Lịch sử ra đời và ý nghĩa của ngày Công tác xã hội Việt Nam (25/3)
Lượt xem: 31
Trên thế giới, ngành Công tác xã hội ra đời và phát triển vài thế kỷ, nghề công tác xã hội được công nhận là một nghề chuyên nghiệp, tuy nhiên ở Việt Nam đang trong quá trình phát triển. Nhân kỷ niệm ngày công tác xã hội 25/3, xin điểm lại quá trình hành thành và phát triển trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

Viên chức Phòng Công tác xã hội, BVĐK tỉnh hướng dẫn nhân dân thực hiện các thủ tục khám bệnh, chữa bệnh

Công tác xã hội ra đời tại Anh vào cuối thế kỷ 19, do cuộc cách mạng công nghiệp mà nước Anh phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội trầm trọng. Vì vậy cần có những chính sách, hoạt động giúp đỡ của Nhà nước và những người tham gia tình nguyện đã hình thành nên nghề công tác xã hội. Nổi bật nhất là sự ra đời của Hiệp hội các tổ chức từ thiện được thành lập vào năm 1869 tại Luân Đôn nước Anh. Những đóng góp của Hiệp hội các tổ chức từ thiện này đã đặt nền tảng cho hoạt động Ngành công tác xã hội chuyên nghiệp sau này. Hoạt động của Hiệp hội các tổ chức từ thiện bắt đầu từ Luân Đôn và phát triển rộng khắp nước Anh, su đó phát triển sang cả nước Mỹ dưới dạng Công tác xã hội sơ khai được thực hiện bở các nhà truyền giáo và tình nguyện. Vào năm 1877, Tổ chức từ thiện xã hội được thành lập tại Mỹ và đến năm 1898 Hiệp hội tổ chức từ thiện lần đầu được tổ chức tại Mỹ. Đến năm 1901, tại New York (Mỹ) trường Công tác xã hội đầu tiên ra đời. Từ năm 1955, Hội những nhân viên Công tác xã hội quốc gia được thành lập. Đến nay, có gần 100 quốc gia trên thế giới ở khắp các châu lục đã công nhận nghề công tác xã hội là một nghề chuyên nghiệp.

 Tại Việt Nam, ngành CTXH được hình thành muộn hơn so với các nước phát triển trên thế giới. Trước đây, các hoạt động CTXH được quan niệm là phong trào hoạt động của các đoàn thể tham gia công tác từ thiện, các thành viên làm CTXH với tính chất tự phát. Tới năm 2010 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển nghề "Công tác xã hội" đã đánh dấu một mốc mới quan trọng của ngành CTXH tại Việt Nam.

Ngày 15/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 25/3 hằng năm là Ngày Công tác xã hội Việt Nam. Từ đó, công tác xã hội đã chính thức được công nhận là một ngành nghề chuyên nghiệp.

Đây cũng là dịp để nhìn nhận, đánh giá  tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội; ghi nhận vai trò và đóng góp của người làm công tác xã hội trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, đồng thời góp phần phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách” và tinh thần thương yêu, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau của người Việt Nam, thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng gặp hoàn cảnh khó khăn và phát huy vai trò của người làm công tác xã hội để cùng nhau hướng tới một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Riêng đối với ngành Y tế, từ khi được thành lập đến nay, CTXH bệnh viện đã chứng minh vai trò quan trọng không thể thiếu trong các hoạt động hỗ trợ bệnh nhân cũng như nhân viên y tế.

Xã hội càng phát triển càng cần đến CTXH. Sự xuất hiện của nhân viên CTXH trong chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng là phương thức để mở rộng mạng lưới chăm sóc sức khỏe đến với người dân ở mọi nơi, mọi lúc, nhằm khuyến khích họ tích cực tham gia giải quyết những vấn đề sức khỏe bằng chính khả năng của mình với những phương pháp thích hợp.

Hoạt động CTXH tại bệnh viện lại càng cần thiết hơn, là yếu tố cần được phát huy nhất. Sự hỗ trợ của nhân viên CTXH đã làm tăng thêm sự hài lòng của người bệnh và gia đình người bệnh khi đến điều trị tại bệnh viện.

Tại bệnh viện, nhân viên CTXH có vai trò quan trọng trong trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Nhân viên CTXH có nhiệm vụ hỗ trợ các nhóm đối tượng khắc phục những khó khăn về xã hội để đạt được hiệu quả chăm sóc sức khỏe tốt nhất, là cầu nối để giải quyết các mâu thuẫn giữa bệnh nhân và nhân viên y tế, giữa bệnh nhân và bệnh nhân, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Bảo vệ quyền được chăm sóc sức khỏe của bệnh nhân thông qua việc tư vấn các vấn đề xã hội có liên quan cho bệnh nhân và gia đình của họ trong quá trình điều trị; tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ trên cơ sở tìm hiểu và phân tích các yếu tố xã hội có ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân; kết nối các dịch vụ hỗ trợ cho từng bệnh nhân; nghiên cứu cung cấp bằng chứng từ thực tế hoạt động để đề xuất chính sách; hỗ trợ giải tỏa tâm lý cho bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế… Nhân viên CTXH cũng có thể tham mưu về kế hoạch xuất viện của bệnh nhân và theo dõi bệnh nhân sau khi ra viện. Chăm sóc sức khỏe tại gia đình và cộng đồng như: truyền thông, giáo dục sức khỏe, giúp các nhóm đặc thù phục hồi, phát triển thể chất và tinh thần,…Ngoài ra, sau khi điều trị bệnh, nhân viên CTXH còn giúp bệnh nhân hồi phục và tái hòa nhập đời sống bình thường của gia đình và cộng đồng.
Ngoài ra, CTXH trong bệnh viện còn có nhiệm vụ giúp đỡ và tìm nguồn tài trợ cho các người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, công tác truyền thông, quan hệ công chúng và tham gia công tác đào tạo tại bệnh viện…    

Có thể nói, công tác xã hội (CTXH) trong bệnh viện có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa bệnh viện với người bệnh và thân nhân người bệnh. Thông qua Phòng CTXH đã giúp kết nối giữa Nhà hảo tâm với bệnh viện để giúp đỡ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.

Bảo An

 

1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập