Thời tiết giao mùa, trẻ nhập viện tăng
Lượt xem: 735

Sự chênh lệch về nhiệt độ, độ ẩm không khí vào thời điểm giao mùa từ cuối thu sang đông thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây dịch bệnh phát triển khiến số lượng trẻ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, rối loạn đường tiêu hóa, chân - tay - miệng… trên địa bàn tỉnh tăng cao. 

Trẻ em đến khám bệnh tại Phòng khám Nhi - Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Theo ghi nhận từ đầu tháng 10 đến nay, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trẻ em có các biểu hiện liên quan đến đường hô hấp, rối loạn đường tiêu hóa, chân - tay - miệng đến khám và điều trị có chiều hướng tăng, trung bình mỗi ngày có từ 15 - 20 trẻ. Bác sỹ chuyên khoa I Lục Thị Hiệp, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: chỉ tính riêng trong tháng 9, đầu tháng 10, khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận hơn 5.000 lượt bệnh nhi đến khám, điều trị, tăng gấp 1,5 - 2 lần so các tháng khác trong năm.

Bác sỹ chuyên khoa I Bùi Thị Trang, Phó Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: trẻ dưới 6 tuổi hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên không kịp thích ứng với các kiểu thời tiết nóng, lạnh, hanh khô vào thời điểm giao mùa, dẫn đến rất dễ mắc các bệnh do các loại vi khuẩn, vi rút gây ra, đặc biệt là trẻ có hệ miễn dịch suy giảm, suy dinh dưỡng, cơ thể gầy yếu, nguy cơ mắc bệnh càng tăng cao, trong đó, bệnh lý chủ yếu về đường hô hấp, chiếm khoảng 70% trẻ vào viện. Ngoài ra, trẻ cũng dễ mắc các bệnh về rối loạn đường tiêu hóa như: đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy, táo bón… Để phòng, tránh bệnh cho trẻ vào thời điểm giao mùa, theo bác sỹ Trang, các bậc phụ huynh nên chú ý giữ ấm cho trẻ vào các thời điểm về đêm hay gần sáng, khi đi xe máy ra ngoài trời, đặc biệt là luôn giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu cho trẻ. Tăng cường bổ sung dinh dưỡng, các loại Vitamin đầy đủ, hợp lý cho trẻ như: cho trẻ ăn nhiều hoa quả, cân đối các nhóm dưỡng chất, tinh bột, chất đạm, chất béo, Vitamin và khoáng chất… Ngoài ra, vệ sinh sạch sẽ răng miệng và cơ thể hằng ngày giữ vai trò quan trọng trong việc phòng bệnh cho trẻ, giúp tránh được các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp và tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh từ trẻ khác. Có ý thức phòng tránh hiện tượng lây nhiễm chéo bệnh ngay trong cùng một gia đình vì hầu hết các bệnh lý này đều lây qua đường hô hấp nên khi trong gia đình có người bị hắt hơi, xổ mũi, những thành viên khác cần có ý thức phòng tránh bằng cách che miệng khi ho, hắt hơi, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang…

Đối với bệnh chân - tay - miệng, thời gian này không phải là thời điểm cao điểm của dịch, song từ cuối tháng 9 đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng tiếp nhận một số trẻ đến khám, điều trị.  Bác sỹ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thu, Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết: Bệnh chân - tay - miệng có thể do nhiều loại virus gây nên và không có thuốc điều trị đặc hiệu. Trẻ mắc bệnh chân - tay - miệng ban đầu thường có các dấu hiệu sốt nhẹ hoặc sốt cao; trên da xuất hiện các rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối... Một số trẻ có thể đau miệng, bỏ ăn, nôn, tăng tiết nước bọt, tiêu chảy, mệt mỏi, quấy khóc. Khi bị nặng, trẻ sốt rất cao, quấy khóc dai dẳng kéo dài, có dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh… Để điều trị hiệu quả bệnh chân - tay -miệng, phụ huynh cần dùng các thuốc giảm đau, sát trùng niêm mạc miệng như: nước muối 0,9%, Kamistad... Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo loãng, sữa... tắm cho trẻ bằng các loại nước có tính sát trùng nhẹ như nước lá chè, lá chân vịt... Dùng dung dịch Betadin bôi các tổn thương ngoài da sau khi tắm. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống như ăn chín, uống chín, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi... Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Cách ly trẻ bệnh tại nhà trong 10 - 14 ngày đầu của bệnh.

Ngoài nguyên nhân do sự thất thường của thời tiết, hiện nay môi trường sống nhiều khói bụi, ô nhiễm cũng là một trong những nhân tố khiến nhiều trẻ dễ bị viêm nhiễm hô hấp, rối loạn đường tiêu hóa, chân - tay - miệng. Vì vậy, gia đình cần chú ý đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà cửa, đeo khẩu trang cho trẻ; giữ vệ sinh mũi, súc họng sáng, tối bằng nước muối sinh lý. Nếu không may xuất hiện những dấu hiệu bất thường về sức khỏe như: ho, sổ mũi, khó thở, tiêu chảy… cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế nơi gần nhất để thăm khám và điều trị kịp thời.

Kim Xoa 

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập