Cùng với các bước khám lâm sàng, xét nghiệm máu tổng quát là căn cứ rất quan trọng và là bước không thể thiếu trong quy trình khám sức khỏe định kỳ. Xét nghiệm máu tổng quát có thể giúp theo dõi, phát hiện nhiều bệnh phổ biến như: thiếu máu, bệnh lý về máu, tiểu đường, mỡ máu, gout, đánh giá chức năng gan, thận, tình trạng thừa hoặc thiếu vi chất (như sắt, can xi…), tầm soát ung thư...
Xét nghiệm máu tổng quát là bước quan trọng trong quy trình khám sức khỏe định kỳ.
Xét nghiệm máu là xét nghiệm y tế thông thường, được sử dụng để đo lường hoặc kiểm tra khoáng chất có trong máu, tiểu cầu, đồng thời đánh giá các chất điện giải, protein và hormone. Mục đích của việc xét nghiệm máu chủ yếu là để phục vụ chẩn đoán bệnh, kiểm tra chức năng của các cơ quan trong cơ thể và đánh giá hiệu quả của phương pháp điều trị hiện đang áp dụng.
Trong xét nghiệm máu, một mẫu máu nhỏ được lấy từ cơ thể của người cần xét nghiệm, thường là ở tĩnh mạch cánh tay. Thủ thuật này rất nhanh chóng và dễ dàng mặc dù có thể hơi khó chịu ban đầu. Hầu hết mọi người không có phản ứng nghiêm trọng nào khi lấy máu. Mẫu máu sau đó sẽ được chuyển tới phòng xét nghiệm để phân tích.
Ở hầu hết các xét nghiệm máu, người bệnh vẫn có thể ăn uống bình thường. Tuy nhiên, với xét nghiệm đo lượng đường huyết (xét nghiệm glucose), xét nghiệm mỡ máu, trước khi thực hiện lấy máu, người thực hiện xét nghiệm máu được yêu cầu không ăn gì trong vòng 8 - 12 giờ trước khi lấy máu.
Xét nghiệm máu không chỉ kiểm tra tình trạng sức khỏe tổng thể mà còn giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh, hoạt động của các cơ quan, đồng thời đánh giá hiệu quả của những phương pháp điều trị.
Mỗi chỉ số xét nghiệm máu có ý nghĩa khác nhau, phản ánh các vấn đề sức khỏe và bệnh lý khác nhau. Dựa trên các chỉ số được thực hiện trong tổng phân tích tế bào máu các bác sĩ sẽ đánh giá sức khỏe của người xét nghiệm và chuẩn đoán chức năng một số bộ phận trong cơ thể. Cụ thể như sau:
Đánh giá sức khỏe tổng thể: Kết quả xét nghiệm cung cấp nhiều thông tin quan trọng giúp bác sĩ chẩn đoán tình trạng sức khỏe như số lượng tế bào máu chỉ số chức năng gan, thận, đường huyết…
Chẩn đoán - theo dõi tiến triển bệnh: Xét nghiệm máu được sử dụng để theo dõi hiệu quả của phương pháp điều trị. Dựa trên kết quả xét nghiệm được thực hiện định kỳ, bác sĩ sẽ điều chỉnh phác đồ, liệu pháp nếu người bệnh đáp ứng kém với điều trị.
Đánh giá chức năng gan và thận: Xét nghiệm được sử dụng để đánh giá chức năng thận và gan thông qua các chỉ số và thước đo khác nhau. Ví dụ: xét nghiệm AST (Aspartate Transaminase) giúp kiểm tra số lượng enzym AST có trong gan. Lượng enzym này tăng cao cho thấy gan có thể bị tổn thương. Tương tự, xét nghiệm Creatinin nhằm kiểm tra chức năng thận có suy giảm hay không.
Kiểm tra dấu hiệu ung thư: Xét nghiệm máu để phát hiện ung thư được chia thành 4 loại cơ bản gồm: công thức máu toàn phần (CBC), đánh dấu khối u, xét nghiệm protein trong máu và xét nghiệm khối u tuần hoàn… giúp phát hiện một số khối u rắn.
Kiểm tra đường huyết: Xét nghiệm đo mức đường huyết để chẩn đoán bệnh tiểu đường. Một xét nghiệm máu khác là A1C dùng để đo lượng đường trong máu theo thời gian.
Dị ứng: Xét nghiệm giúp kiểm tra xem máu có tăng nồng độ kháng thể globulin miễn dịch E (IgE) hay không, đồng thời phát hiện tình trạng dị ứng với thực phẩm, vật nuôi, phấn hoa hoặc các chất gây kích ứng khác.
Bệnh tim: Xét nghiệm máu tim giúp phát hiện và chẩn đoán nguy cơ đau tim hoặc phát triển bệnh tim. Ngoài ra, xét nghiệm khí máu động mạch (ABG) đo nồng độ oxy và nồng độ carbon dioxide dùng trong chẩn đoán suy tim cấp tính và ngừng tim.
Xét nghiệm máu là phương pháp phổ biến, áp dụng khi kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc được chỉ định thực hiện trước khi tiến hành một số thủ thuật y tế. Phương pháp này có một số lưu ý như:
+ Nên xét nghiệm máu vào buổi sáng.
+ Tùy loại xét nghiệm mà bạn nên nhịn ăn trong 8 - 12 tiếng trước khi lấy máu, không uống nước ngọt, sữa, rượu… Tuy nhiên, bạn có thể uống nước lọc.
+ Tham khảo ý kiến bác sĩ về những lưu ý đối với xét nghiệm bạn sẽ thực hiện.
+ Việc lấy máu xét nghiệm có thể gây đau hoặc bầm tím. Tình trạng này sẽ cải thiện sau đó.
+ Có thể sưng nhẹ ở vị trí lấy máu.
+ Báo ngay với nhân viên y tế nếu thấy chóng mặt, choáng váng.
Thời gian trả kết quả xét nghiệm máu tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: loại xét nghiệm; phương pháp xét nghiệm. Thông thường, xét nghiệm máu thường quy cho kết quả nhanh chóng, sau 2-3 giờ. Ngược lại, xét nghiệm máu chuyên sâu đòi hỏi quá trình thực hiện phức tạp, do đó, thời gian trả kết quả có thể kéo dài hơn. Hiện nay, nhiều thiết bị, máy móc xét nghiệm đã ứng dụng các công nghệ phân tích hiện đại, cho kết quả nhanh, độ chính xác cao.
Có thể thấy, vai trò, ý nghĩa xét nghiệm máu là rất quan trọng trong khám chữa bệnh. Không chỉ là phương pháp giúp chuẩn đoán, phát hiện bệnh mà còn giúp mỗi người theo dõi sức khỏe của chính bản thân mình. Xét nghiệm máu tổng quát nên là một trong những phương pháp kiểm tra sức khỏe định kỳ cho mỗi người. Để từ đó, giúp phát hiện một số bệnh lý (ở giai đoạn tiền lâm sàng) trước khi các bệnh biểu hiện triệu chứng ra bên ngoài. Thông qua xét nghiệm máu tổng quát, một số bệnh lý có thể được phòng ngừa để không xảy ra hoặc điều trị ngay từ những giai đoạn rất sớm.
Thủy Tiên (st)