Khám bệnh cho trẻ tại Trạm Y tế xã Đức Hồng (Trùng Khánh).
Rota vi rút có khả năng tồn tại bền vững trong môi trường sống quanh chúng ta. Chúng có sống nhiều giờ trên tay và nhiều ngày trên các bề mặt cứng như bàn ghế, sàn nhà, đồ chơi, vật dụng trong gia đình... Rota vi rút lây lan chủ yếu qua đường yêu hóa, chúng tồn tại trên phân của người bệnh và truyền nhiễm qua tiếp xúc với tay. Trẻ em dưới 1 tuổi có nguy cơ bị lây nhiễm rất cao do trẻ thường xuyên tiếp xúc các đồ vật bằng tay và hay có thói quen cho lên miệng.
Cha mẹ nên lưu ý một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy cấp do Rota vi rút: Trẻ dễ mắc bệnh từ 6 - 11 tháng tuổi. Trẻ bị suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch. Cho trẻ Ăn dặm không đúng cách, không rửa tay bằng xà phòng sau khi dọn phân hay trong quá trình chế biến thức ăn, xử lý phân không hợp vệ sinh...
Triệu chứng của bệnh tiêu chảy do Rota vi rút gây ra: Sau khi bị lây nhiễm khoảng 1- 2 ngày trẻ bắt đầu có triệu chứng nôn ói và tiêu chảy. Nôn ói xuất hiện trước khi bị tiêu chảy khoảng 6- 12 giờ hoặc có thể kéo dài từ 2- 3 ngày. Những ngày đầu trẻ thường nôn rất nhiều và dần dần giảm bớt rồi sau đó đến tiêu chảy. Trẻ đi ngoài phân lỏng như nước, có lúc màu xanh dưa cải, có thể kèm theo nhớt nhưng không có máu. Vài ngày sau đó tiêu chảy ngày càng tăng kéo dài khoảng 3- 9 ngày. Trẻ có thêm những dấu hiệu Như: sốt vừa phải, đau bụng, ho và chảy nước mũi. Ở giai đoạn này, trẻ rất dễ bị mất nước, cơ thể nhanh chóng bị khô kiệt nếu không được chăm sóc thích hợp sẽ có khả năng phải nhập viện điều trị.
Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với Rota vi rút. Khi trẻ mắc phải đến các cơ sở y tế để khám và có phương pháp điều trị phù hợp, kịp thời. Với tiêu chảy cấp do vi rút Rota điều trị bằng kháng sinh không hiệu quả. Ở thể nhẹ không có biến chứng, bệnh thường tự khỏi sau 3 - 4 ngày. Việc điều trị chủ yếu là phòng biến chứng: bù nước và chất điện giải khi trẻ bị mất nước. Đối với trẻ bị bệnh nhẹ, sau khi đưa trẻ đến khám ở các cơ sở y tế, có thể để trẻ ở nhà và chăm sóc theo sự hướng dẫn của thầy thuốc. Cần cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường, có thể dùng nước đun sôi để nguội, nước canh rau, nước khoáng (không gas), hoặc cho trẻ uống Oresol theo hướng dẫn của thầy thuốc. Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng như bình thường, phù hợp theo lứa tuổi. Tiếp tục cho trẻ bú mẹ, nếu trẻ bú bình cần vệ sinh bình, núm vú và dụng cụ pha sữa kỹ hơn. Thực hiện rửa tay trước khi cho trẻ ăn và sau khi vệ sinh cho trẻ.
Để phòng chông bệnh tiêu chảy cấp do Rota vi rút cho trẻ cần thực hiện các biện pháp sau:
Vệ sinh nguồn nước, ăn uống theo các quy định của vệ sinh an toàn thực phẩm như không ăn các loại thịt sống hoặc chưa nấu chín, rửa sạch rau quả trước khi ăn sống, giáo dục thói quen vệ sinh ăn uống, rửa tay trước khi ăn. Vệ sinh dụng cụ dùng cho trẻ em ăn (đặc biệt trẻ dưới 6 tháng tuổi), người mẹ phải giữ gìn vệ sinh tốt trong thời kỳ cho con bú.
Vệ sinh phòng dịch: sát khuẩn, tẩy uế những chất thải và đồ dùng có liên quan đến bệnh nhân. Quản lý phân, xử lý phân thật tốt (dùng hố xí tự hoại, hố xí hai ngăn), không dùng phân tươi bón cây cối, hoa quả.
Lịch uống vắc xin ngừa tiêu chảy cấp do Rota vi rút: Vắc xin Rota phòng bệnh tiêu chảy cấp do Rota vi rút dành cho trẻ từ 2 – 6 tháng tuổi. Lịch uống phụ thuộc vào từng loại vắc xin. Hiện tại, Trung tâm tiêm chủng VNVC đang có 2 loại vắc xin ngừa Rota vi rút gồm:
Vắc xin Rotarix (Bỉ): uống 2 liều; liều đầu tiên uống vào lúc 6 tuần tuổi và sau 4 tuần uống liều tiếp theo. Nên cho trẻ uống vắc xin Rotavirus trước 24 tuần tuổi.
Vắc xin Rotateq (Mỹ): uống 3 liều; liều đầu tiên trong khoảng 7-12 tuần tuổi, hai liều còn lại cách nhau một tháng, liều thứ 3 phải kết thúc trước tuần thứ 32.
Ngọc Anh (St)