Nâng cao hiệu quả bền vững Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” tại huyện Quảng Hoà
Lượt xem: 326
Quảng Hòa là một trong những địa phương của tỉnh Cao Bằng được thụ hưởng Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn Ngân hàng Thế giới. Thực hiện các mục tiêu của chương trình trong lĩnh vực y tế, thời gian qua, ngành Y tế đã chủ động, tích cực triển khai các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả chương trình, qua đó góp phần cải thiện điều kiện cung cấp nước sạch, vệ sinh; thay đổi hành vi vệ sinh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao sức khỏe và chất lượng sống cho người dân nông thôn.

Viên chức Trung tâm Kiểm soát bệnh tật kiểm tra việc thực hiện Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” tại xã Tự Do, huyện Quảng Hoà.

Quảng Hòa là một huyện miền núi gồm 19 xã, thị trấn với 5 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 15 xã thuộc xã đặc biệt khó khăn. Những năm qua, với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Tuy nhiên, kinh tế còn thiếu thốn, nhận thức của một bộ phận người dân về chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng còn hạn chế, trong đó có việc cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nông thôn, sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh ở các khu vực… 

Với mục tiêu cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường (VSMT), tăng cường tiếp cận bền vững nước sạch và vệ sinh nông thôn, tăng độ bao phủ nước hợp vệ sinh ở các khu vực, để thực hiện hiệu quả chương trình, hằng năm Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và UBND huyện đã phối hợp xây dựng và ban hành kế hoạch truyền thông thay đổi hành vi, đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh triển khai các hoạt động tại địa bàn các xã tham gia chương trình. Trong đó, hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực cho cán bộ tham gia chương trình các cấp luôn được ngành Y tế chú trọng triển khai từ đầu. 

Những năm qua, công tác xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình dựa vào cộng đồng được triển khai trên địa bàn huyện đã góp phần đưa các xã đạt tiêu trí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, hộ gia đình hoàn thành tốt các chỉ tiêu về tỷ lệ vệ sinh toàn xã bền vững.

Triển khai chương trình, mạng lưới cộng tác viên huyện được phủ khắp 100% số xã, thị trấn, cán bộ tham gia được cập nhật thường xuyên các kiến thức, kỹ năng mới; 100% các xã, thị trấn được triển khai, công tác y tế thôn bản và có cán bộ phụ trách công tác VSMT được tập huấn hằng năm, trong đó có công tác xây dựng nhà tiêu và sử dụng nhà tiêu đúng cách; tại huyện có viên chức y tế phụ trách VSMT.

Từ năm 2019 đến hết tháng 06/2021, tại huyện Quảng Hòa, Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn Ngân hàng Thế giới đã xây mới 2 nhà vệ sinh tại Trạm Y tế xã Hồng Quang và xã Chí Thảo; nhà tiêu hợp vệ sinh được triển khai tại 7 xã trong huyện, trong đó xã Phi Hải 202 NVS, Chí Thảo 201 NVS, Phúc Sen 19 NVS, Hạnh Phúc 28 NVS, Hồng Quang 28 NVS, Quốc Toản 24 NVS, Cách Linh 34 NVS. Duy trì các xã bền vững về vệ sinh môi trường đã kiểm đếm như: Độc Lập, Tự Do, Bế Văn Đàn, Mỹ Hưng, Ngọc Động.

Năm 2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Quảng Hoà triển khai hội nghị cấp huyện về công tác VSMT với 50 đại biểu tham dự. Tổ chức tập huấn quy mô tuyến huyện cho 50 học viên là cán bộ phụ trách vệ sinh môi trường các Trạm Y tế xã, thị trấn và Ban Chỉ đạo; mở 8 lớp tuyến xã với gần 300 học viên là thành viên Ban Chỉ đạo cấp xã và trưởng xóm, thôn bản. Tổ chức truyền thông trực tiếp cho nhân dân thông qua giám sát tại nhà được 543 lượt hộ dân; cấp phát tranh treo tường cho tuyến xã với nội dung phòng, chống các bệnh do chất thải gây ra, dẫn đến ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, công tác giám sát triển khai chương trình tại huyện được tổ chức thường xuyên, bao gồm giám sát mạng lưới hướng dẫn quản lý ghi chép sổ sách, biểu mẫu báo cáo, các hoạt động truyền thông và giám sát. Qua giám sát, các công trình được xây dựng đúng tiến độ, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Hàng tháng cán bộ phụ trách công tác VSMT Trung tâm Y tế huyện giám sát công tác VSMT tại các Trạm Y tế xã theo kế hoạch, bảo đảm mỗi xã được giám sát mỗi tháng 1 lần; triển khai các đợt giám sát lồng ghép với công tác khác, phối hợp cùng đoàn giám sát tuyến tỉnh giám sát các xã kiểm đếm; cán bộ Trạm Y tế xã và Y tế thôn bản giám tại nhà, thường xuyên bảo đảm mỗi tháng 1 lần. Thông qua đó, góp phần cải thiện kiến thức cũng như các kỹ năng trong giám sát, quản lý hệ thống sổ sách, báo cáo cán bộ phụ trách công tác VSMT, hỗ trợ ghi chép sổ sách, thực hiện báo cáo, hướng dẫn cán bộ Trạm Y tế xã, y tế thôn bản, người dân về sử dụng và bảo quản nhà vệ sinh.

 Truyền thông giáo dục sức khoẻ về VSMT bằng các hình thức phù hợp như: Phát động chiến dịch truyền thông nhân ngày VSMT thế giới với các hình thức: treo băng rôn truyền thông về VSMT tại các trục đường chính của thị trấn; phối hợp với Trung tâm Văn hoá và Thông tin truyền thông huyện phát các chương trình truyền thông về sức VSMT; tổ chức hội thảo về VSMT tại huyện và các xã, thị trấn; duy trì các hoạt động truyền thông trực tiếp cho người dân tại các thôn bản, truyền thông lồng ghép với các hoạt động khác.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tính đến năm 2021, tỷ lệ hộ gia đình ở nông thôn của huyện Quảng Hòa có nhà tiêu hợp vệ sinh mới đạt 73%, thấp hơn so với mục tiêu đề ra (80%) của Chương trình mục tiêu Quốc gia Nước sạch và VSMT nông thôn giai đoạn 2016 - 2020; tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh phân bố nhiều ở các thị trấn, các xã trong huyện còn thấp; sự vào cuộc và phối hợp giữa một số đơn vị ở địa phương chưa thường xuyên và quyết liệt, chưa tương xứng với yêu cầu thực tế khách quan.

Bác sĩ Đàm Văn Phó - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quảng Hoà cho biết: Để đảm bảo đúng tiến độ thực hiện chương trình đã đề ra, Trung tâm Y tế chỉ đạo các khoa, phòng chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện để đảm bảo đúng tiến độ chương trình đã đề ra và triển khai thực hiện có hiệu quả.

Để duy trì tính bền vững các công trình được đầu tư, mang lại hiệu quả thiết thực đối với cuộc sống người dân, cần tăng cường giám sát hỗ trợ, chỉ đạo tuyến, công tác đào tạo tập huấn cho tuyến huyện, xã thiếu hụt về chuyên môn, về quản lý để hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu giao; chỉ đạo hướng dẫn tuyến huyện trong công tác truyền thông VSMT tại cộng đồng sâu rộng tạo sự chuyển biến nhận thức về VSMT trong nhân dân.

 

Đức Giang

 

 

1 2 
Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập