Nâng cao hiệu quả công tác tiêm chủng mở rộng
Lượt xem: 8
Tiêm chủng là một trong những biện pháp y tế dự phòng hiệu quả nhất, có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và góp phần giảm tỷ lệ mắc, tử vong do bệnh tật, những năm qua, ngành Y tế tỉnh Cao Bằng đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả tiêm chủng mở rộng, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tỉnh.

 Viên chức Trạm Y tế xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc thực hiện tiêm chủng cho trẻ.

Hàng năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tham mưu cho Sở Y tế triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác tiêm chủng trên địa bàn. Trong đó, chỉ đạo các địa phương rà soát đối tượng trong diện tiêm chủng để dự trù vắc xin. Lập kế hoạch tiêm vét, tiêm bổ sung cho đối tượng thuộc vùng lõm tiêm chủng. Trung tâm Y tế các huyện, thành phố chủ động kiểm tra, giám sát hỗ trợ Trạm Y tế tuyến xã thực hiện tiêm chủng, quản lý vắc xin, vật tư tiêm chủng, thực hiện đúng quy trình, quy định tiêm chủng Bộ Y tế đã ban hành. Đánh giá tại cộng đồng về công tác tiêm chủng mở rộng để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Hiện nay, 100% các cơ sở tiêm chủng duy trì áp dụng hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia, tạo thuận lợi trong báo cáo kết quả tiêm chủng, lập kế hoạch tiêm chủng hàng tháng, quản lý các trường hợp chưa tiêm chủng, tiêm thiếu mũi.

Bên cạnh đó đẩy mạnh công tác truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về lợi ích và tầm quan trọng của công tác tiêm chủng vắc xin phòng bệnh, khuyến cáo các bậc phụ huynh cần đưa con đi tiêm chủng các loại vắc xin phòng bệnnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng đầy đủ, đúng lịch. Hàng tháng, trước mỗi buổi tiêm, các nhân viên y tế của các Trạm và y tế thôn bản thường xuyên rà soát các đối tượng trong diện tham gia tiêm chủng; đồng thời đến các gia đình có con nhỏ trong độ tuổi để thông báo về lịch tiêm chủng và vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Cao Bằng có 12.611 lượt trẻ được tiêm chủng mở rộng. Chủ yếu là tiêm chủng cho trẻ em dưới 1 tuổi và tiêm chủng cho phụ nữ có thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Trong đó, 1.488 trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ, đạt 21,6%; 1.559 trẻ 18 tháng được tiêm vắc xin MR (sởi - rubella), đạt 22,8%; 1.347 trẻ từ 1 - 5 tuổi được tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản mũi 2 (đạt 18,9%), 1.355 trẻ được tiêm mũi 3 (đạt 20%); 1.831 trẻ 18 tháng được tiêm vắc xin DPT mũi 4, đạt 26,8%; 864 phụ nữ có thai được tiêm vắc xin uốn ván UV2+, đạt 13,5%; tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh 1.234 lượt, đạt 97%; uống vắc xin Rota trong chương trình tiêm chủng mở rộng liều 1 được 1.935 lượt, đạt 28,1%; liều 2 được 998 lượt, đạt 14,5%.

Quy trình tiếp nhận, khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm, chỉ định tiêm, tiêm và theo dõi sau tiêm đã được các trạm y tế toàn tỉnh thực hiện theo đúng quy chuẩn. Mỗi điểm chỉ thực hiện tiêm tối đa 50 trẻ/bàn tiêm trong 1 buổi tiêm. Trong tiêm chủng, việc khám, chỉ định tiêm và tư vấn, hướng dẫn theo dõi sau tiêm là việc rất quan trọng. Trước khi tiêm y, bác sĩ luôn phân loại để trẻ được đánh giá tình trạng sức khỏe, chỉ định tiêm hay uống vắc xin, hoãn tiêm nếu sức khỏe không cho phép. Bác sĩ Nông Văn Ta, Phụ trách Trạm Y tế xã Mai Long, huyện Nguyên Bình cho biết: Trước khi tiến hành tiêm chủng, cán bộ y tế xã thường thông tin đến gia đình trẻ ngày hôm đó tiêm loại vắc xin gì. Sau tiêm, chủ động nhắn các phụ huynh theo dõi sức khỏe của trẻ và theo dõi sổ tiêm chủng của trẻ để hiểu và nắm được lịch tiêm cũng như các mũi tiêm của trẻ đảm bảo nhất vì trong chương trình tiêm chủng mở rộng, một số loại vắc xin phải thực hiện tiêm nhắc lại để củng cố miễn dịch bền vững.

Tùy từng loại vắc xin và từng tác nhân gây bệnh mà có những loại vắc xin chỉ cần tiêm 1 mũi, cũng có loại cần tiêm nhiều mũi mới tạo ra được miễn dịch cơ bản (nghĩa là nồng độ kháng thể trong cơ thể người được tiêm phòng đủ để chống lại tác nhân gây bệnh). Với một số loại vắc xin, kháng thể có thể bị giảm đi theo thời gian, nếu đối tượng tiêm chủng không tiêm nhắc lại thì cơ thể sẽ có thể bị mắc bệnh, việc tiêm nhắc lại mục đích là để củng cố và nâng cao hiệu giá kháng thể.

Thực tế hiện nay có rất nhiều phụ huynh không để ý và không nhớ lịch tiêm chủng của con mình, dẫn đến việc trẻ có thể bị sót mũi tiêm và không đủ miễn dịch. Vì vậy, bên cạnh công tác tuyên truyền cho trẻ được tiêm đầy đủ, cán bộ y tế tại các Trạm Y tế thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương thông tin trên các nhóm Zalo của hộ dân cư lịch tiêm chủng cho các bậc phụ huynh trước mỗi đợt tiêm hàng tháng về mũi tiêm, ngày giờ và địa điểm tiêm.

Chị Lý Thị Chư, xóm Nà Đuống, xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc chia sẻ: Việc nhắn tin trên điện thoại giúp ích rất nhiều cho tôi và những người có con nhỏ. Vì đôi khi mải mê công việc, bận rộn nhiều thứ mà quên mất lịch tiêm của con. Mà điện thoại thì bây giờ ai cũng dùng, lúc nào cũng bên cạnh nên mở ra xem tin nhắn vừa biết mũi tiêm, ngày tiêm, giờ tiêm… rất tiện lợi.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả chương trình tiêm chủng mở rộng, mỗi gia đình cần có trách nhiệm đưa trẻ đi tiêm đúng độ tuổi, đúng lịch để có thể giúp trẻ được bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất, phòng bệnh an toàn trong điều kiện thời tiết, khí hậu và dịch bệnh luôn có những diễn biến phức tạp như hiện nay.

Thủy Tiên

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập