Quan tâm chăm sóc sức khoẻ lao động nữ, nhân tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ năm 2024.
Lượt xem: 101
Từ năm 1992, Tuần lễ “Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ” đã được các Quốc gia trên toàn thế giới tổ chức từ ngày 1 - 7/8 hằng năm, nhằm khuyến khích sự chung tay hỗ trợ của toàn xã hội để mọi trẻ em đều có cơ hội hưởng nguồn dinh dưỡng không thể thay thế từ sữa mẹ. Tuần lễ “Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ” năm 2024 với chủ đề: “Thu hẹp khoảng cách - Hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ cho tất cả các bà mẹ - Kết nối vòng tay yêu thương”. Nhằm tập trung đẩy mạnh hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ cho tất cả các bà mẹ để giảm bất bình đẳng trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em, đặc biệt tập trung vào hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ trong các tình huống khẩn cấp để không một bà mẹ nào bị bỏ lại phía sau.

Viên chức Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tư vấn, nói chuyện chuyên đề về nuôi con bằng sữa mẹ và phòng chống bệnh nghề nghiệp cho lao động nữ Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Cao Bằng. Ảnh: Ngọc Anh 

Ngày 11/6/2024, Bộ Y tế ban hành Công văn số 3200/BYT-BMTE về việc triển khai Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ năm 2024, theo đó Bộ Y tế đề nghị Sở y tế các tỉnh, thành phố tích cực triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm đảm bảo việc hỗ trợ NCBSM cho tất cả các bà mẹ, đặc biệt các bà mẹ thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố hướng dẫn các khu công nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn triển khai phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo chỉ đạo của Bộ Y tế tại công văn số 3200/BYT-BMTE ngày 11/6/2024 về việc triển khai Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) năm 2024.  Căn cứ điều kiện thực tế, các địa phương tích cực triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời nhằm đảm bảo việc hỗ trợ NCBSM cho tất cả các bà mẹ, đặc biệt các bà mẹ thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố hướng dẫn các khu công nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn triển khai phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Những năm gần đây, do kinh tế phát triển, nhiều công ty, doanh nghiệp, khu công nghiệp mọc lên ở hầu hết các tỉnh, thành ở nước ta đã thu hút một lực lượng lớn nữ công nhân. Tại Cao Bằng, hiện nay có 1.144 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, với khoảng 19.700 lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp, hợp tác xã và các thành phần kinh tế, trong đó lao động nữ là 5.882 người, chiếm tỷ lệ  29,79%.. Tuy nhiên việc chăm sóc sức khỏe (CSSK) cho nữ công nhân tại các doanh nghiệp chưa đáp ứng theo quy định.

Người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng tại nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn đang phải làm việc trong điều kiện chưa đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh lao động. Nữ công nhân làm việc trong các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu, họ luôn phải làm việc trong điều kiện áp lực cao về thể chất và tinh thần. Ngoài các áp lực về tâm lý, họ thường xuyên phải làm việc trong điều kiện phơi nhiễm với các yếu tố tác hại nghề nghiệp khác như: tiếng ồn, bụi, nhiệt độ cao, hóa chất… trong môi trường sản xuất. Điều này cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của họ.

Theo kết quả khảo sát của Ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “Thực trạng đời sống và thực hiện quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con nhỏ của lao động nữ di cư tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” và việc triển khai mô hình điểm về “Chăm lo, bảo vệ quyền cho lao động nữ thông qua đối thoại tại nơi làm việc” cho thấy có ít nhất khoảng 1/3 lao động nữ đang mắc ít nhất một bệnh lý về mặt thể chất, trong đó phổ biến nhất là viêm nhiễm phụ khoa (53,7%). Tại các khu công nghiệp, lao động nói chung và LĐN nói riêng thường phải làm việc trong điều kiện áp lực và cường độ cao (75,5% cảm thấy kiệt sức ở các mức độ từ nhẹ đến nặng); thường xuyên phải tăng ca hoặc làm việc ca đêm (30,3%). Một số bệnh lý phổ biến khác cũng được ghi nhận trong LĐN gồm: bệnh về hô hấp (43,8%); bệnh về tim mạch (42,1%); bệnh về tiêu hoá (39,1%); đái tháo đường (36,8%)… và các bệnh khác như bệnh da liễu, điếc nghề nghiệp… Bên cạnh đó, do công việc ca kíp, việc cho trẻ bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời của công nhân nữ cũng gặp cản trở. Vẫn còn 13% lao động nữ cho trẻ ăn sữa ngoài do không có thời gian vắt trữ sữa. Việc phải lao động nhiều giờ trong môi trường nặng nhọc, độc hại khiến lượng sữa của công nhân nữ bị ít đi, không bảo đảm nguồn sữa cho con. Ngoài ra kiến thức và kỹ năng chăm sóc sức khoẻ sinh sản cũng như thực hành tình dục an toàn của một bộ phận LĐN còn thấp. Trong khi đó, rất đông LĐN bị hạn chế về điều kiện tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, đời sống, để lại nhiều hậu quả đáng tiếc như: Mang thai ngoài ý muốn; mắc bệnh lây qua đường tình dục; nạo, phá thai không an toàn dẫn đến hệ lụy vô sinh.

Việc khám sức khỏe định kỳ cho lao động nữ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của lao động nữ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng lao động chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp. Tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người lao động có xu hướng gia tăng; đặc biệt trong các cơ sở lao động vừa, nhỏ và các ngành nghề có nguy cơ cao như: khai thác, chế biến vật liệu xây dựng, sử dụng hóa chất, khai thác mỏ... Nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra đã gây tổn thất về người và tài sản, để lại hậu quả nặng nề, lâu dài cho người lao động và hệ thống an sinh xã hội.

 

anh tin bai

Khám sức khỏe định kỳ cho lao động nữ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của lao động nữ

Tỉnh Cao Bằng đã trú trọng công tác kiểm tra liên ngành nhân Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động, năm 2024 tỉnh Cao Bằng đã tiến hành kiểm tra đối với 04 đơn vị trên địa bàn tỉnh. Về các nội dung như  lập hồ sơ vệ sinh lao động theo quy định tại Nghị định 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ, tổ chức quan trắc môi trường lao động; Tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp đối với người lao động tiếp xúc với các yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã thực hiện giám sát môi trường lao động và quan trắc môi trường lao động tại một số doanh nghiệp, tham mưu cho Sở Y tế tổ chức Kiểm tra, hướng dẫn việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ tại 3 đơn vị và 1 doanh nghiệp. Nội dung kiểm tra, hướng dẫn gồm: công tác quản lý vệ sinh lao động, quản lý sức khỏe người lao động và bệnh nghề nghiệp như: lập hồ sơ vệ sinh lao động, khám sức khoẻ định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, công tác y tế lao động; thực hiện quan trắc các yếu tố môi trường lao động. Qua kiểm tra đã tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp về những nội dung chưa thực hiện tốt theo quy định. Cụ thể Bộ luật Lao động đã quy định mỗi năm một lần, mọi cơ quan, doanh nghiệp phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ, bao gồm cả người học nghề, thực tập nghề.

Tại điểm b, khoản 2, Điều 7 Luật An toàn, vệ sinh lao động nêu rõ, người sử dụng lao động có nghĩa vụ thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và thực hiện đầy đủ chế độ đối với người lao động mắc bệnh nghề nghiệp.

Thêm vào đó, khoản 2, Điều 21 Luật này cũng quy định, khi khám sức khỏe theo định kỳ cho người lao động, người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.

Do đó, các doanh nghiệp bắt buộc phải tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho những người lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp.

Theo Thông tư 28/2016/TT/BYT ngày 30/6/2016 của Bộ Y tế về hướng dẫn quản lý bệnh nghề nghiệp quy định việc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động được thực hiện từ 1 lần/năm đến 2 lần/năm, tùy đối tượng người lao động.

Thậm chí, số lần khám bệnh trong năm còn có thể nhiều hơn nếu nghi ngờ người lao động mắc bệnh nghề nghiệp cấp tính hoặc do người sử dụng lao động hoặc người lao động chủ động đề nghị.

Cụ thể, thời gian khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động được quy định tại Điều 7 Thông tư 28/2016/TT-BYT và Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 như sau:

Người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: Được khám bệnh nghề nghiệp 2 lần năm (Ít nhất 6 tháng/lần).

Người lao động tiếp xúc với các yếu tố có hại có khả năng mắc bệnh nghề nghiệp: Được khám bệnh nghề nghiệp 1 lần năm (Ít nhất 1 năm/lần).

Người lao động không thuộc các trường hợp trên mà chuyển sang làm nghề, công việc có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp: Được khám bệnh nghề nghiệp 1 lần năm (Ít nhất 1 năm/lần).

Trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nghề nghiệp cấp tính hoặc do yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người lao động: Được khám bệnh nghề nghiệp với số lần không giới hạn theo đề nghị của doanh nghiệp hoặc người lao động.

Chi phí cho việc tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp do người sử dụng lao động chi trả. Khoản chi phí này được hạch toán vào các khoản được trừ để giảm bớt thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp cho công ty (theo Khoản 6 Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động).

Còn theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP, khi khám sức khỏe định kỳ, LĐN được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục khám chuyên khoa phụ sản do Bộ Y tế ban hành. Nghị định cũng khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện cho LĐN mang thai được nghỉ đi khám thai nhiều hơn quy định tại Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội; đồng thời, quy định về việc nghỉ trong thời gian hành kinh của LĐN.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định về việc nghỉ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Theo đó, lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Khuyến khích người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động. Trường hợp người sử dụng lao động sử dụng từ 1000 lao động nữ trở lên thì phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc. Khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi trở lên vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc. Thời gian nghỉ để vắt, trữ sữa mẹ do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động.

Việc khám sức khỏe định kỳ cho lao động nữ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của lao động nữ. Để bảo đảm đúng quyền lợi cho người lao động, cần có sự phối hợp của các ban ngành tiến hành thanh, kiểm tra việc khám sức khoẻ nói chung, bệnh nghề nghiệp nói riêng tại các cơ quan, doanh nghiệp để đơn vị thực hiện đúng và đủ theo quy định của Bộ Y tế.

Chăm sóc sức khỏe cho NLĐ nói chung và LĐN nói riêng không chỉ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn thể hiện sự quan tâm chia sẻ, là sợi dây gắn kết giữa NLĐ và NSDLĐ, giúp cho NLĐ yên tâm công tác, gắn bó với doanh nghiệp, góp phần tăng năng suất lao động, từ đó hoàn thành tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ sản suất kinh doanh mà doanh nghiệp đã đề ra.

                                                                                                Mai Hoa 

 
Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập