Hội nghị trực tuyến tổng kết 30 năm công tác phòng, chống HIV/AIDS
Lượt xem: 305

Ngày 01/12/2020, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 30 năm phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam và Mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (01/12). Đồng chí Trương Hoà Bình - Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự và chỉ đạo Hội nghị.

Các đại biểu dự tại điểm cầu Cao Bằng.

 

Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Cao Bằng có đồng chí Lê Hải Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Đàm Trung Cao - Phó Giám đốc Sở Y tế và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố; đại điện lãnh đạo: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện đa khoa các huyện: Hà Quảng, Trùng Khánh và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố.

Kể từ khi người nhiễm HIV được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1990, đến năm 2020 Việt Nam đã có 30 năm chính thức ứng phó với dịch HIV/AIDS. Ngày 14/8/2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS cho giai đoạn tới trong đó có mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Do vậy, tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020, Việt Nam tập trung vào chủ đề: “30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam”. Đây là một dấu mốc quan trọng để Việt Nam cùng các đối tác nhìn lại các thành quả mà chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được trong suốt 30 năm qua, những bài học kinh nghiệm mà Việt Nam đã đạt được.

Trong 30 năm qua, công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động phòng, chống HIV/AIDS luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng sớm được ban hành, cập nhật, hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc triển khai hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS. Thành lập, phát triển và kiện toàn của Ủy ban Quốc gia phòng chống HIV/AIDS và phòng chống ma túy, mại dâm giúp tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Thành lập Cục Phòng, chống HIV/AIDS và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS các tỉnh, thành phố. Công tác phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, Việt Nam liên tục đạt 3 giảm: Giảm số người nhiễm HIV mới phát hiện, giảm số người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số tử vong do AIDS. Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, phát hiện số ca nhiễm HIV mỗi năm giảm 2/3 số ca và tử vong. Kết quả này giúp Việt Nam có tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ước khoảng 0,23% trong năm 2020, đạt mục tiêu dưới 0,3% của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Để hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, Bộ Y tế tăng cường cam kết chính trị, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS; đẩy mạnh hoạt động chuyên môn, triển khai các hoạt động theo 11 giải pháp đã được nêu trong Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030; đáp ứng đủ nhu cầu kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS; định hướng ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước các cấp tập trung cho các hoạt động dự phòng, can thiệp giảm hại, giám sát dịch; mở rộng điều trị HIV/AIDS do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả và tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn viện trợ quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS cũng như tăng cường sự tham gia của các cá nhân, tổ chức, khu vực tư nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS...

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị: lãnh đạo các cấp, các ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương không được phép chủ quan, lơ là. Dịch HIV/AIDS có thể bùng phát trở lại nếu chúng ta chủ quan, lơ là và nó không thể tự mất đi nếu không được đầu tư và can thiệp. Các địa phương cần chủ động xây dựng và trình cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS cho đến năm 2030, trước mắt cho giai đoạn trung hạn 2021 - 2025. Tăng cường đầu tư, phân bổ ngân sách, bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Lồng ghép nội dung phòng, chống HIV/AIDS vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đối với ngành y tế, cần phát huy mọi nguồn lực hiện có, kết hợp với ứng dụng tiến bộ vượt bậc của cách mạng công nghiệp 4.0, tiếp tục tăng cường, mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ khám chữa bệnh, can thiệp giảm tác hại, tư vấn xét nghiệm HIV, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS. Thực hiện tốt công tác liên thông trong khám chữa bệnh, bảo đảm mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe, đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV; người có hành vi nguy cơ cao tiếp cận sớm dịch vụ xét nghiệm HIV; người nhiễm HIV được tiếp cận điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV sớm và tham gia bảo hiểm y tế. Làm tốt công tác truyền thông để mọi người dân hiểu được và không kỳ thị người mắc, nhiễm HIV/AIDS.

Các tổ chức xã hội, cộng đồng, cần tham gia tích cực vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS nhất là việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho các nhóm đích của mình. Các cơ quan Chính phủ cần giúp Chính phủ nghiên cứu đề xuất tạo môi trường và cơ chế thuận lợi cho sự tham gia của các tổ chức xã hội trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Chính phủ các nước, các cá nhân và tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm ủng hộ cả về tài chính và kỹ thuật để giúp Việt Nam trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tin tưởng Việt Nam sẽ thực hiện được mục tiêu chấm dứt cơ bản dịch AIDS vào năm 2030 góp phần cùng cộng đồng quốc tế kiểm soát thành công đại dịch này.

Tại hội nghị, lãnh đạo Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương lao động cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

 

Tại tỉnh Cao Bằng, trường hợp đầu tiên nhiễm HIV được phát hiện năm 1997 đến nay 10/10 huyện, thành phố và 121/161 xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV (75,1% số xã). Tính đến ngày 30/10/2020, luỹ tích số người nhiễm HIV là: 2.406 người, số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS hiện sống là 1.089 người, trong đó trẻ dưới 15 tuổi có 9 bệnh nhân, hàng năm toàn tỉnh thực hiện 6.000 - 8.000 mẫu xét nghiệm HIV. Trong giai đoạn năm 2018 - 2020, mỗi năm phát hiện trung bình khoảng 50 trường hợp nhiễm HIV mới, giảm từ 30% - 40% so với các năm của giai đoạn 2010 - 2015. Tính từ đầu năm đến ngày 30/10/2020, toàn tỉnh đã thực hiện xét nghiệm 5.245/6.000 mẫu (đạt 87,41% so với kế hoạch), phát hiện được 45 trường hợp nhiễm mới.

 

Trung Thủy

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập