Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, chủ động ứng phó linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững
Lượt xem: 41
Ngày 21/8, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động ứng phó linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Cao Bằng.

 

Tham dự tại điểm cầu Bộ Y tế có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Cao Bằng có các đồng chí: Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Hải Hòa, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Ban Giám đốc Sở Y tế Cao Bằng; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Đồng chí Đào Hồng Lan, Quyền Bộ Trưởng Bộ Y tế phát biểu báo cáo công tác Y tế. (Trọng Thụ)

 

Báo cáo tại hội nghị, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Trong những năm qua công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã đạt được nhiều kết quả cơ bản, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.

Theo Bộ Y tế, cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, ngành Y tế đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách do đại dịch Covid-19 để thực hiện kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, đạt được những kết quả tích cực và quan trọng. Ngành Y tế cũng đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch và kịp thời chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Trong thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng từ 81,7% năm 2016 lên 91,01% năm 2021; Sản xuất vắc xin trong nước bảo đảm 11/12 loại vắc xin tiêm chủng; Việt Nam là quốc gia có số liều vắc xin phòng Covid-19 sử dụng và tỷ lệ bao phủ vắc xin cao trên thế giới; Làm chủ các công nghệ và kỹ thuật quan trọng trong sàng lọc, phát hiện tác nhân gây bệnh dịch nguy hiểm (sởi, sốt xuất huyết, SARS, cúm A…).

Hoạt động khám, chữa bệnh thông thường hồi phục sau hơn 2 năm phòng, chống dịch Covid-19. Hệ thống y tế tư nhân phát triển cả về số lượng và quy mô, nhiều cơ sở có hạ tầng khang trang cùng các trang thiết bị y tế hiện đại, chất lượng dịch vụ tương đối cao; Có 306 bệnh viện tư nhân và 37.350 phòng khám tư nhân trên toàn quốc; Ngành Y tế đổi mới, hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; từng bước kiện toàn và đổi mới công tác quản lý nhà nước về trang thiết bị y tế từ trung ương đến địa phương; duy trì 99,5% cơ sở khám, chữa bệnh kết nối hệ thống thông tin khám chữa bệnh với hệ thống giám định, thanh toán bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Sắp xếp và kiện toàn các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố, các đơn vị tuyến cơ sở…

Cùng với đó là sự bùng phát của dịch sốt xuất huyết tại nhiều tỉnh, thành phố, nhất là tại khu vực phía Nam, Tây Nguyên; thường trực nguy cơ xâm nhập của các bệnh dịch nguy hiểm mới nổi như bệnh đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân... dẫn đến nguy cơ “dịch chồng dịch”, nguy cơ quá tải hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở vốn đã gồng mình chống dịch trong giai đoạn vừa qua.

Thời gian tới, mô hình bệnh tật thay đổi với sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm, sự xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi; sự thay đổi về nhân khẩu học với tỷ lệ người cao tuổi tăng cao; toàn cầu hóa, đô thị hóa và biến đổi khí hậu tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe người dân. Xu hướng thị trường hóa, tư nhân hóa và xã hội hóa trong chăm sóc sức khỏe đặt ra nhiều thách thức trong việc xây dựng một hệ thống y tế theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển. Kinh tế phát triển cũng dẫn đến nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tăng cao, kỳ vọng nhiều hơn vào việc cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng, kịp thời…

Bên cạnh đó, ngành Y tế hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tập trung xử lý sớm như: Tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế xảy ra tại nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chế độ tiền lương, thu nhập đối với cán bộ y tế còn nhiều khó khăn; hệ thống thể chế, các vấn đề về tài chính y tế còn nhiều bất cập...

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Trọng Thụ)

 

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, thể chế nhanh các quan điểm của Đảng về công tác y tế; Tiếp tục đề cao tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, nhất là của người đứng đầu, người có thẩm quyền trong thực hiện các nhiệm vụ của ngành, địa phương về công tác y tế, trước hết trong phòng, chống dịch Covid-19; Quan tâm động viên, nâng cao chế độ đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực y tế, nhất là tại y tế cơ sở, y tế dự phòng; Khẩn trương rà soát, nghiên cứu hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách y tế cả trước mắt và lâu dài; Đảm bảo đủ thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; Thực hiện đổi mới mạnh mẽ tài chính, bảo hiểm y tế; Đầu tư phát triển hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng; Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính y tế, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong y học.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, nhất là các Bộ: Y tế, Công thương, Khoa học và Công nghệ quan tâm, triển khai việc thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp dược trong nước; Bộ Công an, Tư pháp, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, trước mắt là xử lý các vấn đề cấp bách đang đặt ra và phối hợp tham gia xây dựng thể chế, chính sách y tế; Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế và nhân dân tiếp tục đồng hành, quan tâm, chia sẻ, ủng hộ ngành Y tế, góp phần đưa ngành Y tế phát triển nhanh và bền vững, thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân; Tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền theo tinh thần “Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu; Lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, kịp thời phản bác, đấu tranh chống lại các luận điệu, thông tin xấu độc về công tác y tế.

 

 Ngọc Anh

1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập