Theo thông báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc Gia, từ ngày 17/4 - 25/4/2025 là đợt nóng nắng, nhiệt độ tăng cao. Thời tiết này là điều kiện thuận lợi cho một số loại vi rút, vi trùng phát triển nên càng dễ mắc bệnh. Để hạn chế tối đa những ảnh hưởng có hại đến sức khỏe của nắng nóng, người dân cần tăng cường áp dụng những biện pháp phòng, chống nắng, nóng.
Khám, tư vấn, truyền thông,
giáo dục sức khoẻ cho người dân xóm Lũng Mầm, xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm về phòng
chống một số bệnh thường gặp trong mùa nắng nóng.
Ngoài ra, nắng nóng còn có
thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người
khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Thời tiết nắng, nóng làm cơ thể
ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải, đặc biệt là ở trẻ em dễ dẫn đến mắc
các bệnh rối loạn chuyển hóa. Thời tiết nắng nóng làm cho thức ăn, thực phẩm dễ
bị ôi, thiu, dễ nhiễm nấm và vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh tiêu đường tiêu
hóa. Bên cạnh đó, khi chống nóng bằng biện pháp bật quạt gió mạnh trực tiếp vào
người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp gây nên nhiễm lạnh, viêm phổi… Do vậy, người dân cần tăng
cường áp dụng những biện pháp phòng, chống nắng, nóng như sau:
Uống
nhiều nước: Nắng nóng làm cơ thể ra mồ hôi nhiều nếu
không được bù nước đầy đủ sẽ gây mất nước, điện giải; cần bổ sung đầy đủ, điều độ
nước hàng ngày, thậm chí hàng giờ để chống nắng nóng và bù lượng nước bị mất
đi. Đây chính là biện pháp đầu tiên, dễ thực hiện và rất hiệu quả để chống nắng
nóng. Không nên uống nước đá, nước lạnh hay nước ngọt có ga bởi nó chỉ khiến cơ
thể thêm phần mất nước. Tốt nhất là chọn các loại nước như: Nước lọc, nước ép trái cây,
nước ép rau xanh nguyên chất…
Điều
chỉnh chế độ dinh dưỡng: Để tăng cường sức đề kháng
hiệu quả, cần ăn chế độ ăn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng và có sự thay đổi, luân
phiên trong việc chế biến các món ăn; nên ăn thức ăn dễ tiêu hóa, thức ăn nhiều
nước; ăn nhiều những thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể để chống
nắng nóng như: Trái cây, rau xanh, chè hạt sen, sữa chua, sữa tươi…
Mặc trang phục mát: Mặc đồ nhẹ, rộng, ví dụ như đồ cotton để dễ toát mồ hôi; ra đường cần mặc kín, tránh
quần áo quá dày và tối màu vì sẽ dễ hấp thụ nhiệt. Đội nón rộng vành, ưu tiên
loại có các lỗ thông hơi. Đeo kính mát để bảo vệ mắt... Ngoài ra, cần tắm rửa thường xuyên
và giữ vệ sinh sạch sẽ để tránh mắc các bệnh truyền nhiễm.
Giữ nhà
cửa thông thoáng: Cần mở hết cửa sổ nếu nhiệt
độ bên ngoài gần bằng hoặc thấp hơn nhiệt độ trong nhà. Cửa sổ mở sẽ giúp điều
hòa không khí tự nhiên, đưa nhiệt ra ngoài và gia tăng luồng luân chuyển không
khí trong nhà. Lưu ý: Tắt đèn, các thiết bị điện không cần thiết vì thiết bị này tỏa nhiệt
nóng.
Tránh
xa ánh nắng: Nếu cần thiết phải ra nắng
thì cần cố gắng chỉ ra nắng trong thời gian ngắn và phải thoa kem chống nắng.
Ngay khi cơ thể có cảm giác mệt và say nắng, cần nhanh chóng tránh ánh nắng chiếu
trực tiếp, đặc biệt là tránh nắng vào khoảng 11 giờ trưa đến 3 giờ chiều vì đây
là thời gian ánh nắng nguy hiểm nhất. Không nên tập thể dục quá nhiều vào
các thời điểm nắng gắt trong ngày; thay vào đó, có thể chạy bộ, đi bộ vào lúc mặt trời gần mọc
hay lặn. Tập luyện từ từ để thích ứng với không gian dưới ánh nắng. Nếu thấy
khó thở được hoặc tim đập mạnh, cần dừng tập và cố gắng làm mát cơ thể, ví dụ
như xả nước mát. Nghỉ ngơi nếu thấy lả người hay hoa mắt chóng mặt…
Khi
dùng quạt và điều hòa cần lưu ý: Hạn chế gió quạt lùa thẳng vào người, đặc biệt
đối với trẻ nhỏ, nếu bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều
hòa quá thấp sẽ bị nhiễm lạnh. Nếu sử dụng điều hòa nên để nhiệt độ từ 28- 29 độ và hạn chế thay đổi
môi trường đột ngột từ trong nhà điều hòa ra ngoài trời nắng nóng, hoặc ngược lại.
Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, Cục Y tế Dự phòng (Bộ
Y tế) khuyến cáo người dân
thực hiện các biện pháp sau:
Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không
thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ,
mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng.
Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động
ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối
loãng, nước pha Oresol… Tuy
nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.
Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không
để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.
Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn
thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng
cường sức đề kháng của cơ thể.
Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với
xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh;
vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc
hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ
em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ
phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Ngọc Anh (St)