Hội nghị tham vấn chính sách và lấy ý kiến góp ý cho Hồ sơ xây dựng chính sách Luật Phòng bệnh, Luật Dân số ​
Lượt xem: 20
Sáng ngày 24/5, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương chủ trì Hội nghị tham vấn chính sách và lấy ý kiến góp ý cho Hồ sơ xây dựng chính sách Luật Phòng bệnh, Luật Dân số do Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) tổ chức. Tham dự và chủ trì tại điểm cầu tỉnh Cao Bằng có đồng chí Vương Thị Tuyên - Phó Giám đốc Sở Y tế; lãnh đạo và công chức, viên chức liên quan của Chi cục dân số, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật.

Đồng chí Vương Thị Tuyên - Phó Giám đốc Sở Y tế tham dự và chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Sở Y tế tỉnh Cao Bằng.

 

Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21/11/2007, có hiệu lực từ 01/7/2008, trong đó gồm 6 chương và 64 điều quy định về hoạt động trong lĩnh vực Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Trong hơn 17 năm triển khai, đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Mặc dù vậy, vẫn còn tồn tại những bất cập về chất lượng sống, gánh nặng bệnh tật, nguyên nhân liên quan đến dinh dưỡng và yếu tố môi trường cũng như khoảng trống chính sách điều chỉnh phòng bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần. Việc xây dựng Luật mới với phạm vi điều chỉnh bao quát toàn diện các hoạt động phòng bệnh là hết sức cần thiết, nhằm khắc phục các tồn tại, bất cập trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.

Hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam tuy có nhiều văn bản liên quan đến phòng bệnh và nâng cao sức khỏe, nhưng thực chất chỉ tập trung vào ba lĩnh vực chính: điều trị bệnh, phòng chống bệnh truyền nhiễm, và quản lý một số hành vi gây hại cho sức khỏe. Luật cũ còn nhiều hạn chế, khi chưa điều chỉnh đầy đủ các vấn đề quan trọng như: Dinh dưỡng và sức khỏe, sức khỏe tâm thần, bệnh không lây nhiễm, và quỹ phòng bệnh. Vì vậy, cần thiết phải ban hành một đạo Luật mới để khắc phục các khoảng trống pháp lý hiện tại, thể chế hóa các chủ trương, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước, điều chỉnh đầy đủ hơn các hoạt động dự phòng, nâng cao sức khỏe toàn diện. Đồng thời, có thể thay thế Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm mà không gây chồng chéo pháp luật. Vì vậy, việc xây dựng Luật phòng bệnh mới là cần thiết và phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay. Theo đó, Dự thảo Luật phòng bệnh có 6 chương, 46 điều quy định về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; phòng, chống bệnh không lây nhiễm, các rối loạn sức khỏe tâm thần và các yếu tố nguy cơ khác; dinh dưỡng trong phòng bệnh và các điều kiện bảo đảm để phòng bệnh.

Nội dung tham vấn Luật Phòng bệnh trình bày tại hội nghị tập trung vào 5 chính sách lớn: Hoàn thiện các quy định về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Bảo đảm dinh dưỡng trong phòng bệnh; Phòng, chống các rối loạn sức khỏe tâm thần; Phòng, chống bệnh không lây nhiễm; Các điều kiện bảo đảm để phòng bệnh.

 

anh tin bai

Hội nghị tham vấn chính sách và lấy ý kiến góp ý cho Hồ sơ xây dựng chính sách Luật Phòng bệnh, Luật Dân số.

 

Tiếp đó, Tại Hội nghị đã tham vấn nội dung về Dự thảo luật Dân số. Theo đó, căn cứ Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về công tác dân số trong tình hình mới và Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đề ra định hướng chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự phối hợp tích cực của các cấp, ngành, cùng với sự đồng thuận của người dân và hỗ trợ quốc tế, công tác dân số của Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Chính sách, pháp luật về dân số ngày càng được hoàn thiện. Từ năm 2006 - 2021, Việt Nam đạt và duy trì mức sinh thay thế, kiểm soát gia tăng dân số hợp lý, đạt quy mô dân số trên 101 triệu người vào năm 2024. Việt nam đang bước vào thời kỳ dân số vàng, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, phân bố dân số hợp lý hơn, chất lượng dân số và HDI tăng, tuổi thọ bình quân cải thiện. Kết quả này là tiền đề quan trọng để chuyển chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển.

Dự án Luật Dân số gồm có 06 chương, 35 điều thể chế hóa Nghị quyết 21-NQ/TW tập trung chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển với các nội dung cụ thể về quy mô dân số, cơ cấu dân số, nâng cao chất lượng dân số, các biện pháp thực hiện công tác dân số, quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân.

Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao dự thảo lần này và cơ bản nhất trí với việc dự thảo luật đã bổ sung nhiều nội dung mới có ý nghĩa quan trọng. Bên cạnh đó, đã góp ý thêm một số nội dung liên quan đến 2 dự thảo luật. Đối với Luật Phòng bệnh có một số ý kiến góp ý về Các hình thức tổ chức của cơ sở chuyên ngành; Quy định về hành vi cấm làm ô nhiễm nguồn nước; Nguồn ngân sách chi cho y tế dự phòng; Trách nhiệm giữa nhà nước và xã hội, phân cấp và chuyển đổi số; Nâng cao năng lực cho phòng chống bệnh truyền nhiễm; Hoàn thành các quy định về phòng chống bệnh truyền nhiễm về giám sát, báo cáo thông tin bệnh… Đối với Luật Dân số, các đại biểu cho rằng đánh giá thực trạng dân số Việt Nam chưa chính xác và rõ ràng, bổ sung thêm các thông tin rõ ràng hơn về nhóm chính sách với đồ án dân số, nhóm chính sách mạng lưới chăm sóc người cao tuổi, nâng cao chất lượng dân số: Tầm soát sàng lọc trước sinh và sau sinh…

Trên cơ sở ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến Ban, Bộ, ngành địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, tổ soạn thảo, ý kiến tham vấn tại các buổi Tọa đàm, Hội thảo, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu, tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Hồ sơ chính sách Luật Phòng bệnh và Luật Dân số trình Chính phủ, bảo đảm chất lượng, tiến độ và yêu cầu của chương trình xây dựng pháp luật.

 

Thảo Vân

 

1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập