Các bệnh thường gặp ở người cao tuổi vào mùa đông và cách phòng tránh
Lượt xem: 292
Trang chủTin TứcTruyền thông GDSK 10/12/2024 Cách phòng bệnh cho người cao tuổi vào mùa đông Lượt xem: 2 Với người cao tuổi, sức đề kháng và hệ miễn dịch suy giảm nên khivào mùa đông thời tiết thay đổi, nhiệt độ xuống dưới mức trung bình dẫn đến một số bệnh nguy hiểm ở người cao tuổi. Ngoài ra, môi trường ẩm thấp cũng tạo thuận lợi cho các vi khuẩn, vi rút gây cúm, gây viêm phổi phát triển mạnh dễ tấn công người cao tuổi. Do vậy, cần có các biện pháp tích cực nằm bảo vệ sức khỏe người cao tuổi khi gặp thời tiết lạnh đột ngột.

Khám sức khoẻ cho người cao tuổi tại xã Xuân Nội, huyện Trùng Khánh.

Những ngày gần đây, mỗi ngày Khoa khám bệnh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận hàng chục bệnh nhân cao tuổi đến thăm khám, trong đó các bệnh chủ yếu là tăng huyết áp, bệnh tim mạch và bệnh đường hô hấp, đau nhức xương khớp.

Bệnh hô hấp: Không khí lạnh là một yếu tố tác động không tốt với đường hô hấp, từ đó làm bùng phát các bệnh hô hấp mạn tính ở người cao tuổi, chưa kể môi trường ẩm thấp tạo thuận lợi cho các vi khuẩn, vi rút gây cúm, gây viêm phổi phát triển mạnh, dễ tấn công người cao tuổi. Trong khi đó, các bệnh phổi mạn tính như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tâm phế mạn, lao phổi… cũng dễ tái phát hoặc chuyển sang mức độ nặng.

Bệnh xương khớp: Thời tiết thay đổi nhất là lạnh và ẩm cũng làm cho các bệnh về xương khớp (thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm và xơ cứng khớp) ở người cao tuổi cũng gia tăng hoặc tái phát đáng kể. Thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm và cứng khớp vào mùa lạnh làm cho người bệnh đau nhức, khó chịu gây rối loạn giấc ngủ, vì vậy sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người cao tuổi. 

Tăng huyết ápTheo các chuyên gia y tế thời tiết lạnh là mối nguy hàng đầu với người cao tuổi có tiền sử tăng huyết áp, nguy cơ dẫn đến tai biến, đột quỵ, tử vong nếu không xử trí kịp thời. Hàng năm, trung bình số người nhập viện do đột quỵ vào mùa lạnh chiếm 70-80% tổng số bệnh nhân điều trị trong năm.

Sự thay đổi huyết áp do thời tiết phổ biến hơn ở người trên 65 tuổi. Do đó người bệnh cần chú ý tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột, cơ thể không thích ứng kịp dẫn đến tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim...

Đột quỵTheo các bác sĩ chuyên khoa, khi trời lạnh sẽ làm tăng tiết catecholamin trong máu khiến mạch máu co lại. Từ đó, làm tăng áp lực trong lòng mạch, dẫn đến tăng huyết áp và tăng nhịp tim. Đồng thời, nồng độ một số thành phần đông máu cũng thay đổi như: Tăng số lượng tiểu cầu, tăng hồng cầu và tăng độ nhớt của máu..., khiến tình trạng đông máu tăng lên, dễ hình thành cục máu đông, bít tắc lòng mạch, gây ra đột quỵ não, đột quỵ tim.

Đột quỵ có hai dạng là đột quỵ do thiếu máu não (chiếm 80%) và vỡ mạch máu não. Tất cả đều gây tổn thương mạch máu não. Bệnh xuất hiện ở người trẻ và người già, song người cao tuổi có nhiều yếu tố nguy cơ thuận lợi dẫn đến xuất hiện đột quỵ hơn.

Ở đột quỵ thiếu máu não, theo quá trình lão hóa, các mạch máu của người già bị xơ cứng, sức cản lòng mạch cao kèm những rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, mỡ máu... Trong thời tiết lạnh, cơ chế tự điều hòa tuần hoàn não của người cao tuổi trở nên kém hơn. Ngoài ra, người cao tuổi mắc tăng huyết áp trong thời gian dài là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ.

Thông thường, người già đa bệnh lý, sức đề kháng suy giảm, nên cơ chế điều hòa mạch máu não kém, nên nhiều khi ngồi dậy đột ngột, kết hợp thời tiết lạnh nửa đêm về sáng, dẫn đến đột quỵ.

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên thường xuyên kiểm tra huyết áp, mỡ máu, tim mạch, không chỉ có nguy cơ đột quỵ xảy ra với người già, người trẻ cũng nên chụp CT mạch não hoặc cộng hưởng từ để tầm soát dị dạng mạch não, vì đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hoặc tàn phế hàng đầu không phân biệt lứa tuổi, đặc biệt là khi thời tiết thất thường như hiện nay.

Để chủ động phòng ngừa các bệnh thường gặp trong mùa lạnh, người cao tuổi cần chú ý thực hiện một số biện pháp phòng bệnh như sau:

Cần phải mặc đủ ấm, chú ý giữ ấm đầu, cổ, bàn chân; tránh ở lâu ngoài trời, thức khuya trong những ngày trời lạnh; khi thức dậy ra khỏi giường phải từ từ, tránh đột ngột, giường ngủ tránh gió lùa và hạn chế ra khỏi nhà lúc sáng sớm. Tắm bằng nước ấm trong buồng tắm kín gió; tắm xong phải lau khô người và nhanh chóng mặc quần áo ấm.

Khẩu phần ăn phải cân đối bốn nhóm chất: Tinh bột, đạm, dầu mỡ và rau xanh. Tăng ăn cá, rau xanh và hoa quả, hạn chế ăn thịt. Mùa lạnh có thể ăn nhiều hơn mùa hè do cơ thể phải tiêu tốn calorie nhiều hơn để bù lại lượng nhiệt mất ra môi trường. Nên ăn thức ăn nấu chín kỹ, mềm, dễ tiêu, thức ăn vừa nấu xong, thức ăn nguội hâm lại mới ăn; uống đầy đủ nước.  Chia thành nhiều bữa nhỏ, không nên dồn ép vào 1-2 bữa trong ngày sẽ làm cơ thể người già khó hấp thu. Buổi sáng và trưa nên ăn thức ăn giàu calori và bữa tối ăn nhẹ nhàng hơn kèm theo chút hoa quả. Tránh ăn quá no, uống quá nhiều vào bữa tối vì có thể là nguyên nhân mất ngủ do đầy bụng chướng hơi, do đi tiểu nhiều. Cần bỏ thuốc lá, thuốc lào và không nên uống rượu, bia. Riêng với người bị tăng huyết áp, cần tuân thủ lối sống khoa học, kiểm soát tốt chỉ số huyết áp, nhằm ngăn ngừa bệnh đột quỵ có thể xảy ra.

Duy trì đều đặn chế độ luyện tập trong nhà, như đi xe đạp tĩnh, cử tạ tay, bóng bàn, dưỡng sinh... Trước khi tập nên khởi động để làm ấm cơ thể, duy trì thời lượng tập thích hợp, không nên quá mức hoặc luyện tập những bài không hợp tuổi. Khi tập nên bố trí thời gian nghỉ giải lao.

Ngoài ra, không tự ý sử dụng thuốc điều trị bệnh khi chưa được thăm khám và tư vấn của bác sĩ. Đối với những người mắc bệnh mãn tính như: Tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường... cần uống thuốc thường xuyên, theo chỉ định của bác sĩ, không trì hoãn uống thuốc hoặc bỏ khám định kỳ dễ khiến bệnh chuyển nặng và tăng nguy cơ đột quỵ.

Mai Hoa

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập