Chủ động phòng chống bệnh giun sán bảo vệ sức khoẻ cho người dân
Lượt xem: 15
Để chủ động phòng chống bệnh giun sán bảo vệ sức khoẻ cho người dân, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cao Bằng đã tiến hành điều tra tỷ lệ nhiễm giun, sán tại các xã trong toàn tỉnh. Hàng năm, tổ chức các đợt điều tra nhằm đánh giá mức độ lưu hành của nhóm bệnh ký sinh trùng, nhóm giun truyền qua đất của người dân ở xã vùng nông thôn.

Viên chức Trung tâm Kiểm soát bệnh tật điều tra dịch tễ học, lấy mẫu cho học sinh Trường Mầm non xã Hạnh Phúc, huyện Quảng Hoà.

 

Bệnh nhiễm giun sán là vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng, bệnh chiếm khoảng một phần tư dân số Thế giới, tập trung chủ yếu ở các nước vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Hiện nay, người ta đã xác định được trên 100 loại giun tròn và 140 loại sán có khả năng gây bệnh cho người. Giun sán là những ký sinh trùng phổ biến ký sinh trong cơ thể người gây nên nhiều loại bệnh. Giun sán có nhiều loại khác nhau, trong đó có những loại thường gặp ở Việt Nam như: Sán lá, sán dây (sán lợn), giun đũa, giun kim, giun móc, giun lươn, amip, có loại rất nguy hiểm, có thể làm tử vong như giun đũa, giun xoắn…

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính trên thế giới có hơn 1 tỷ người nhiễm một hay nhiều loại giun sán đường ruột và có khoảng 2 tỷ người có nguy cơ bị lây nhiễm. Hàng năm, có khoảng 3,5 triệu trường hợp có triệu chứng liên quan đến các bệnh giun tròn. Tình trạng nhiễm ký sinh trùng tại Việt Nam nói riêng và nhiều nước trên Thế giới nói chung đã trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng cần được quan tâm đúng mức.

Ở Việt Nam, có khí hậu nhiệt đới gió mùa nắng nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho giun sán đường tiêu hóa phát triển và lây lan. Tỷ lệ nhiễm giun sán cũng rất cao, nhiều trường hợp gây biến chứng nguy hiểm có thể tử vong như: Thiếu máu nặng do giun móc, giun chui ống mật, tắc ruột do giun, viêm tắc đường mật do sán lá gan nhỏ, ho ra máu do sản lá phổi, áp xe gan do sán lá gan lớn, viêm não, màng não có bạch cầu tăng do giun tròn. Hầu hết giun sán không gây được miễn dịch bảo vệ, nên sau khi khỏi người bệnh vẫn bị tái nhiễm.

Tại tỉnh Cao Bằng, hàng năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã tiến hành điều tra tỷ lệ nhiễm giun sán tại xã trong toàn tỉnh. Mỗi năm tổ chức các đợt điều tra nhằm đánh giá mức độ lưu hành của nhóm bệnh ký sinh trùng (nhóm giun truyền qua đất) của người dân ở vùng nông thôn. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp với các Trạm Y tế xã sẽ thực hiện phỏng vấn người dân để xác định các yếu tố nguy cơ nhiễm bệnh, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm, điều tra xác định tỷ lệ nhiễm, cường độ nhiễm bệnh giun truyền qua đất, tư vấn điều trị cho các ca phát hiện bệnh do ký sinh trùng. Năm 2024, đã tổ chức 5 đợt điều tra tại 5 huyện, với 10 xã được 1.762 mẫu, trong đó có 222 mẫu dương tính, chủ yếu là dương tính nhiễm giun truyền qua đất và nhiễm giun đường ruột.

Các hoạt động tẩy giun cộng đồng cho các đối tượng, nguồn thuốc tẩy giun do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hỗ trợ gồm: Trẻ 24- 60 tuổi, học sinh tiểu học, phụ nữ tuổi sinh sản từ 15- 45 tuổi. Kết quả cho thấy, việc tẩy giun cho trẻ 24- 60 tháng tuổi được tổ chức 2 đợt/năm, tổng số thuốc cấp 73.320 viên, tỷ lệ trẻ 24- 60 tháng tuổi được uống thuốc tẩy giun đạt trên 99%. Tẩy giun cho học sinh tiểu học 2 đợt/năm, tổng số thuốc cấp 109.450 viên, tỷ lệ học sinh uống thuốc tẩy giun đạt trên 99,5%. Tẩy giun cho phụ nữ tuổi sinh sản từ 15- 45 tuổi 1 đợt/năm, với tổng số thuốc cấp 121.250 viên, tỷ lệ uống đạt trên 99%.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nông Văn Vãn - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hạnh Phúc, huyện Quảng Hoà cho biết: Để có thể phòng chống bệnh về giun sán, Trạm Y tế xã đã tổ chức nhiều đợt tẩy giun miễn phí cho học sinh và phụ nữ mang thai, đồng thời thực hiện tuyên truyền sâu rộng đến từng thôn bản để bà con nắm bắt được các biện pháp phòng tránh bệnh về giun sán hữu hiệu nhất. 

Trẻ em là đối tượng rất dễ nhiễm bệnh giun sán các em chưa thực sự ý thức được việc giữ gìn vệ sinh thân thể, vệ sinh ăn uống, mặt khác sức đề kháng kém hơn so với người lớn. Vì vậy, công tác giáo dục, tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh giun sán cũng như cách phòng tránh bệnh luôn được các trường học quan tâm.

Cô giáo Hoàng  Thị  Lan - Trường Mầm non xã Hạnh Phúc, huyện Quảng Hoà chia sẻ: Giáo viên trong trường thường xuyên tuyên truyền về hiệu quả của việc tẩy giun, nhắc nhở các em ăn uống đầy đủ. Đồng thời, phối hợp với cán bộ Trạm Y tế hướng dẫn các em rửa tay và uống thuốc tẩy giun đúng cách để phòng tránh bệnh giun sán hiệu quả. Tại các buổi ngoại khóa về sức khỏe, các giáo viên đều trực tiếp dạy các em cách rửa tay khoa học, cách ăn uống đảm bảo vệ sinh.

Để chủ động phòng chống bệnh giun sán, giúp bảo vệ sức khoẻ cho người dân, chúng ta cần đẩy mạnh các hoạt động điều tra dịch tễ học tại cộng đồng, chủ động hướng dẫn các Trường học, người dân đến Trạm Y tế để nhận thuốc tẩy giun về uống, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân về vệ sinh môi trường đặc biệt là khu vực gần nhà, trong nhà và khu vực vui chơi của trẻ em; xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt là trước khi ăn, chuẩn bị thức ăn và sau đi đi vệ sinh; không ăn thức ăn chưa được nấu chín để phòng bệnh giun sán đường ruột, ăn uống, sinh hoạt và môi trường sống không đảm bảo vệ sinh, nhất là vùng nông thôn, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Đó là những nguyên nhân chủ yếu khiến người dân nhiễm các loại giun, sán, nhiễm giun sán đường ruột sẽ gây ra tình trạng thiếu máu, giun chui ống mật, tắc ruột do giun…

Các hoạt động tuyên truyền cũng như việc tẩy giun tại trường học, cộng đồng được triển khai giúp thói quen sinh hoạt của học sinh, người dân được cải thiện sẽ làm giảm thiểu rõ rệt tình trạng nhiễm các bệnh giun sán cho người dân… Từ đó, đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống bệnh giun sán, góp phần bảo vệ sức khỏe, cải thiện và nâng cao chất lượng sống cho người dân.

 

Ngọc Anh

 

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập