Chăm sóc bệnh viêm phổi ở người cao tuổi tại nhà đúng cách
Lượt xem: 133
Người cao tuổi có sức đề kháng yếu và các chức năng trong cơ thể đều suy giảm nên dễ khiến mầm bệnh tấn công. Đặc biệt khi giao mùa, thời tiết thay đổi là điều kiện thuận lợi để các loại vi rút, vi khuẩn phát triển mạnh và xâm nhập vào hệ hô hấp trong đó có viêm phổi.

Tư vấn chăm sóc sức khoẻ cho người dân tại Trạm Y tế xã Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình.

 

Người cao tuổi có sức đề kháng kém, nhiều người có mắc các bệnh mạn tính nên hệ hô hấp dễ bị tổn thương và dễ bùng phát các đợt cấp do bội nhiễm vi khuẩn. Các tác nhân xâm nhập, tấn công vào đường hô hấp dưới làm phổi bị tổn thương nặng gây suy hô hấp cấp tính, nguy cơ tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Nguyên nhân viêm phổi có rất nhiều trong đó thường thấy là vi sinh vật gây bệnh (vi khuẩn, vi rút, vi nấm), do khói bụi (môi trường ô nhiễm, khói bếp, thuốc lá, thuốc lào) hoặc người cao tuổi ít vận động, nằm lâu do liệt…

Trong khi hiện nay thời tiết giao mùa, người cao tuổi cũng dễ gặp các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là người có bệnh mạn tính có nguy cơ biến chứng.

Các nghiên cứu cho thấy thủ phạm chính gây nên viêm phổi ở người cao tuổi là các vi khuẩn, vi rút sẵn có ở mũi, họng; lúc cơ thể đang suy yếu vì nhiễm lạnh, sức đề kháng của cơ thể suy giảm chúng tấn công vào đường hô hấp và gây bệnh; điển hình là vi khuẩn phế cầu và một số vi rút đường hô hấp, vi nấm.

Trong một số trường hợp, bệnh viêm phổi bị lây bệnh ngay trong bệnh viện (nhiễm khuẩn bệnh viện) do đi khám bệnh hoặc nằm viện điều trị một bệnh nào đó; đáng lo ngại nhất là người cao tuổi mắc bệnh viêm phổi mà tác nhân gây bệnh là vi rút, với vi rút thì hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, việc chăm sóc đúng cách là vô cùng quan trọng.

Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, đối với trường hợp điều trị ngoại trú người bệnh cần phải chú ý những điều sau:

Uống thuốc theo đơn: Luôn uống đúng và đủ các loại thuốc bác sĩ đã kê, không tự ý đổi thuốc, dừng uống thuốc... vì khi chưa hết đơn thuốc chỉ định có thể thể làm vi khuẩn tiếp tục sinh sôi và bệnh viêm phổi sẽ quay lại.

Người bệnh cần phải tăng cường bù nước: Bù nước để lưu thông đường thở cho người bệnh bằng cách thường xuyên nhắc nhở uống nhiều nước (2-3 lít/ngày) để làm loãng đờm và dễ long đờm, uống nhiều nước còn bù lại lượng nước mất do sốt, thở nhanh; có thể bổ sung nước ép trái cây hoặc sinh tố trái cây cho người bệnh.

Cần lưu thông đường thở: Điều quan trọng trong chăm sóc bệnh nhân viêm phổi là cần phải tăng cường lưu thông đường thở cho bệnh nhân; sự tiết dịch ở đường thở làm cản trở trao đổi, làm tăng nhiễm bẩn đường thở, làm chậm quá trình khỏi bệnh.

Chú ý làm ẩm và nóng không khí hít vào cũng làm loãng đờm và dễ long đờm; bệnh nhân có thể đeo khẩu trang, hít vào bằng đường mũi rồi thở ra qua miệng, môi khép kín.

Cần thay đổi tư thế nếu có thể: Khi ho, người bệnh nên ho ở tư thế ngồi và hơi cúi về phía trước, đầu gối và hông ở tư thế gấp để cơ bụng mềm và ít căng cơ bụng khi ho, hít vào chậm qua mũi thở ra qua môi mím; tránh quá sức khi ho sẽ gây tổn thương cho phổi.

Nên để bệnh nhân bị viêm phổi nằm nghỉ trên giường bệnh để giảm tiêu hao năng lượng, thay đổi tư thế thường xuyên; để bệnh nhân nghỉ ngơi nhiều; cẩn thận với tình trạng bệnh ngay cả khi đã cảm thấy khỏe hơn, bởi vì viêm phổi có thể tái phát.

Cần theo dõi sát: Quan sát và theo dõi thường xuyên thể trạng người bệnh, tình trạng tinh thần; chú ý tới các dấu hiệu nhiễm khuẩn như: môi khô, lưỡi dơ, mắt trũng, sốt; khó thở có thể xuất hiện sau vài giờ, tím môi tùy thuộc vào mức độ bệnh, khó thở có thể nặng và diễn tiến xấu.

 

Đức Giang

 

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập