Những biến chứng nguy hiểm khi sinh con tại nhà
Lượt xem: 592

Việc sinh con tại nhà, không có sự theo dõi, hỗ trợ của cán bộ y tế có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho bà mẹ và trẻ sơ sinh như: băng huyết, vỡ tử cung, nhiễm khuẩn… thậm chí dẫn đến tử vong. Nhằm tăng cường chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở y tế địa phương, các Bệnh viện công lập và ngoài công lập có cung cấp dịch vụ đỡ đẻ đẩy mạnh truyền thông về vai trò, tác dụng của quản lý thai, khám thai định kỳ và sinh con tại các cơ sở y tế. 

 

Hướng dẫn bà mẹ cho trẻ bú đúng cách tại Khoa Phụ Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Bộ Y tế khuyến cáo tất cả các bà mẹ khi mang thai cần được đến cơ sở y tế đăng ký, khám thai định kỳ. Bởi các tai biến sản khoa luôn rình rập và có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nên quá trình mang thai và khi sinh cần được sinh tại các cơ sở y tế có cán bộ được đào tạo chuyên môn hướng dẫn để bảo đảm sự an toàn cho cả mẹ và con.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, năm 2019 toàn tỉnh Cao Bằng có 9.093 ca đẻ, trong đó có 7.723 ca đẻ tại cơ sở y tế (chiếm 85%); 1.370 ca đẻ tại nhà (chiếm 15%), 942 ca đẻ tại nhà không có sự theo dõi, hỗ trợ của cán bộ y tế (chiếm 10,3%) và đã có 01 ca đẻ tại nhà có bất thường và dẫn đến người mẹ bị  tử vong.

Bs. CkI. Dương Thế Đức - Phó Trưởng Khoa Phụ - Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng cho biết: Trong quá trình mang thai và sinh con, người phụ nữ thường gặp nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong nếu không được theo dõi, khám thai định kỳ và có sự trợ giúp của nhân viên y tế khi sinh. Những tai biến sản khoa có thể gặp khi sinh như: Băng huyết sau sinh, tiền sản giật và sản giật (nhiễm độc thai nghén), nhiễm trùng hậu sản, tắc mạch ối, vỡ tử cung...

Tai biến sản khoa đòi hỏi cần được can thiệp ngay lập tức, thường chỉ có 30 phút can thiệp nên phần lớn sản phụ tử vong do tai biến khi sinh đẻ vì không kịp đưa đến bệnh viện. Đối với trẻ sơ sinh ngay sau đẻ ngạt thiếu oxy dẫn đến thiếu máu não, dẫn đến tử vong lập tức. Nếu thai nhi sống sót thì các tổn thương lên não sẽ để lại hậu quả nặng nề sau này như: giảm thiểu trí tuệ hoặc chậm phát triển.

Trong suốt thai kỳ, các bà mẹ phải được thăm khám, theo dõi đầy đủ về sức khỏe cũng như chế độ dinh dưỡng. Các bà mẹ cần phải khám thai định kỳ để biết thai nhi có phát triển bình thường và khỏe mạnh không.

- Khám thai đầy đủ: Các bà mẹ cần tuân thủ theo đúng lịch khám thai định kỳ. Thông thường khi bắt đầu có thai, các bà mẹ phải đến các cơ sở y tế để đăng ký, quản lý thai nghén và khám thai. Trong suốt thời kỳ mang thai, các bà mẹ cần đi khám thai ít nhất 4 lần hoặc định kỳ theo lịch hẹn của cán bộ y tế ở các thời điểm: Lần 1 ngay sau khi biết mình có thai, trong vòng 3 tháng đầu; lần 2 vào 3 tháng giữa; lần 3,4 vào 3 tháng cuối. Đặc biệt, ở các tuần thứ 12, tuần 22, tuần 32, các sản phụ nên siêu âm để chuẩn đoán sàng lọc trước sinh. Ngoài ra, còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe mà bác sĩ sẽ chỉ định lịch khám thai đối với từng trường hợp cụ thể.

- Chế độ dinh dưỡng: Trong thời kỳ mang thai, chế độ ăn uống rất quan trọng vì có ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Bà mẹ mang thai cần ăn uống đủ chất và lượng nhiều hơn bình thường, đặc biệt ở những tháng cuối để đảm bảo sức khỏe cho mẹ, nhu cầu phát triển của thai nhi và dự trữ năng lượng để tạo sữa nuôi con sau này. Việc ăn đủ chất sẽ giúp thai lớn nhanh, tăng cân theo tiêu chuẩn và tăng sức đề kháng, hệ miễn dịch tốt từ trong bụng mẹ. Chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý sẽ giúp bé sinh ra đủ cân, khỏe mạnh, thông minh, ít ốm và nhanh nhẹn hơn. Đồng thời, sức khỏe của người mẹ cũng bảo đảm, phòng tránh được các bệnh như: tiểu đường thai kỳ, tăng huyết áp, tiền sản giật và băng huyết, đẻ non…

- Lựa chọn nơi đẻ an toàn: là điều cần thiết và rất quan trọng đối với tất cả các bà mẹ sắp đến kỳ sinh đẻ. Với hệ thống mạng lưới y tế như hiên nay có thể khẳng định nơi đẻ an toàn là các cơ sở y tế, vì ở đây có những người chuyên môn đỡ đẻ; phòng đẻ sạch, tránh được nhiễm khuẩn gây bệnh cho mẹ và con; dụng cụ đỡ đẻ sạch sẽ và tiệt trùng; khi có các tai biến xảy ra sẽ cấp cứu kịp thời; có thuốc, trang thiết bị cấp cứu; được tư vấn về cách theo dõi chăm sóc mẹ và con...

Để hạn chế các trường hợp tai biến sản khoa, các cơ quan chức năng cần quan tâm, đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động phụ nữ mang thai đến cơ sở y tế khám thai theo định kỳ, có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý và lựa chọn sinh đẻ tại cơ sở y tế, đó là cách tốt nhất để tránh những tai biến có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Hải Ly

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập