Những biến chứng nguy hiểm của bệnh tay chân miệng
Lượt xem: 222
Bệnh tay chân miệng thường tự khỏi và không đe dọa tới sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bệnh có thể gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm. Đặc biệt, trẻ nhỏ là đối tượng chính mà bệnh tấn công, do đó bệnh đang trở thành mối lo ngại của rất nhiều gia đình.

Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ những bề mặt tiếp xúc hàng ngày như: bàn ghế, đồ chơi, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, sàn nhà, dụng cụ học tập.

 

Biến chứng bệnh tay chân miệng

Biến chứng thường gặp nhất là mất nước. Bệnh có thể gây ra các vết lở, loét trong miệng và cổ họng khiến việc nuốt gặp khó khăn và đau đớn, do đó trẻ thường lười ăn và uống.

Hiếm gặp hơn, một vài trường hợp vi rút gây bệnh có thể ảnh hưởng đến não bộ và gây ra các biến chứng thần kinh nghiêm trọng như:

Viêm màng não do vi rút: Đây là tình trạng nhiễm trùng và viêm ở màng não và dịch não tủy (bao quanh não cùng tủy sống).

Viêm não: Tình trạng này rất nghiêm trọng và có khả năng đe dọa đến tính mạng, do vi rút gây ra viêm ở não.

Liệt chi: Người bệnh yếu, liệt mềm một hoặc nhiều chi.

Hô hấp: Tổn thương cơ tim, suy tim, trụy tim mạch, phù phổi cấp và tử vong nhanh chóng.

Bệnh tay chân miệng đặc biệt hơn các bệnh lý khác do biến chứng của bệnh có thể trở nặng chỉ sau vài giờ. Vì vậy, bố mẹ không nên chủ quan, phải biết phát hiện các triệu chứng kèm theo những dấu hiệu ngoài da và niêm mạc để đưa trẻ đi khám ngay tại các cơ sở y tế.

Khi trẻ bị bệnh tay chân miệng có biểu hiện sốt cao khó hạ, hay sốt trên 48 giờ, triệu chứng về thần kinh (giật mình chới với, hốt hoảng, run hoặc yếu chi, đi đứng loạng choạng, đảo mắt bất thường…) là có khả năng bệnh có biến chứng và cần phải được khám ngay.

Cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng

Để hạn chế tối đa những biến chứng nguy hiểm của bệnh tay chân miệng, ngoài việc điều trị, người dân cần thực hiện tốt một số biện pháp phòng ngừa bệnh tay chân miệng như sau:

Giữ vệ sinh cá nhân

Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ không chỉ phòng ngừa được bệnh tay chân miệng hiệu quả mà còn phòng được những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác. Người lớn và cả trẻ em nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhiều lần trong ngày, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi bế trẻ, sau khi đi vệ sinh.

Giữ vệ sinh ăn uống

Thức ăn cho trẻ và gia đình cần đầy đủ dinh dưỡng, ăn chín, uống chín. Những vật dụng trong nhà bếp cần phải được rửa sạch trước khi sử dụng. Tuyệt đối không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm đồ chơi, không cho trẻ dùng chung khăn ăn, vật dụng ăn uống chưa được khử trùng.

Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt

Nhà trẻ, trường học và các hộ gia đình cần thường xuyên vệ sinh sạch sẽ những bề mặt tiếp xúc hàng ngày như: bàn ghế, đồ chơi, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, sàn nhà, dụng cụ học tập bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường.

Theo dõi và phát hiện sớm

Tình trạng sức khỏe của trẻ cần được theo dõi thường xuyên để kịp thời phát hiện và điều trị các trường hợp bệnh tay chân miệng, tránh lây nhiễm cho những trẻ khác.

Cách ly và điều trị kịp thời khi mắc bệnh

Các hộ gia đình, nhà trẻ có trẻ dưới 5 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời. Khi trẻ mắc bệnh cần cách ly ít nhất 10 ngày kể từ khi bệnh khởi phát, không nên cho trẻ có những biểu hiện mắc bệnh đến lớp chơi với những trẻ khác. Cần thực hiện khử khuẩn lớp học, nhà ở, đồ chơi, bề mặt các vật dụng… khi phát hiện có trẻ mắc bệnh để tránh lây nhiễm cho các trẻ khác trong lớp và trong gia đình.

 

Đức Giang

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập