Thời điểm chuyển mùa, đặc biệt từ mùa lạnh sang mùa nóng hoặc ngược lại, cơ thể con người dễ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi thời tiết, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp, truyền nhiễm, rối loạn tiêu hóa và suy giảm sức đề kháng. Vì vậy, việc đảm bảo một chế độ dinh dưỡng hợp lý trong giai đoạn này là vô cùng quan trọng để duy trì sức khỏe và phòng chống bệnh tật. Sau đây là những nguyên tắc dinh dưỡng quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe trong giai đoạn này.
Bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng
Bổ sung thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh do vi rút và vi khuẩn gây ra. Các loại vitamin như: Vitamin A, C, D, E và khoáng chất như: kẽm, sắt, selen rất cần thiết trong chế độ ăn uống hàng ngày. Vitamin A có nhiều trong cà rốt, bí đỏ, gan động vật; vitamin C dồi dào trong cam, quýt, ổi, súp lơ xanh; vitamin D có trong cá hồi, cá thu, trứng và sữa; kẽm được tìm thấy trong thịt bò, hàu và các loại hạt...
Duy trì chế độ ăn cân đối
Một chế độ ăn cân đối không chỉ giúp cung cấp đầy đủ năng lượng mà còn góp phần hỗ trợ các cơ quan hoạt động hiệu quả. Nên kết hợp hợp lý các nhóm thực phẩm để đảm bảo sự đa dạng và đầy đủ dưỡng chất. Rau xanh và trái cây tươi cần được sử dụng hàng ngày nhằm bổ sung chất xơ, hỗ trợ tiêu hóa, phòng chống táo bón và tăng cường khả năng chống oxy hóa. Đồng thời, nên hạn chế tối đa việc sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, nước ngọt có gas, và các sản phẩm chứa nhiều đường vì chúng dễ làm suy yếu hệ miễn dịch và tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.
Uống đủ nước
Nước là thành phần không thể thiếu trong các hoạt động sinh lý của cơ thể. Trong thời điểm giao mùa, khi tiết trời hanh khô hoặc nóng ẩm thất thường, cơ thể dễ mất nước hơn bình thường. Do đó, cần đảm bảo uống đủ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày để duy trì độ ẩm cho da, hỗ trợ thải độc, lưu thông máu và điều hòa nhiệt độ cơ thể. Ngoài nước lọc, có thể bổ sung nước ép trái cây tươi, nước dừa, hoặc trà thảo mộc để tăng cường sức khỏe và bổ sung thêm vitamin.
Ăn uống hợp vệ sinh và đảm bảo an toàn thực phẩm
Vấn đề an toàn thực phẩm là yếu tố quan trọng không thể bỏ qua trong giai đoạn chuyển mùa, khi nguy cơ ngộ độc thực phẩm và bệnh đường tiêu hóa có xu hướng gia tăng. Cần tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm như: rửa tay sạch sẽ trước khi chế biến và ăn uống, lựa chọn nguyên liệu tươi sống, chế biến kỹ và bảo quản đúng cách. Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm sống như gỏi, nem chua, hải sản tươi sống chưa qua nấu chín nhằm giảm thiểu rủi ro nhiễm khuẩn.
Hạn chế thực phẩm dễ gây dị ứng và rối loạn tiêu hóa
Một số thực phẩm như hải sản, sữa, đậu phộng có thể gây dị ứng hoặc rối loạn tiêu hóa đối với một số người có cơ địa nhạy cảm. Trong thời điểm chuyển mùa, khi hệ tiêu hóa hoạt động kém hiệu quả hơn, cần đặc biệt chú ý theo dõi phản ứng của cơ thể với các loại thực phẩm này. Việc phát hiện sớm các dấu hiệu không dung nạp và điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ tổn thương hệ tiêu hóa và nâng cao khả năng thích nghi của cơ thể.
Tăng cường hoạt động thể chất và duy trì lối sống lành mạnh
Dinh dưỡng hợp lý cần đi đôi với vận động khoa học để đạt hiệu quả tối ưu trong việc bảo vệ sức khỏe. Việc luyện tập thể dục đều đặn không chỉ giúp tăng cường tuần hoàn máu, cải thiện chức năng hô hấp mà còn giúp giảm căng thẳng, nâng cao tinh thần. Có thể lựa chọn các hình thức vận động phù hợp như đi bộ nhanh, đạp xe, bơi lội, yoga, tập thể dục tại nhà hoặc ngoài trời với cường độ vừa phải từ 30 - 60 phút mỗi ngày. Bên cạnh đó, việc duy trì lối sống lành mạnh như ngủ đủ giấc, giữ tâm lý tích cực, tránh sử dụng rượu bia và thuốc lá cũng là yếu tố không thể thiếu để tăng cường sức đề kháng.
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, đặc biệt trong thời điểm chuyển mùa. Việc duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất kết hợp với lối sống khoa học sẽ giúp cơ thể thích nghi tốt hơn với thời tiết, tăng cường sức đề kháng và phòng ngừa bệnh tật. Các gia đình hãy chủ động điều chỉnh chế độ ăn uống để luôn có một cơ thể khỏe mạnh trong thời điểm chuyển mùa.
Hoàng Trang (St)