Phòng bệnh mùa Đông - Xuân cho trẻ
Lượt xem: 662
Bước vào mùa Đông - Xuân, sự thay đổi đột ngột của thời tiết sẽ làm xuất hiện rất nhiều dịch bệnh, nhất là ở trẻ em do sức đề kháng còn kém, dễ mắc một số bệnh như: viêm đường hô hấp, cảm cúm, viêm họng, viêm phổi, thủy đậu… các bậc cha mẹ cần có những biện pháp phòng tránh cho trẻ.

Trẻ bị viêm đường hô hấp vào điều trị tại Khoa Nhi - BVĐK tỉnh

Thời tiết bắt đầu chuyển mùa cũng là lúc các loại vi rút hợp bào phát triển rất nhanh. Vi rút này có trong không khí, khi xâm nhập vào cơ thể, trẻ em dễ mắc bệnh hơn người trưởng thành do chưa phát triển thể chất một cách đầy đủ và hệ thống miễn dịch cũng còn rất non yếu chưa đủ để tạo ra miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh. Đây là một loại vi rút nguy hiểm có khả năng làm cho trẻ bị viêm đường hô hấp, tùy theo từng mức độ từ nhẹ đến nặng. Bệnh lây truyền qua đường miệng, nước bọt, tiếp xúc tay và các đồ dùng để ăn uống. Khi bắt đầu nhiễm bệnh trẻ có thể đột ngột sốt cao, đau đầu, đau họng, lạnh toàn thân, ho, mệt mỏi, chán ăn sau đó khó hít thở và tiêu chảy nhẹ.

Các bệnh thường gặp mùa Đông  - Xuân :

Các bệnh đường hô hấp hay gặp nhất ở trẻ vào mùa Đông - Xuân là viêm mũi xuất tiết, viêm họng cấp, viêm VA (Vegetation Adenoide), viêm Amiđan cấp hoặc hốc mủ, viêm xoang... với các triệu chứng thông thường là sốt, chảy nước mũi, ngạt mũi, ho… nếu không được điều trị kịp thời có thể làm bệnh nặng lên.

Thời tiết này, trẻ cũng rất dễ mắc bệnh Tiêu chảy, bệnh Tiêu chảy có thể do vi khuẩn, do ngộ độc thức ăn, do ký sinh trùng đặc biệt là do Rotavirus gây nên. Bệnh tiêu chảy do Rotavius có thể gặp quanh năm nhưng thường gặp nhất vẫn là mùa Đông - Xuân. Bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, dễ gây thành dịch, nếu không phát hiện và xử trí kịp thời có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ.

 Ngoài ra, mùa Đông - Xuân cũng là điều kiện thích hợp khởi phát cho các bệnh như: thủy đậu, sởi, chàm, mày đay... dễ xuất hiện và tái phát.

Các bậc cha mẹ thường chủ quan, khi thấy trẻ có các dấu hiệu như: ho, sổ mũi, biếng ăn, sốt nhẹ nhưng không đưa trẻ đến các cơ sở y tế khám và điều trị mà tự ý đi mua thuốc về uống. Vì vậy, nhiều trẻ khi nhập viện bệnh đã nặng, sốt cao, co giật.

Các bệnh viêm họng, viêm Amidan, viêm V.A, cảm cúm, thủy đậu nếu không chữa trị kịp thời, đúng thuốc đều có thể biến chứng dẫn đến bệnh khớp, phổi. Riêng đối với viêm phổi, phác đồ điều trị phải dùng kháng sinh tiêm và phải điều trị từ 7-8 ngày là khỏi bệnh, tuy nhiên cũng có những trường hợp kháng thuốc nên phải điều trị lâu hơn. Đặc biệt, tình trạng trẻ bị viêm phổi nặng sẽ rất dễ dẫn đến suy hô hấp, nguy hiểm tới tính mạng của trẻ.

Phòng bệnh cho trẻ trong mùa Đông - Xuân:

Khi chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột trẻ rất dễ bị nhiễm lạnh. Vì vậy để phòng các bệnh cho trẻ nhỏ trong mùa Đông - Xuân, các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ cần: Giữ ấm cho trẻ, nhất là các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Tuy nhiên cũng cần chú ý không nên mặc quá nhiều áo, có thể làm trẻ bị toát mồ hôi và ngấm ngược lại vào cơ thể gây cảm lạnh, sốt cao.

Tạo môi trường sinh hoạt thông thoáng, tránh cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, hạn chế đưa trẻ đến chỗ đông người, nhất là trẻ nhỏ dưới 3 tuổi bởi sức đề kháng còn kém. Trường hợp đưa trẻ ra ngoài phải đeo khẩu trang; Nên cho trẻ tắm trong phòng kín, tránh gió lùa và tắm nhanh; Nên nhỏ mũi hằng ngày cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý để làm sạch mũi, hạn chế bụi và vi sinh vật bám vào niêm mạc mũi họng.

Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày, đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, giữ ấm nhà cửa; Cần cho trẻ ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.

Đối với trẻ bị Tiêu chảy, cần cho trẻ đi khám bệnh để xác định nguyên nhân gây bệnh và có chỉ định điều trị thích hợp, không nên tự ý cho trẻ uống thuốc. Thông thường, trẻ Tiêu chảy dù là nguyên nhân gì cũng cần được bù nước và chất điện giải tại gia đình bằng cách cho trẻ uống dung dịch Orezol.

Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà…).

Để chủ động phòng bệnh, các bậc phụ huynh cần tuân thủ nguyên tắc là tiêm phòng đầy đủ, cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho trẻ. Khi thấy trẻ có dấu hiệu mắc bệnh hô hấp như: chảy nước mũi, ho, sốt cao, thở khò khè, bú kém, rối loạn tiêu hóa..  thì cần đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh để bệnh diễn biến nặng sẽ khó điều trị và có thể gây biến chứng nguy hiểm.

 

Mai Hoa

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập