Các biện pháp xử lý nước sinh hoạt sau mưa lũ, ngập úng
Lượt xem: 29
Sau khi mưa lũ, ngập úng, nguồn nước tại các vùng thiên tai bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Để xử lý nước sau mùa bão lũ, ngập úng, Ban Biên tập Trang Thông tin điện tử Trung tâm Kiểm soát bệnh tật xin đưa ra một số lời khuyên, các biện pháp xử lý nước sinh hoạt sau mưa lũ, ngập úng.

Viên chức Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế huyện Trùng Khánh, Trạm Y tế xã Quang Vinh (Trùng Khánh) chuẩn bị hoá chất, bình phun để xử lý môi trường.

 

Nguồn nước sau mùa bão lũ, ngập úng bị ô nhiễm nghiêm trọng

Ngoài thiệt hại về cơ sở vật chất thì người dân vùng thiên tai còn gặp vấn đề thiếu nước sạch sử dụng. Nguồn nước sau mùa mưa lũ, ngập úng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đối với các nơi vẫn còn sử dụng nguồn nước tự nhiên như nước mưa, nước giếng khoan thì tình trạng thiếu nước sạch càng nặng nề. 

Nước sạch bị nhiễm bẩn, chuyển sang đục ngầu do bị nhiễm từ nguồn nước thải, bùn đất, xác động vật, cây cối, rác thải… Đồng thời, nước nhiễm bẩn chứa nhiều vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh. Điển hình là các bệnh như: tả, tiêu chảy, thương hàn, da liễu, cảm cúm; bệnh trên da như ghẻ lở, mẩn ngứa, mụn lở loét; đau mắt đỏ, viêm phụ khoa do sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh để ăn uống, tắm rửa, giặt giũ… 

Do vậy, khắc phục nguồn nước sau mùa bão lũ, ngập úng là việc làm cấp thiết từ mỗi gia đình đến các cấp chính quyền để đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân, phòng ngừa các dịch bệnh bùng phát.

 

anh tin bai

Xã Quang Vinh, huyện Trùng Khánh có 8/8 xóm ngập úng do ảnh hưởng của đợt mưa lớn từ ngày 23/8.

 

Các phương pháp xử lý nước sinh hoạt sau mưa lũ, ngập úng

Đối với các vùng chưa có nhà máy cấp nước, phải sử dụng nguồn nước từ sông, suối, nước giếng thì cần xử lý nước qua 3 bước sau trước khi sử dụng: 

Vệ sinh giếng nước

Mặc dù miệng giếng đã được bịt kín bằng túi nilon nhưng cũng không tránh khỏi rác, cặn chui vào trong giếng làm bẩn nước nên ta cần thay rửa giếng nước trước tiên. 

Nếu giếng bị ngập và nước lụt tràn vào thì ta cần:

- Múc cạn nước giếng tồn động và nạo vét hết bùn cặn

- Trong trường hợp không thể nạo vét được giếng thì nên chọn một giếng khác để xử lý và dùng chung. 

- Nếu tất cả các giếng trong khu vực đều không thể thau vét được thì có thể áp dụng biện pháp xử lý tạm thời. Múc nước lên rồi đựng vào bể chứa tạm thời, đánh phèn làm trong nước rồi khử trùng. Khi dùng hết mẻ nước này sẽ làm mẻ khác cho đến khi nước trong giếng cạn để có thể rửa giếng. 

Nếu giếng bị ngập nhưng nước lụt không tràn vào trong giếng và nước giếng trong: Vẫn phải khử trùng trước khi sử dụng. Nếu điều kiện cho phép thì múc cạn và rửa lại, nếu không thì có thể tiến hành khử trùng ngay nước trong giếng để sử dụng.

Làm trong nước

Nước sau mưa lũ chứa rất nhiều bùn đất, rác làm cho nước có màu đục, nâu đỏ… Để làm trong nước ta có thể sử dụng phèn chua hoặc lọc bằng vải sạch.

Sử dụng phèn chua lọc nước: Đây là cách làm quen thuộc với nhiều người dân giúp làm trong nước. Đối với cách này sẽ sử dụng 1g phèn chua cho khoảng 25l nước. 

- Đầu tiên múc nước từ sông, suối, giếng khơi cần làm trọng.

- Hòa tan phèn vào trong 1 ca nước rồi đổ từ từ gáo nước vào xô nước đã chuẩn bị, khuấy đều.

- Đợi khoảng 30 phút cho cặn lắng xuống đáy rồi gạn lấy phần nước trong.

Sử dụng vải sạch để lọc: Trong trường hợp không có phèn chua có thể thay thế bằng vải lọc sạch. Chọn vải cotton để giúp lọc nước hiệu quả. Chú ý cần làm nhiều lần để lọc trong nước và thay vải khi thấy cặn trên vải nhiều. Lọc bằng vải không cho hiệu quả làm trong nước như phèn chua nhưng trong trường hợp thiếu có thể khắc phục. 

 

anh tin bai

Lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khảo sát tình trạng ngập úng tại xã Quang Vinh, huyện Trùng Khánh để có phương án xử lý môi trường và nguồn nước.

 

Khử trùng nước

Sau khi đã làm trong nước cần loại bỏ những vi khuẩn, virus gây bệnh hay những chất vẫn lọt qua trước khi sử dụng. Để khử trùng nước hiện nay thường dùng hóa chất Cloramin B hoặc T, sau đó đun sôi nước để sử dụng hoặc sử dụng các thiết bị lọc nước.

Để đảm bảo an toàn nước giếng sau khử trùng nồng độ Clo dư trong nước trong khoảng 0,5-1,0 mg/lít (có mùi nồng của Clo). Trước khi dùng cần tính lượng Cloramin B cần thiết cho giếng nước với nồng độ trong nước là 10g/m3 . Có thể dùng một số hóa chất khác như: Clorua vôi 20% (13g/m3 ) hoặc Clorua vôi 70% (4g/m3 ).

Các bước tiến hành:

- Hòa tan Cloramin B vào gầu nước, khuấy đều cho tan hết. Với lượng nước nhỏ tại hộ gia đình dùng 1 viên 0,25g/25l nước. Còn đối với thùng 30l nước sử dụng 0,5g bột Cloramin B 27%. Tương tự để tính với các lượng nước lớn hơn. 

- Tưới đều gầu nước này vào giếng hoặc bể, thùng chứa nước. Thả gầu chìm sâu đến nửa cột nước rồi kéo lên xuống khoảng 10 lần. Nếu không ngửi thấy mùi Clo trong nước thì cho thêm khoảng 1/3 thìa canh bột hóa chất nói trên vào giếng và khuấy đều, cho thêm đến khi nước giếng có mùi Clo thì thôi. 

- Dùng nước giếng này dội lên thành giếng để khử trùng.

- Đợi 30 phút sau khi khử trùng có thể sử dụng nước. 

 

Đức Giang (St)

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập