Bệnh Uốn ván: dễ phòng, khó chữa
Lượt xem: 319
Uốn ván là bệnh nhiễm khuẩn ảnh hưởng tới thần kinh do độc tố của trực khuẩn Uốn ván tác động vào hệ thần kinh cơ, sau khi người bệnh có vết thương hở tiếp xúc với nha bào Uốn ván có trong đất, môi trường xung quanh… dẫn tới các cơn co thắt cơ bắp gây đau đặc biệt là các cơ ở hàm và cổ. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao thường tử vong do suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật hoặc ngừng tim.
1. Nguyên nhân gây Uốn ván:

Bệnh Uốn ván không lây từ người sang người. Vi khuẩn Uốn ván có khắp nơi trong môi trường: cống rãnh, đất cát, phân gia súc và gia cầm, dụng cụ phẫu thuật không tiệt trùng kỹ … Vi khuẩn Uốn ván có thể xâm nhập vào vết xây xước và vết thương phát triển thành ổ nhiễm trùng gây bệnh Uốn ván như:

+ Qua vết thương nhỏ và kín đáo như: Vết kim tiêm, ngoáy tai, xỉa răng, gai đâm... đến các vết thương to, rộng, nhiều ngóc ngách gặp trong lao động, chiến đấu. Thậm chí đôi khi có thể gặp sau phẫu thuật, nạo thai, cắt rốn v.v… với các dụng cụ bị ô nhiễm nha bào Uốn ván.

+ Những vết thương có tình trạng thiếu ôxy do: Miệng vết thương bị bịt kín, bị hoại tử nhiều, thiếu máu, có dị vật ở vết thương, có vi khuẩn gây mủ khác kèm theo... tạo thuận lợi cho nha bào Uốn ván phát triển gây bệnh.

2. Biểu hiện của bệnh Uốn ván:

Uốn ván là một bệnh nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao mà mỗi người trong chúng ta luôn có nguy cơ mắc phải. Nhưng không phải ai cũng biết những biểu hiện của bệnh Uốn ván. Biết được những biểu hiện của bệnh Uốn ván sớm sẽ tăng cơ hội chữa khỏi bệnh và giảm tối đa những biến chứng nguy hiểm của bệnh Uốn ván. Dưới đây là các biểu hiện của bệnh:

- Thời kỳ nung bệnh: Từ 5 - 20 ngày, trung bình là 7 ngày. Có thể có dấu hiệu báo trước như: Đau nhức nơi vết thương, co giật cơ quanh vết thương.

- Thời kỳ khởi phát: Giai đoạn khởi phát kéo dài từ 1 - 3 ngày. Những thể bệnh rất nặng chỉ diễn tiến trong vài giờ.

+ Triệu chứng chính và khởi đầu là cứng hàm, lúc đầu chỉ là khó mở miệng, sau cứng hàm trở nên mạnh hơn, liên tục và không mở ra được.
+ Các triệu chứng khác: Lo âu, mất ngủ rõ rệt, đau toàn thân, đau cơ nhẹ, có thể có khó nuốt, co cơ ở mặt, cứng gáy, tim đập nhanh.

- Thời kỳ toàn phát:

+ Được tính từ khi bắt đầu có cơn giật cứng toàn thân.
+ Cứng hàm trở nên điển hình có thể sờ và nhìn thấy, gây khó nói, khó nuốt khi ăn uống, khít hàm rõ rệt.
+ Trên nền co cứng cơ toàn thân liên tục xuất hiện các cơn giật cứng. Cơn giật thường xuất hiện khi có các kích thích như: Tiếng động, ánh sáng chiếu, tiêm chích, hút đờm dãi... hoặc có thể tự phát. Thời gian 1 cơn từ vài giây đến vài phút, trong vòng 24h có từ vài cơn tới hàng trăm cơn, có khi liên tiếp. Cơn giật rất mạnh, gây đau đớn cho bệnh nhân làm bệnh nhân lo âu, sợ hãi, trong khi bệnh nhân vẫn tỉnh táo.
- Các triệu chứng khác: huyết áp tăng thất thường hoặc thường xuyên; nhịp tim nhanh, loạn nhịp tim; sốt cao, vã mồ hôi.

3. Biến chứng của bệnh Uốn ván:

Hiện nay với tiến bộ của y học, tỉ lệ tử vong do Uốn ván đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, việc điều trị bệnh thường phức tạp do bệnh nhân đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như:

- Co thắt và co giật các cơ.
- Trong cơn giật, bệnh nhân có thể tím tái do suy hô hấp, vã mồ hôi, uốn cong người lên hoặc sang một bên, có thể gây các biến chứng trong cơn như: Đứt và rách cơ, gẫy xương, co thắt họng, cứng cơ hoành và thanh quản, gây ngạt và tử vong đột ngột.
- Thở nhanh, suy hô hấp, nhiễm trùng phế quản, xẹp phổi, nghẽn mạch phổi.
- Rối loạn nhịp tim,tắc mạch, suy tim, hôn mê, viêm phổi và các nhiễm trùng khác…
- Liệt thần kinh sọ, rối loạn tâm thần.
- Trẻ em và người già là những đối tượng có nguy cơ tử vong cao nhất nếu bị Uốn ván.

4. Cách phòng bệnh Uốn ván:

Khi bị Uốn ván mặc dù được điều trị tích cực nhưng vẫn có trường hợp người bị bệnh Uốn ván tử vong, do vậy việc phòng bệnh Uốn ván thường dễ hơn là chữa bệnh Uốn ván. Sau đây là các cách phòng bệnh Uốn ván:
- Thực hiện tiêm phòng Uốn ván: Trẻ nhỏ tiêm vắc xin DPT( vắc-xin Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván) hoặc DT (Giải độc tố Uốn ván cùng với giải độc tố Bạch hầu liều thấp). Người lớn cần tiêm Td/UV. Tiêm vắc- xin Uốn ván cho phụ nữ có thai (tiêm vắc-xin Uốn ván để phòng Uốn ván cho mẹ và Uốn ván sơ sinh cho con).
- Ngay cả khi người mẹ đã được tiêm vắc-xin phòng Uốn ván, cũng khuyến khích đẻ vô trùng.
- Khi bị thương, xây xước bởi đinh, sắt, cát, bụi bẩn… cần xử lý sạch vết thương ngay, sau đó cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn , tiêm phòng Uốn ván và có thể được điều trị hoặc tự chăm sóc tại nhà tùy theo mức độ tổn thương.
- Giữ vệ sinh vết thương sạch sẽ phòng nhiễm trùng và hoại tử.
- Kể cả những người đã từng mắc Uốn ván cũng không có miễn dịch tự nhiên nên vẫn cần phải tiêm phòng khi có yếu tố nguy cơ kể trên.
- Uống thuốc kháng sinh để tránh nhiễm trùng theo chỉ định của bác sỹ.
- Khi phát hiện triệu chứng của bệnh Uốn ván, cần đến ngay bệnh viện càng sớm càng tốt để được khám và điều trị kịp thời.
Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập