/QĐ-TTg về Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2022-2025, trong đó nhấn mạnh và nâng chỉ tiêu tỷ lệ người dân nông thôn được dùng nước sạch đạt quy chuẩn. Điều này thể hiện sự quan tâm và là quyết tâm của Chính phủ về Chương trình nước sạch nông thôn.

Bên cạnh đó, gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1978/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Chiến lược). Đây được xem là bước đột phá để cải thiện chất lượng nước sinh hoạt vùng nông thôn. Trong đó, Chiến lược đặt ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về cấp nước và vệ sinh nông thôn hướng tới phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân nông thôn, thu hẹp dần khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Theo Chương trình, mục tiêu đến năm 2030, có 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn, tối thiểu 60 lít/ngày. Đến năm 2045, phấn đấu 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững; 50% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 30% nước thải sinh hoạt được xử lý; 100% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi.

Để đạt được mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra các giải pháp cụ thể như: Về cấp nước sạch nông thôn, Chiến lược thực hiện đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung gắn với khai thác, quản lý vận hành theo quy hoạch được duyệt, đảm bảo an ninh nguồn nước, thích ứng biến đổi khí hậu; đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung quy mô lớn, đồng bộ, liên xã, liên huyện, kết nối với hệ thống cấp nước đô thị ở những nơi phù hợp để đảm bảo công trình hoạt động hiệu quả, bền vững; ưu tiên sử dụng nguồn nước từ hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa, đập dâng cho cấp nước sinh hoạt. Tuy nhiên, để thực hiện Chiến lược này thành công, theo các chuyên gia lĩnh vực tài nguyên nước, việc đầu tư phải đủ và triển khai có chọn lọc theo đặc thù của từng vùng miền, địa phương; phải có cam kết mạnh mẽ để “không ai bị bỏ lại phía sau”, đồng thời phải tiếp cận theo hướng đa chiều với sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương.

Nước sạch là tài nguyên quý giá nhưng không phải là vô tận vì vậy mọi người phải có ý thức khai thác bảo vệ và tiết kiệm nguồn nước sạch. Để đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường chúng ta cần thực hiện tốt các biện pháp giữ gìn, bảo vệ nguồn nước, cụ thể như sau:

Giữ sạch nguồn nước: Không chăn thả gia súc - đổ rác gần nguồn nước, không phóng uế bậy, không thải trực tiếp vào nguồn nước sạch, không dùng phân tươi làm phân bón; sử dụng thuốc trừ sâu đúng hướng dẫn. Không vứt rác thải và xác súc vật xuống ao, suối, hồ gây ô nhiễm nguồn nước. Cần hạn chế tối đa việc sử dụng các hóa chất gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước.

Tiết kiệm nước: Giảm lãng phí khi sử dụng nước như: Tắt vòi nước khi không sử dụng; kiểm tra, bảo trì cải tạo tại đường ống, bể chứa nước để chống thất thoát nước; dùng lại nguồn nước bể bơi, nước mưa vào những việc thích hợp như cọ rửa sân, tưới cây...

Xử lý phân người: Ứng dụng tốt các giải pháp để xây dựng các loại cầu tiêu hợp vệ sinh (tự hoại, bán tự hoại, hai ngăn, thấm dội nước)

Xử lý phân gia súc, động vật: Cần có kế hoạch thu gom với hố ủ hợp vệ sinh, chuồng trại cách xa nguồn nước theo quy định vệ sinh, không có nền thấm nước.

Xử lý rác thải sinh hoạt và chất thải khác: Cần có phương tiện chứa rác có nắp đậy kín, đủ sức chứa nhất là rác hữu cơ ở gia đình, khu tập thể cũng như ở nơi công cộng đồng thời có biện pháp xử lý hợp vệ sinh không gây ô nhiễm nguồn nước.

Xử lý nước thải: Cần có hệ thống xử lý nước thải do sinh hoạt (cống ngầm kín) rồi đổ ra hệ thống cống chung, đồng ruộng hoặc sông sau khi đã được xử lý chjung hoặc riêng. Nước thải công nghiệp, y tế phải xử lý theo quy định môi trường trước khi thải ra cộng đồng.

Việc cung cấp nước sạch và đầy đủ là một trong những điều kiện cơ bản để bảo vệ sức khỏe của con người. Bảo đảm nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường sẽ góp phần khống chế được 80% bệnh tật. Bảo vệ môi trường sống để phát triển bền vững phải luôn được thực hiện bằng việc bảo đảm nguồn nước sạch và làm tốt vệ sinh môi trường. Mỗi người chúng ta hãy sử dụng nước một cách hợp lý tránh lãng phí và  ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, tránh làm cho ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.

Bảo An

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập