Những điều cần biết về bệnh tăng huyết áp
Lượt xem: 1761
Tăng huyết áp là một vấn đề thường gặp, nguy cơ hàng đầu góp phần vào tử vong trên toàn cầu. Đây là căn bệnh giết người thầm lặng, vì có rất nhiều nguy cơ gây biến chứng nghiêm trọng về tim mạch cho người bệnh.  

Đối với người bị tăng huyết áp, quan trọng nhất cần làm là kiểm soát chỉ số huyết áp và cần tuân thủ chặt chẽ quy trình điều trị

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới, t lệ người mắc tăng huyết áp trung bình gần 20%. Tại Việt Nam, ước tính hiện nay nước ta có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp (THA), tức là cứ 5 người trưởng thành thì có một người bị THA. THA là nguyên nhân chủ yếu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận… làm cho hàng trăm nghìn người bị liệt, tàn phế, hoặc mất sức lao động mỗi năm. Đáng chú ý, các bệnh tim mạch đang là nguyên nhân tử vong hàng đầu tại Việt Nam, chiếm 33% tổng số ca tử vong trên cả nước. Hầu hết người bị THA không có biểu hiện triệu chứng gì và thậm chí không biết mình bị bệnh.

1. Huyết áp là gì?

Huyết áp là lực tác động của máu lên lên thành các động mạch. Đơn vị đo huyết áp được tính bằng mmHg. Để biết có bị tăng huyết áp không thì cần đo huyết áp và tăng huyết áp xác định khi huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg.

2. Nguyên nhân nào gây ra tăng huyết áp

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp, theo đó chia thành hai loại, đó là: 

- Tăng huyết áp nguyên phát

- Tăng huyết áp thứ phát. 

Trong đó, khoảng 90 - 95% là tăng huyết áp nguyên phát mà các nguyên nhân không xác định được. Còn lại là tăng huyết áp thứ phát khi có những nguyên nhân rõ ràng, có thể từ tim mạch, hoặc nguyên nhân do các bệnh khác liên quan đến tim mạch, thận. Có một vài yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh THA. Chúng được gọi là yếu tố nguy cơ.

Yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được:

- Thừa cân và Béo phì: Người có chỉ số khối cơ thể (BMI) là 23 hoặc cao hơn có nguy cơ bị tăng huyết áp cao hơn.

- Ăn nhiều muối: làm THA ở một số người.

- Hút thuốc lá gây co mạch và tăng xơ vữa mạch.

- Rượu: uống rượu nặng và thường xuyên có thể gây THA đột ngột.

- Thiếu vận động: một cuộc sống tĩnh lặng dễ dẫn đến thừa cân và làm tăng nguy cơ bị THA.

- Stress: nó được đề cập đến như một yếu tố nguy cơ. Tuy nhiên, mức độ stress rất khó đánh giá và thay đổi theo từng người

Yếu tố nguy cơ không thể điều chỉnh được

-  Di truyền: THA có xu hướng di truyền. Nếu bố mẹ hoặc những người thân của bạn bị THA, bạn có nguy cơ bị bệnh này cao hơn.

- Tuổi: tuổi càng cao càng dễ bị THA. THA thường xảy ra ở người trên 35 tuổi.

Có khoảng < 10% số người bị tăng huyết áp là do một bệnh hoặc yếu tố nào đó gây ra. Đây gọi là THA thứ phát, hay THA có căn nguyên. Những nguyên nhân gây THA thứ phát thường gặp là:

+ Các bệnh lý về thận: Viêm cầu thận cấp; Viêm cầu thận mạn tính; Sỏi thận, niệu quản; Hẹp động mạch thận…

+ Các bệnh nội tiết: cường tuyến giáp; cường tuyến yên; bệnh u tế bào ưa crom (u tủy thượng thận); u vỏ thượng thận…

+ Các bệnh lý mạch máu và tim: Hở van động mạch chủ; hẹp eo động mạch chủ; bệnh Takayasu…

+ Tăng huyết áp do nhiễm độc thai nghén.

+ Tăng huyết áp do dùng một số thuốc: thuốc chữa ngạt mũi, chữa hen; thuốc tránh thai; thuốc đông y như cam thảo…

+ Tăng huyết áp do yếu tố tâm thần: lo lắng, sợ sệt quá mức…

3. Tăng huyết áp có triệu chứng gì không?

Tăng huyết áp thường không có triệu chứng gì, hoặc các biểu hiện rất mơ hồ như: nhức đầu, dễ mệt, đau ngực, hồi hộp, khó thở… Trên thực tế, rất nhiều người bị tăng huyết áp trong nhiều năm mà không biết, vì không có biểu hiện nào khác thường cho đến khi đi khám bệnh hoặc đã bị các biến chứng nguy hiểm do THA gây ra rồi mới biết mình bị THA. Tuy bệnh tăng huyết áp diễn biến âm thầm nhưng gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng cho bệnh nhân và để lại hậu quả nặng nề. Đó là lý do tại sao THA lại nguy hiểm và được coi là “kẻ giết người thầm lặng”.

Biến chứng thường thấy của tăng huyết áp là cơn đau thắt ngực, xuất huyết não, nhũn não, suy thận, rối loạn tiền đình, tăng áp động mạch võng mạc, mù lòa… Vì vậy, việc điều trị và kiểm soát huyết áp là vô cùng quan trọng. Cách duy nhất để biết mình bị THA là đo huyết áp.

Tăng huyết áp thường không có biểu hiện, hoặc các biểu hiện rất mơ hồ như: 

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chẩn đoán THA khi trị số trung bình qua ít nhất hai lần đo của huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg/hoặc trị số trung bình của huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg, trong ít nhất hai lần thăm khám liên tiếp. Hiện nay, việc sử dụng máy đo huyết áp tại nhà rất phổ biển và tiện lợi cho người bệnh để theo dõi bệnh tình. Việc đo huyết áp tại nhà để khẳng định chẩn đoán, cần đảm bảo 3 điều sau:

1. Mỗi lần đo huyết áp cần đo hai lần liên tiếp, cách nhau khoảng 1 phút ở tư thế ngồi.

2. Cần đo huyết áp 2 lần/ngày, tốt nhất là một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi tối.

3. Cần đo huyết áp liên tục ít nhất 4 lần/ngày, trong vòng 7 ngày. Loại bỏ ngày đầu tiên và sử dụng giá trị trung bình của các lần đo còn lại (≥135/85 mmHg) để khẳng định chẩn đoán.

Trong khi chờ đợi để khẳng định THA, cần tiến hành các thăm dò để phát hiện tổn thương cơ quan đích (như phì đại thất trái, thận mạn tính và bệnh đáy mắt do THA) và đánh giá nguy cơ tim mạch.

Người có huyết áp bình thường, cần đo lại huyết áp 2 năm/1 lần và người tiền THA nên thực hiện việc thay đổi lối sống và kiểm tra lại sau 1 năm.

4. Tăng huyết áp có nguy hiểm không? Tại sao?

Tăng huyết áp thường diễn biến âm thầm và ảnh hưởng đến nhiều cơ quan bộ phận cơ thể của bạn và bằng nhiều cách. THA làm tăng gánh nặng cho tim và hệ thống động mạch. Tim của phải làm việc nặng hơn trong một thời gian dài, nên nó có xu hướng to ra. Tim cũng phải giãn ra và thành tim bị dày lên để bù lại, nhưng nếu quá trình này diễn biến lâu ngày quá giới hạn sẽ dẫn đến suy tim.

Tăng huyết áp cũng thúc đẩy và gây ra xơ vữa động mạch. Đây là một bệnh lý nguy hiểm dẫn tới nhiều biến chứng tim mạch (như tai biến mạch não; nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành mạn tính, bệnh động mạch chủ hoặc động mạch ngoại vi …).

Bên cạnh đó, THA còn có thể làm tổn thương thận và mắt. Các nghiên cứu cho thấy: người bị THA không được kiểm soát thì nguy cơ: bệnh động mạch vành tăng gấp 3 lần; suy tim tăng 6 lần; đột quỵ tăng 7 lần… Các biến chứng gây ra THA có thể cấp tính, có thể âm thầm và do vậy không những nguy hiểm đe dọa tính mạng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của bạn.

5. Điều trị tăng huyết áp

Đối với bệnh nhân tăng huyết áp, nếu không điều trị đúng và thay đổi lối sống sẽ rất nguy hiểm, nguy cơ biến chứng nặng tăng lên rất nhiều. Chính vì vậy, mục tiêu khi điều trị tăng huyết áp cho bệnh nhân là loại bỏ yếu tố nguy cơ, kiểm soát mức huyết áp đề phòng biến chứng.

Các nghiên cứu đều cho thấy, điều trị tăng huyết áp làm giảm biến cố tim mạch. Tuy nhiên, trên thực tế nếu chỉ điều trị thuốc hạ áp đối với dự phòng đột quỵ và tử vong do bệnh mạch vành hiệu quả lại không cao. Nguyên nhân là số bệnh nhân được điều trị đủ liều thấp, thiếu quan tâm đến các yếu tố đi kèm, mức huyết áp để bắt đầu điều trị và huyết áp mục tiêu quá cao. Để điều trị bệnh tăng huyết áp cần lưu ý đến việc dùng thuốc hoặc không dùng thuốc.

Huyết áp mục tiêu mà người bệnh cần đạt là < 140/90 mmHg và thấp hơn nữa nếu người bệnh vẫn dung nạp được. Nếu nguy cơ tim mạch từ cao đến rất cao thì huyết áp mục tiêu cần đạt là < 130/80 mmHg. Tuy nhiên, khi điều trị đã đạt huyết áp mục tiêu, cần tiếp tục duy trì phác đồ điều trị lâu dài kèm theo việc theo dõi chặt chẽ, định kỳ để điều chỉnh kịp thời.

6. Kiểm soát huyết áp như thế nào?

Mục tiêu điều trị hạ huyết áp tối ưu ở hầu hết các bệnh nhân không có nguy cơ cao là < 140/90 mmHg. Điều trị tăng huyết áp cần sự tuân thủ lâu dài của người bệnh thông qua việc theo dõi huyết áp thường xuyên tại nhà và ở phòng khám, chỉnh liều thuốc hạ áp một cách thích hợp, để đạt mục tiêu huyết áp chấp nhận được. Việc thay đổi lối sống là cực kì quan trọng. Sau đây là một vài lời khuyên:

Chế độ ăn uống:

Một chế độ ăn hợp lý có thể giúp làm giảm huyết áp và kiểm soát cân nặng. Chế độ ăn hợp lý được tóm tắt như sau:

-  Tăng khẩu phần: hoa quả, rau, các loại ngũ cốc và gạo chế biến thô, thực phẩm nhiều xơ, thức ăn không có mỡ và rất ít mỡ, thịt gia cầm không da, thịt nạc, ăn cá (nhất là loại có nhiều Omega 3 như cá hồi, cá trích...) ít nhất 2 lần/tuần.

- Giảm tối đa: Giảm ăn muối xuống dưới 5g/ngày, chất béo bão hòa hoặc mỡ động vật, phủ tạng động vật, thực phẩm ăn sẵn chiên rán...)

- Giảm cân nặng: Thừa cân làm THA và làm cho huyết áp khó kiểm soát ở những bệnh nhân THA. Ngược lại, giảm đi 1kg cân nặng giúp huyết áp giảm 1mmHg. Giảm cân còn mang lại một số lợi ích khác như: giảm cholesterol máu, giảm phì đại tim, giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và cải thiện chất lượng cuộc sống.

- Tập thể dục đều đặn, phù hợp với sức khỏe: Tập thể dục có thể làm giảm huyết áp từ 5 - 15 mmHg. Để có được hiệu quả này cần phải tập thường xuyên và kéo dài. Ngừng tập luyện có thể làm cho huyết áp tăng trở lại. Cần lưu ý rằng bên cạnh tập thể dục thường xuyên, các động tác đi lại, vươn thở sâu... có thể giúp tiêu hao 100 - 800 calo mỗi ngày.    

- Bỏ hút thuốc lá ngay: Các bằng chứng nghiên cứu cho thấy rõ nguy cơ của hút thuốc lá với THA và các biến cố tim mạch, người THA mà hút thuốc lá sẽ làm nguy cơ tim mạch tăng gấp nhiều lần. Nồng độ Nicotine tăng trong máu cũng gây co mạch, tăng huyết áp, tăng nhịp tim, làm tim phải làm việc nhiều hơn hoặc cũng có thể gây ra những rối loạn nhịp tim. Các nghiên cứu cũng cho thấy: mức độ ảnh hưởng đến tim mạch cũng tăng theo mức độ hút thuốc lá, tức là càng hút nhiều, hút lâu thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng cao.

- Nói không với rượu bia: Nhiều nghiên cứu cho thấy, rượu mang lại khá nhiều lợi ích cho sức khỏe nếu chỉ uống một lượng vừa đủ. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát được lượng cồn nạp vào cơ thể, nó lại biến thành thức uống nguy hiểm cho người mắc bệnh cao huyết áp. Ngoài ra, rượu bia có thể làm thay đổi tác dụng của thuốc điều trị cao huyết áp. Do đó, bạn hãy giảm tối đa lượng rượu, bia để sống chung với cao huyết áp được thành công.

- Hãy kiểm soát tốt những căng thẳng: Căng thẳng kích thích các phản ứng cường thần kinh giao cảm của cơ thể, tăng tiết các chất adrenalin và làm tăng nguy cơ các biến cố tim mạch ở bệnh nhân THA và làm tăng tần số các cơn THA.

Đối với người bị tăng huyết áp, quan trọng nhất cần làm là kiểm soát chỉ số huyết áp và cần tuân thủ chặt chẽ quy trình điều trị. Vì vậy, thuốc rất quan trọng trong việc duy trì mức huyết áp để giảm nguy cơ đau tim, đột quỵ và giảm mức trầm trọng của bệnh. Việc dừng hoặc thêm thuốc sẽ do bác sĩ quyết định, người bệnh không nên tự ý dừng hoặc thêm thuốc. Những người bị tăng huyết áp và bệnh tim cần được kiểm soát và duy trì sức khỏe tốt. Nên có đủ thuốc theo đơn trong một thời gian nhất định và quan trọng là thông báo ngay với bác sĩ khi có những triệu chứng bất thường.

Bảo An

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập