Chủ động phòng, chống dịch bệnh thủy đậu lây lan trong cộng đồng
Lượt xem: 540
Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận gần 100 trường hợp mắc thủy đậu, trong đó có 2 ổ dịch đã kịp thời phát hiện, khoanh vùng và dập tắt. Thời tiết nồm ẩm là thời điểm bệnh thủy đậu bùng phát mạnh, do vậy cần chủ động phòng, chống dịch bệnh, khống chế và kiểm soát dịch, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.    

Tiêm chủng vắc xin phòng thủy đậu là biện pháp phòng tránh thủy đậu hiệu quả và lâu dài nhất

Tại huyện Nguyên Bình, ngày 12/2/2023 ghi nhận ổ dịch thủy đậu tại Điểm trường Lũng Kèng, xã Vũ Minh với 25 trẻ mắc bệnh; ngày 6/3/2023, ổ dịch thứ 2 xuất hiện tại Trường Mầm non, Tiểu học Minh Long (Hạ Lang) với 12 trẻ mắc. Tại Thành phố, mặc dù chưa bùng phát thành ổ dịch nhưng trong 3 tháng đầu năm ghi nhận 40 trường hợp trẻ mắc thủy đậu. Ngoài ra, rải rác các trường hợp mắc thủy đậu ở một số địa phương trong tỉnh, có 3 trường hợp mắc bệnh tay - chân - miệng tại Trường Mầm non thị trấn Thanh Nhật (Hạ Lang).

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 3 tháng năm 2023, toàn tỉnh có 93 trường hợp trẻ em bị thủy đậu. Để chủ động phòng, chống bệnh thủy đậu, tránh nguy cơ dịch bệnh bùng phát, lây lan rộng ra cộng đồng, tại các địa phương có ổ dịch và người mắc thủy đậu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh, ổ dịch; điều tra ca bệnh, khoanh vùng và xử lý ổ dịch không để lây lan ra cộng đồng; phân loại các trường hợp có triệu chứng diễn biến nặng chuyển đến cơ sở y tế điều trị. Thực hiện các biện pháp khử trùng phòng, chống dịch như: đảm bảo thông thoáng lớp học, phun hoặc lau hóa chất khử trùng tại các lớp học, trường học, đặc biệt là các lớp, trường phát hiện các trường hợp nghi mắc bệnh thủy đậu; lau khử trùng dụng cụ học tập, đồ chơi và các dụng cụ khác bằng các chất khử khuẩn thông thường; dụng cụ ăn uống bát, đĩa được ngâm, tráng nước sôi trước khi sử dụng. Phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại trường học, đặc biệt là các trường mầm non. Khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh tại trường học cần báo ngay cho cơ sở y tế để triển khai các biện pháp khoanh vùng, xử lý ổ dịch kịp thời. Đồng thời, báo cáo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Sở Y tế khi có diễn biến bất thường hoặc nguy cơ bùng phát dịch bệnh để được hướng dẫn, chỉ đạo xử lý kịp thời.

Thực tế cho thấy, nhiều người dân khi mắc bệnh truyền nhiễm ở thể nhẹ thường đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế tư nhân hoặc tự mua thuốc uống, bôi, không thực hiện khai báo cho các cơ sở y tế. Qua giám sát dịch tễ về bệnh thủy đậu, các ổ dịch thường phát sinh ở các trường học, nơi tập trung đông người; bệnh ghi nhận ở mọi độ tuổi, phần lớn các ca bệnh thủy đậu thường ghi nhận ở người chưa được tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh và chưa từng mắc bệnh thủy đậu trước đây. Nếu không chủ động triển khai các biện pháp dự phòng kịp thời sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc thủy đậu cũng như các dịch bệnh truyền nhiễm khác.

Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:
1. Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.

2. Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.

3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.

4. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.

5. Tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.

Tiêm chủng vắc xin phòng thủy đậu là biện pháp phòng tránh thủy đậu hiệu quả và lâu dài nhất. Với trẻ em việc tiêm vắc xin phòng thủy đậu càng quan trọng. Nếu gia đình có trẻ nhỏ hãy đưa trẻ tới cơ sở y tế để tiêm theo đúng liều lượng quy định. Trẻ 1-12 tuổi cần được tiêm một liều vắc xin để phòng thủy đậu. Từ 13 tuổi trở lên, mỗi người cần được tiêm hai liều, cách nhau ít nhất 6 tuần để hiệu quả phòng bệnh tốt nhất. Phụ nữ có kế hoạch sinh con nên tiêm vắc xin ngừa thủy đậu trước khi mang thai 3 tháng.

Người dân khi phát hiện bản thân hoặc các trường hợp mắc thủy đậu cần thông báo ngay cho Trạm Y tế nơi gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn điều trị theo quy định, giảm thiểu nguy cơ bệnh diễn biến nặng.

 

Bảo An

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập