Nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh lao động cho người lao động
Lượt xem: 5
Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2025, với chủ đề “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc” (diễn ra từ ngày 1/5 đến ngày 31/5), nhằm góp phần nâng cao nhận thức và hành động người sử dụng lao động, của người lao động và cộng đồng về việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Người lao động cần chủ động bảo vệ mình trước tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Ảnh: Minh Yên

Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người lao động, làm suy giảm sức khỏe người lao động, thậm chí gây tàn tật, tử vong. Bên cạnh đó, các đơn vị sử dụng lao động, chủ doanh nghiệp có người bị tai nạn lao động cũng phải chịu trách nhiệm đối với các chi phí y tế, bồi thường, trợ cấp cho người bị tai nạn lao động, chưa kể đến uy tín của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, các hoạt động sản xuất cũng bị gián đoạn.

An toàn vệ sinh lao động đã được chú trọng

Công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), chăm lo cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo vệ sức khỏe người lao động là chính sách kinh tế - xã hội lớn của Đảng và Nhà nước, là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Ngày 10/3/2024, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ATVSLĐ trong tình hình mới, tiếp tục phát huy thành tựu sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 29-CT/TW về đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. 

Hệ thống pháp luật về ATVSLĐ đã từng bước được hoàn thiện, phù hợp với các quy định, công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Quốc hội đã thông qua 2 bộ luật, 2 luật liên quan đến ATVSLĐ, trong đó năm 2015, Quốc hội thông qua Luật ATVSLĐ. Luật ATVSLĐ thay đổi cơ bản về cách tiếp cận, lấy phòng ngừa làm nguyên tắc cơ bản, đồng thời mở rộng sang cả khu vực đối với người không có quan hệ lao động.

Từ năm 2013 đến 2023, Chính phủ đã ban hành 17 nghị định (trong đó có 8 nghị định liên quan đến an toàn lao động (ATLĐ) trong các lĩnh vực đặc thù), các bộ ban hành 135 thông tư (trong đó có 30 thông tư liên quan đến ATLĐ trong lĩnh vực đặc thù). Các địa phương đã ban hành nghị quyết và các quyết định và nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSLĐ phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Theo báo cáo của các bộ, ngành Trung ương, trong 10 năm, đã có khoảng 50.000 số lượng tin, bài, cuộc phổ biến, tuyên truyền pháp luật về ATVSLĐ. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã in ấn, phát hành 51.438.143 tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu, áp phích, tranh, áp phích tuyên truyền; 33.500 cuốn sổ tay an toàn vệ sinh tới người lao động; 59.826 bản tin, phóng sự, tọa đàm, hội thảo, phỏng vấn, tin bài về ATVSLĐ.

Trung bình mỗi năm, các bộ, ngành Trung ương tổ chức đào tạo, huấn luyện ATVSLĐ khoảng trên 10.000 lớp cho hàng triệu lượt người lao động.

Người lao động vẫn chủ quan, lơ là trong việc bảo vệ bản thân khi làm việc

Mặc dù công tác tuyên truyền, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động đã được đẩy mạnh, tuy nhiên đến thời điểm này, công tác ATVSLĐ cũng phụ thuộc phần lớn từ ý thức của người sử dụng lao động. Vẫn còn không ít người sử dụng lao động chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của doanh nghiệp và tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ là yếu tố quan trọng để duy trì bền vững thành quả phát triển và hội nhập nên không quan tâm đầu tư cho việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa TNLĐ, BNN; không tổ chức huấn luyện ATVSLĐ hoặc huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động không đầy đủ; không tổ chức đánh giá, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và nguy cơ rủi ro gây TNLĐ; không xây dựng nội quy, quy trình an toàn lao động, không trang bị, hoặc trang bị không đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động; không chủ động thực hiện khám sức khỏe cho người lao động trước khi bố trí công việc, không thực hiện khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Mặt khác, bản thân người lao động cũng chưa nhìn nhận đầy đủ quyền lợi, trách nhiệm của mình đối với ATLĐ. Mặc dù được nhắc nhở, cảnh báo liên tục, nhưng hiện nay đa số người lao động cũng như người sử dụng lao động vẫn chưa chú trọng phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động. bệnh nghề nghiệp. Hơn nữa, lực lượng lao động phổ thông trên thị trường hiện nay phần lớn chưa qua đào tạo, đặc biệt đối với các công trình nhà ở riêng lẻ. Lực lượng lao động này chủ yếu ở nông thôn tranh thủ khi nông nhàn tham gia vào xây dựng nên việc xây dựng tác phong công nghiệp gắn với văn hóa ATLĐ trong người lao động còn hạn chế…

Theo Cục việc làm (Bộ Nội vụ), năm 2024 trên toàn quốc đã xảy ra 8.286 vụ tai nạn lao động, làm 8.472 người bị nạn. Trong đó, số vụ TNLĐ chết người là 675 vụ, tăng 13 vụ, tương ứng 1,96% so với năm 2023. Số người chết vì TNLĐ là 727 người, tăng 28 người, tương ứng 4,81% so với năm 2023, trong đó: Khu vực có quan hệ lao động là 584 người, tăng 54 người, tương ứng với 10,2% so với năm 2023; khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động là 143 người, giảm 26 người, tương ứng với 15,4% so với năm 2023.

Theo số liệu báo cáo sơ bộ của các địa phương, thiệt hại về vật chất do TNLĐ xảy ra năm 2024 như: Chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương... là trên 42.565 tỷ đồng (tăng khoảng 26.208 tỷ đồng so với năm 2023); Thiệt hại về tài sản trên 492 tỷ đồng (giảm khoảng 230 tỷ đồng so với năm 2023); tổng số ngày nghỉ do TNLĐ là 154.759 ngày (tăng khoảng 4.989 ngày so với năm 2023). Tại tỉnh Cao Bằng, trong năm 2024 đã xảy ra 1.172 vụ tai nạn lao động.

Nguyên nhân chính của các vụ tai nạn lao động do chủ quan của con người vẫn chiếm tới 60%, như: không có hoặc thiếu quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiết bị không bảo đảm an toàn; không có hoặc huấn luyện thiếu về an toàn, vệ sinh lao động; không trang bị đủ phương tiện bảo vệ cá nhân; vi phạm quy trình, quy chuẩn an toàn, vệ sinh lao động...

Mặc dù được nhắc nhở, cảnh báo liên tục, nhưng hiện nay đa số người lao động cũng như người sử dụng lao động vẫn chưa chú trọng phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nguyên nhân là do, sự chủ quan, lơ là của người lao động. Hơn nữa, lực lượng lao động phổ thông hiện nay phần lớn chưa qua đào tạo, đặc biệt đối với các công trình nhà ở riêng lẻ. Lực lượng lao động này chủ yếu ở nông thôn tranh thủ khi nông nhàn tham gia vào xây dựng.

Trên thực tế, muốn giải quyết tận gốc vấn đề, điều quan trọng là cả người lao động và người sử dụng lao động cần nhận thức đầy đủ và có ý thức trách nhiệm đúng đắn với chính bản thân, gia đình và xã hội về ATVSLĐ. Hơn ai hết, người lao động cần phải nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình để yêu cầu người sử dụng lao động đảm bảo môi trường làm việc an toàn, giảm thiểu các nguy cơ, rủ ro gây tai nạn cho chính mình. Bản thân người lao động cần tuân thủ đúng các nội quy, quy trình làm việc; chủ động trang bị kiến thức, các kỹ  năng làm việc an toàn; kiên quyết từ chối hoặc rời nơi làm việc nếu thấy rõ các nguy cơ, sự cố mất ATLĐ để tự bảo vệ bản thân, đồng nghiệp và gia đình.

Chủ đề của Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2025 là “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”. Việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng Hành động về ATVSLĐ nhằm tạo cao điểm truyền thông, nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ cho người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (NSDLĐ), đồng thời thúc đẩy các giải pháp, chương trình hành động cụ thể về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN), cải thiện điều kiện làm việc, phát động thi đua, xây dựng văn hóa an toàn lao động, đẩy mạnh phong trào quần chúng làm công tác ATVSLĐ trong các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và người lao động.

Thông qua các hoạt động trong Tháng Hành động về ATVSLĐ, tổ chức Công đoàn làm tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân lao động, tạo sự quan tâm hơn nữa của các cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, chủ doanh nghiệp và toàn xã hội đối với vấn đề an toàn, sức khỏe nghề nghiệp của NLĐ.

An toàn vệ sinh lao động là công việc không của riêng ai, do đó đòi hỏi cả người lao động và người sử dụng lao động cần nhận thức đầy đủ và có ý thức trách nhiệm đúng đắn với chính bản thân, gia đình và xã hội về ATVSLĐ. Hơn ai hết, người lao động cần phải nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình để yêu cầu người sử dụng lao động đảm bảo môi trường làm việc an toàn, giảm thiểu các nguy cơ, rủ ro gây tai nạn cho chính mình. Bản thân người lao động cần tuân thủ đúng các nội quy, quy trình làm việc; chủ động trang bị kiến thức, các kỹ  năng làm việc an toàn; kiên quyết từ chối hoặc rời nơi làm việc nếu thấy rõ các nguy cơ, sự cố mất ATLĐ để tự bảo vệ bản thân, đồng nghiệp và gia đình.

 

Mai Hoa

 

 
Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập